Giá trị cốt lõi là gì và tại sao chúng ta cần tự khẳng định giá trị cốt lõi của bản thân?
I. Giá trị cốt lõi của bản thân là gì?
Giá trị cốt lõi có thể là bất cứ điều gì – lòng trắc ẩn, sự cống hiến trong công việc, tính trung thực, khiếu hài hước… Miễn chúng có thật thì chúng đều là giá trị cốt lõi của chúng ta. Khẳng định giá trị cốt lõi của bản thân là phương thức để chúng ta dừng việc trì hoãn của mình lại, dừng cảm giác chán nản trước những khó khăn, dừng thái độ thiếu tự chủ… Có nghĩa, phương pháp này giúp chúng ta hiểu đúng và áp dụng sức mạnh nội tại để giải quyết mọi vấn đề đang gặp phải.
II. Xác định giá trị cốt lõi của bản thân
Vào đầu những năm 1980, Tiến sĩ Roy Baumeister đã phát triển một ý tưởng hết sức táo bạo. Ông cho rằng, ý chí của con người có thể cạn kiệt nếu không biết cách sử dụng; và chúng ta hoàn toàn có thể “tập thể dục” để tăng cường ý chí của mình.
Các nhà nghiên cứu Brandon J. Schmeichel và Kathleen Vohs đã phát hành một bài báo vào đầu năm 2009 tóm tắt những phát hiện của một loạt thí nghiệm trên Tạp chí Nhân cách và Xã hội Tâm lý. Trong những thí nghiệm này, các đối tượng đã “cạn kiệt” cái tôi của họ; và sau đó cố gắng chống lại sự cạn kiệt này bằng cách sử dụng phương pháp tự khẳng định. Kết quả cho thấy những người áp dụng phương pháp tự khẳng định có một sức mạnh đáng kể trong quá trình phát triển khả năng tự chủ.
Chương trình khẳng định bản thân này rất hữu ích trong việc giảm thiểu xu hướng trì hoãn mà chúng ta thường mắc phải khi đối diện với một vấn đề được cho là quá sức. Để bắt đầu phương pháp này, người hướng dẫn sẽ yêu cầu chúng ta chọn lọc một trong những giá trị cốt lõi của bản thân – những thứ đơn giản và có thật – và viết mô tả về giá trị này.
Đừng chọn thứ gì đó chỉ vì nó khiến ta giống như một vị thánh. Bài thực hành này không phải để giành chiến thắng trong một cuộc thi viết luận cho “con người tốt nhất”. Chúng ta đang cố gắng để khẳng định những phần sâu sắc nhất và ý nghĩa nhất trong con người mình. Thế nên, việc thành thật với bản thân khi ghi nhận một giá trị cốt lõi là điều rất cần thiết.
Hãy nghĩ xem giá trị ấy quan trọng với chính bản thân ta và với những người khác ra sao. Và giá trị ấy tạo ra khác biệt nào trong cuộc sống của chúng ta… Ví dụ như chúng ta chọn giá trị “trung thực”, ta cần phải hình dung và viết ra được những lợi ích mà giá trị này đem đến cho cuộc sống của chính mình và cả những người xung quanh. Cố gắng viết thật chi tiết, mô tả càng cụ thể những lợi ích mà giá trị này mang lại càng tốt.
Bạn có thể viết rằng, “giá trị trung thực khiến tôi trở thành một người đáng tin cậy; từ đó, người khác có thể tìm đến tôi để chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Cũng chính giá trị trung thực này khiến tôi biết mình cảm thấy rất dễ chịu khi có thể san sẻ khó khăn với người khác, cho dù đôi khi chỉ là im lặng lắng nghe…”.
III. Ý nghĩa của giá trị bản thân
Nếu sự trung thực của chúng ta là thứ khiến người khác cảm thấy có thể tin tưởng để tựa vào, để chia sẻ, thậm chí là để khóc cười đúng với cảm xúc của họ…, thì rõ ràng, đó là một giá trị cốt lõi đem lại giá trị tích cực mà chúng ta vốn có. Và, từ đó, chúng ta có thể thấy rằng, ta là người mạnh mẽ. Bởi không bất kỳ ai yếu đuối lại có thể trở thành chỗ dựa cho người khác được! Và, việc tự khẳng định này giúp chúng ta nhìn một cách rõ ràng về sự mạnh mẽ của bản thân. Hãy tin vào điều đó! Hãy thành thật với chính mình về điều đó!
Như một phần bổ sung cho phương pháp này, chúng ta hãy thể hiện những giá trị cốt lõi của bạn thân trong cuộc sống của mình. Nếu có niềm tin mạnh mẽ về tính trung thực, chúng ta cần nỗ lực trung thực và phát huy tính trung thực ở mọi hành vi ứng xử với người khác. Điều này cũng được hiểu là một hành động tự khẳng định mình. Theo thời gian, chúng ta có thể thấy rằng, sự tự khẳng định này thật sự hữu hiệu trong việc gia tăng khả năng kiểm soát bản thân. Và nếu cứ tiếp tục thực hành giá trị cốt lõi của bản thân trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta sẽ có thể duy trì sức mạnh ý chí.
Cũng tương tự như giá trị trung thực, chúng ta có thể mở rộng phương pháp thực hành tự khẳng định này ở nhiều giá trị cốt lõi khác vốn có trong mình – như tính khiêm tốn, sự tự chủ, khiếu hài hước, lối sống uy tín… Càng thực hành nhiều phương pháp này bao nhiêu, chúng ta càng hiểu rõ mình bấy nhiêu – hiểu về sức mạnh nội tại, hiểu về sự mạnh mẽ của bản thân. Và đó chính là cơ sở để chúng ta tự tin đối đầu trước những khó khăn mình gặp trong cuộc sống.
IV. Tổng kết
Buông xuôi là một ví dụ về thất bại trong việc kiểm soát bản thân mà chúng ta cần tìm cách để chống lại. Bằng việc khẳng định sức mạnh ý chí của bản thân thông qua các giá trị cốt lõi, chúng ta có thể khẳng định khả năng của mình để hành động. Có nghĩa là, chúng ta thật sự có khả năng, thật sự mạnh mẽ nên sẽ không trì hoãn khi phải giải quyết vấn đề, không chạy trốn khi gặp khó khăn và không buông xuôi khi chịu quá nhiều áp lực.
AN Space lược dịch
Cùng tìm hiểu những kiến thức hay, kim chỉ nam trong đời sống bằng cách vào trang Khai sáng trên Ứng dụng AN Space ngay tại đây.