Khi chúng ta thay đổi cảm xúc của bản thân dựa trên ý kiến của người khác, ta đang cho phép họ kiểm soát cuộc sống của mình. Nói cách khác, ta để họ trở thành “người giật dây” và biến mình thành con rối của họ.
Có một sự thực là, rất nhiều người trong chúng ta, dù đang ở vị trí nào, hoàn cảnh sống ra sao, đều rất quan tâm đến những điều người khác nghĩ về mình. Ta hay “phóng đại” những suy nghĩ của người khác về những khiếm khuyết, sai lầm của chúng ta. Hậu quả là ta bị căng thẳng, ức chế, thiếu tự nhiên, bứt rứt và bỏ lỡ những giờ sống vui chỉ vì quá bận tâm đến điều người khác nghĩ.
Người ta nói rằng, trên đời có 3 loại công việc. Một là việc của Trời (của Tự nhiên, của Thượng Đế hay của Vũ trụ…tùy cách bạn gọi). Chẳng hạn như thời tiết là việc của tự nhiên. Sinh, tử là việc của tự nhiên. Cơ thể và gen bạn được ban tặng là việc của tự nhiên. Bạn không thể kiểm soát việc của tự nhiên. Bạn chỉ có thể chấp nhận nó.
Thứ hai là việc của người khác. Họ làm gì là việc của họ. Hàng xóm của bạn nghĩ gì về bạn là việc của họ. Đồng nghiệp của bạn đi làm lúc mấy giờ là việc của cô ấy.
Thứ ba là việc của ta. Nếu mình bực bội hay lo lắng về những điều người khác nghĩ hay làm, đó là việc của mình.
Nắng mưa là việc của trời, nhưng khó chịu hoặc thích thú vì nắng hay mưa là việc của bạn.
Chỉ có “việc của ta” mới là điều ta cần quan tâm. Chỉ những điều ta nghĩ và làm là những điều ta có thể kiểm soát, còn lại gần như không thể.
Hiểu được điều này là bước quan trọng để giúp bạn có thể buông xuống những lo lắng, bận tâm của bản thân về điều người khác nghĩ.
Khi chúng ta thay đổi cảm xúc của bản thân dựa trên ý kiến của người khác, ta đang cho phép họ kiểm soát cuộc sống của mình. Nói cách khác, ta để họ trở thành “người giật dây” và biến mình thành con rối của họ.
Bạn đã dành bao nhiêu thời gian trong cuộc đời để tự trừng phạt bản thân vì nghĩ rằng mình đã nói điều gì đó ngu ngốc? Hay vì mình cười hơi lớn ở nơi đông người? Hay vì bạn ăn mặc không giống người xung quanh?
Lần tới nếu bạn lo lắng về những gì người khác nghĩ, hãy nhớ lại bao nhiêu lần bạn đã nhận định sai về người khác, về những thứ xung quanh. Chúng ta đâu phải là những người có “tha tâm thông” – đọc được suy nghĩ của người khác.
Đôi khi, nhiều người trong chúng ta cho rằng bản thân có khả năng “đọc vị” người khác. Nhưng hóa ra không phải vậy. Những điều ta nghĩ đôi khi rất xa thực tế, bởi vì mỗi người là một thế giới khác nhau.
Bạn không bao giờ biết mọi người nghĩ gì về mình trừ khi bạn cho họ cơ hội để nói ra.
Đánh giá của người khác về bạn không bao giờ là vấn đề của bạn mà chính là vấn đề của họ. Những đánh giá đó phản ánh nhận thức, góc nhìn chủ quan của họ; đôi khi chúng phản ánh nỗi sợ bên trong họ. Wayne Dyer – một nhà tâm lý trị liệu, diễn giả và nhà văn với những cuốn sách self – help nổi tiếng thế giới, nói rằng: “Khi bạn đánh giá người khác, bạn không định nghĩa họ, bạn định nghĩa chính mình.”
Rất nhiều khi, những điều ta lo lắng người khác nghĩ về mình phản ánh những gì chúng ta đánh giá về bản thân. Vì thế, đừng quá khắt khe với chính mình. Nếu bạn không thích bản thân, bạn sẽ có xu hướng sợ đánh giá của người khác.
Đôi khi vì ta có thói quen hay phán xét người khác, nên ta tin rằng họ cũng phán xét ta. Cho nên, chính ta là người cần thay đổi thói quen đó của mình: thay vì phán xét những người xung quanh về tính tình, quan điểm tôn giáo, cách ăn mặc của họ…, hãy giữ thái độ khách quan, tò mò về sự khác biệt và đa dạng.
Dĩ nhiên trong cuộc sống, sự phán xét sẽ luôn diễn ra, đó là một sự thật mà ta phải chấp nhận. Sự phán xét và chỉ trích từ người khác có thể khiến ta tổn thương. Nhưng nếu vì sợ đau mà bạn không dám làm những điều mình mong muốn, không dám sống thật với con người mình, bạn sẽ thấy hối tiếc khi thời gian trôi qua. Đôi khi, ta phải sẵn sàng đối mặt với những lời phán xét và chỉ trích, thay vì trốn tránh và không dám vượt ra khỏi vùng an toàn. Tập trung vào việc sống đúng với bản thân chứ không phải cuộc đời mà người khác mong đợi ở bạn.
Sự lo lắng về những điều người khác nghĩ cho thấy, bạn đang hướng ra ngoài, tìm kiếm sự chấp thuận từ người khác để lấp đầy khoảng trống bên trong mình. Khoảng trống đó được tạo ra từ sự chối bỏ hoặc căm ghét bản thân.
Một khi bạn chấp nhận bản thân, bạn sẽ ngừng lo lắng về ý kiến của người khác. Bạn có một sự chấp thuận quan trọng nhất – sự chấp thuận của chính bạn.
Khi bạn thực sự hài lòng với con người của mình, bạn sẽ không còn bận tâm đến việc liệu người khác có thích bạn hay không.
Thực ra, cũng không phải ta không bao giờ nên quan tâm đến những gì mọi người nghĩ về mình, nhưng ta cần quan tâm đến những gì ta nghĩ về bản thân trước. Ta hãy tự hỏi mình là ai, mình muốn trở thành người thế nào, và đặt sự chú ý của mình vào đó.
Cách mọi người nhìn nhận bạn không quan trọng bằng cách bạn nhìn nhận chính mình. Đừng chờ đợi sự cho phép của người khác để trở nên tự tin và tuyệt vời theo cách của bạn. Nếu người khác không nhìn thấy điều đó ở bạn, đó là việc của họ, đúng không nào? Hãy là phiên bản tốt nhất của chính mình và là người hâm mộ trung thành của riêng bạn.
KIỀU GIANG
Cùng tìm hiểu những kiến thức hay, có tính khai sáng trên app ANSpace bằng cách vào mục Tìm kiếm (Nhập từ khóa) => Khai sáng
Tải và trải nghiệm ngay app ANSpace:
– IOS: https://apple.co/3xoPaJN
– Android: https://bit.ly/3aPxRK8