Lắng nghe với một sự chú tâm trọn vẹn là một trong những điều tốt đẹp nhất chúng ta có thể trao tặng cho người khác, là cách chúng ta thể hiện sự tôn trọng và quý mến họ. Bạn chỉ cần lắng nghe thôi, đôi khi đã mang đến niềm an ủi, sự cảm thông có giá trị hơn mọi lời nói. Tiếc là, trong cuộc sống, người nói thì nhiều, nhưng người biết lắng nghe thực sự khá hiếm.
Một trong những nhu cầu cơ bản nhất của con người là nhu cầu được hiểu. Quả thực, “được hiểu” là một cảm giác dễ chịu biết bao!. Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói rằng: “Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ. Thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu bạn không thể thấu hiểu, thì bạn chẳng thể yêu thương”.
Và, cách tốt nhất để hiểu một người, đó là lắng nghe họ.
Lắng nghe là một nghệ thuật. Lắng nghe người khác không chỉ là nghe điều họ nói, mà còn nghe cả những điều họ không nói. Bạn không chỉ nghe câu chuyện, bạn còn nghe cả tiếng lòng, cả tâm tư của họ. Để nghe được như thế, bạn phải có mặt trọn vẹn trong khi tiếp xúc với mọi người.
Thông thường, chúng ta ít khi nghe ai trọn vẹn. Thói quen của ta là vừa nghe vừa tìm câu trả lời. Điều này hữu ích trong những giao tiếp thuần túy trao đổi thông tin. Nhưng trong rất nhiều trường hợp khác, người nói mong bạn dành thời gian và chú tâm lắng nghe họ, đôi khi chỉ nghe mà không cần đưa ra giải pháp nào cả. Chỉ riêng việc được trút bỏ nỗi lòng với một ai đó thực sự lắng nghe mình cũng đã là một sự an ủi, làm vơi nhẹ biết bao nỗi niềm.
Rất nhiều khi chúng ta nghe với một “cái đầu” đầy ắp những quan điểm, định kiến. Ta thường hay mặc định “thế này là đẹp, thế kia là xấu”, “như này mới đúng, như kia là sai”. Những “chương trình lập sẵn” đó luôn sẵn sàng khởi động và tạo nên những phản ứng trong tâm trí, trong khi ta nghe người khác nói. Và thế là ta không thực sự lắng nghe họ nói nữa. Thay vào đó, ta chỉ nghe thấy những lời phán xét, những tiếng nói ở trong đầu mình.
Cách nghe này đôi khi gây ra nhiều hệ lụy, thậm chí là tai họa. Bởi vì khi nghe như thế, ta không hiểu được người nói, ta có thể đưa ra những đáp trả hoặc đánh giá không phù hợp, gây hiểu nhầm hoặc khiến cho họ tổn thương. Có biết bao nhiêu mối quan hệ gặp trục trặc, nảy sinh nhiều vấn đề, thậm chí đổ vỡ mà nguyên nhân đến từ việc giao tiếp không hiệu quả, đặc biệt là vì chúng ta không biết lắng nghe nhau.
Để nghe với trái tim rộng mở, không định kiến, không phán xét đòi hỏi ta phải có sự luyện tập. Làm sao để khi lắng nghe một người, ta có thể nghe một cách chú tâm trọn vẹn. Khi nghe được như thế, ta sẽ hiểu nhau, thương mến nhau hơn và hạnh phúc hơn.
Nhưng để lắng nghe người khác trọn vẹn, trước tiên ta phải học cách lắng nghe chính mình. Bởi vì, lắng nghe chính mình là điều kiện tiên quyết để có thể lắng nghe người khác.
Chúng ta thường bận tâm với nhiều thứ mà quên mất dành thời gian để lắng nghe bản thân. Khi ta có chút thời gian rảnh rỗi, ta thích tìm đến những hoạt động giải trí ồn ào, các phương tiện nghe nhìn, mạng xã hội…hơn là ngồi yên lặng để lắng nghe những gì đang diễn ra rơi thân, tâm mình. Khi đó, bạn sẽ dễ dàng bị cuốn theo những gì bạn tiếp xúc bằng năm giác quan, dễ dàng bị ngoại cảnh tác động và chi phối. Bạn sẽ nói năng, hành xử theo phản xạ thay vì có thời gian lắng tâm để hiểu, để suy xét, để tránh sai lầm.
Vì thế, việc lắng nghe chính mình là cần thiết để có cuộc sống tự chủ, tự do và hạnh phúc hơn. Dù bận rộn thế nào, đừng quên thỉnh thoảng dành một vài phút để ngồi yên, lắng nghe và kết nối với chính mình. Đó là khi bạn phải đối diện với những nỗi đau trên thân thể hoặc trong tâm hồn. Bạn cũng sẽ phải đối diện với sự trống rỗng, nhàm chán, vô vị và những cảm xúc không dễ chịu khác. Nhưng nhờ vậy, bạn luyện tập được sự nhẫn nại và thói quen dừng lại lắng nghe trước khi phản ứng.
Thường xuyên lắng tâm – lắng nghe, nhận biết mình, bạn sẽ hiểu bản thân hơn, hành xử sáng suốt hơn và bình an hơn.
Học được cách lắng nghe chính mình, ta sẽ dễ dàng hơn để lắng nghe người khác và lắng nghe cả những thanh âm của cuộc sống quanh mình. Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn cũng từng “lắng nghe” như thế:
“Im lặng của đêm, tôi đã lắng nghe
Im lặng của ngày tôi đã lắng nghe
Im lặng của đời tôi đã lắng nghe…
Tôi đã lắng nghe…im lặng của tôi”.
(Tôi đang lắng nghe – Trịnh Công Sơn)
Lắng nghe trọn vẹn là việc bạn phải học cả đời. Đôi khi, chẳng khó khăn gì để lắng nghe ai đó tâm sự những điều riêng tư, không liên quan đến bạn. Nhưng với phần đông chúng ta, lắng nghe người thân lại là việc không hề dễ dàng. Bởi vì với người thân, ta dễ bị tình cảm, cảm xúc chi phối. Khi nghe họ, “tiếng nói” trong đầu ta sẽ ồn ào hơn. Đặc biệt là khi họ than phiền, trách móc ta thì ta càng dễ bị mất kiên nhẫn và sẵn sàng phản ứng theo thói quen, một cách thiếu suy nghĩ.
Lắng nghe trọn vẹn là dành cho người khác thời gian, sự quan tâm, sự thấu hiểu và tình thương của bạn. Đó là cũng cách bạn kết nối sâu sắc với chính mình, với mọi người và với cuộc sống. Đó cũng là khi bạn được rèn luyện sự nhẫn nại và lòng bao dung, những phẩm chất mà có chúng, cuộc đời bạn sẽ bình yên, hạnh phúc đồng thời đem lại an vui, hạnh phúc cho người khác.
KIỀU GIANG
Cùng tìm hiểu những kiến thức hay, có tính khai sáng trên app ANSpace bằng cách vào mục Tìm kiếm (Nhập từ khóa) => Khai sáng
Tải và trải nghiệm ngay app ANSpace:
– IOS: https://apple.co/3xoPaJN
– Android: https://bit.ly/3aPxRK8