Khoa học đã chứng minh thiền định có tác dụng tích cực cho sức khỏe con người – cả thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, cũng giống như quá trình xây dựng những thói quen tích cực khác, nếu đi sai hướng, nếu lạm dụng quá mức, nếu hiểu sai thì người thực hành thiền định cũng có nguy cơ gặp phải những vấn đề tiêu cực – như cơ thể mệt mỏi, tâm trí hỗn loạn, thường xuyên mất ngủ…
Để đảm bảo gặt hái được ích lợi thật sự của thiền định, trước tiên, chúng ta cần tìm hiểu để điều chỉnh lại những quan điểm sai lầm phổ biến trong quá trình thực hành thiền.
Quan điểm sai lầm đầu tiên đó là cố gắng không nghĩ gì.
Khi tìm hiểu không đúng, không đủ về thực hành thiền, khá nhiều người hiểu cụm “điều phục tâm trí lang thang” thành “không nghĩ gì”. Đó là một cách hiểu chưa chính xác.
Khi cố gắng ngừng suy nghĩ trong khi thực hành là chúng ta đang làm cho việc thực hành thiền trở nên khó khăn hơn. Thiền không phải là không suy nghĩ. Thiền là quan sát những suy nghĩ và theo dõi cơ thể. Nói một cách nôm na, suy nghĩ này giống một chiếc xe đạp vừa băng qua – tốc độ có vẻ chậm và khá an toàn; suy nghĩ nọ lại giống một chiếc ô tô lao qua chúng ta – tốc độ nhanh và đi kèm với nhiều nguy cơ… Thiền định là để mình được quan sát những suy nghĩ ấy – như quan sát chiếc xe đạp và chiếc ô tô trong ví dụ vừa rồi. Cứ thế, thực hành lâu dần, chúng ta có thể quan sát mọi suy nghĩ của mình trong suốt cả ngày. Và, đó là cơ sở để hiểu bản thân hơn, để điều chỉnh mình phát triển theo hướng tích cực hơn.
Thế nên, nếu nghĩ thiền nghĩa là dừng mọi suy nghĩ lại, hoặc thực hành thiền là phải cố gắng dừng mọi suy nghĩ lại, vô hình trung, tự chúng ta đưa mình đi sai hướng.
Quan điểm sai lầm thứ hai, nhất thiết phải ngồi bắt chéo chân trên đệm thiền.
Theo ngôn ngữ thiền, thì bắt một chân lên đùi bên kia là ngồi tư thế bán già, và bắt cả hai chân là ngồi tư thế kiết già. Và, khá nhiều người cho rằng, khi thực hành thiền phải ngồi bán già hoặc kiết già. Thật ra, với một số người, hai tư thế ngồi đó không khác gì “cực hình”; cố gắng lắm để ngồi được tư thế này thì họ cũng không thể ngồi lâu. Và như thế, vô tình từ một tư thế ngồi bị hiểu sai là bắt buộc khiến một số người cảm thấy thực hành thiền quá khó và không thể phù hợp được.
Thực tế, thực hành thiền không nhất thiết phải theo tư thế bán già hay kiết già. Chúng ta có thể ngồi ở tư thế khiến bản thân thấy thoải mái và tự nhiên nhất – ngồi xếp bằng, ngồi trên ghế – chỉ cần đảm bảo giữ cột sống thẳng và thả lỏng hoàn toàn. Đừng nghĩ về thiền như một khái niệm xa vời, với những yêu cầu khắt khe. Thiền là một phương pháp thực hành để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. Tất nhiên, không dễ dàng gì để chúng ta có thể tìm hiểu và thực hành ngay thiền – cũng như bất kỳ phương pháp nào khác vậy. Nhưng chắc chắn, thiền không khắt khe và không quá khó nếu chúng ta có đủ sự kiên trì.
Quan điểm sai lầm thứ ba, phải thiền định ở một nơi hoàn toàn yên tĩnh.
Thực tế, nếu có một không gian yên tĩnh và không bị quấy rầy trong thời gian thực hành thiền là điều cực kỳ lý tưởng, nhất là với những người vừa bắt đầu. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để chuẩn bị cho mình không gian lý tưởng đó. Cũng không hề đơn giản để có thể có được không gian yên tĩnh hoàn toàn; nhất là trong trường hợp chúng ta muốn thực hành thiền vào giờ nghỉ giải lao, nghỉ trưa tại nơi làm việc. Và đây là một trong những quan niệm khiến thiền bị hiểu lầm là quá nhiều yêu cầu, quá nhiều ràng buộc và quá khó thực hành…
Thật ra, chỉ cần một không gian thoải mái, dễ chịu một chút, đừng quá nhiều tiếng ồn và đừng bị gián đoạn khi thực hành thiền là tốt lắm rồi. Khi thực hành thiền một thời gian, chúng ta sẽ học được cách gạt bỏ những thứ xung quanh và tập trung vào một thứ duy nhất. Nếu biết cách làm cho tâm an, chúng ta không cần phải ở trong một nơi yên tĩnh mới có thể thực hành thiền.
Quan điểm sai lầm thứ tư, phải thiền định ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Khá nhiều người khi mới thực hành thiền gò ép bản thân vào một lượng thời gian nhất định. Đây là một sự ép buộc có thể mang lại tác hại cản trở quá trình tăng tiến khi thiền. Bản chất của thiền định là sự tự nhiên, đưa con người về trạng thái tự nhiên và kích phát tiềm năng một cách tự nhiên. Vì vậy, chúng ta cũng phải có suy nghĩ tự nhiên. Hãy ngồi thiền một cách tự nhiên và thoải mái nhất.
Tâm lý chung thường cho rằng thực hành ít không đáng giá, không đem lại hiệu quả. Nhưng thực tế, với thiền, 15 phút tự nhiên, thoải mái tốt hơn 60 phút ngồi “cân đo đong đếm” thời gian.
Quan điểm sai lầm thứ năm, trông đợi kết quả.
Như đã nói ở trên, thiền định xuất phát từ tự nhiên, lấy năng lượng từ tự nhiên, tâm người tập luyện nếu không tự nhiên thì không đạt được lợi ích. Khi hành thiền mà chúng ta mong cầu kết quả cụ thể nào – như làm chậm quá trình lão hóa, chữa bệnh, thay đổi, cách nghĩ tìm lại bản thân… – thì không còn tính tự nhiên ở đây nữa. Cứ thả lỏng, tĩnh tâm một cách thoải mái và tự nhiên, những lợi ích đó sẽ tự đến.
Thiền không phải là “làm” hay “đạt được”; thiền là “đang” và “quan sát”!
Cùng thực hành các bài tập “thiền định” trên app ANSpace bằng cách vào mục Tìm kiếm (Nhập từ khóa) => Thiền định
Tải và trải nghiệm ngay app ANSpace:
– IOS: https://apple.co/3xoPaJN
– Android: https://bit.ly/3aPxRK8
T.T.T