Kẻ thao túng tâm lý sẽ kiểm soát, điều khiển bạn, ngăn bạn sống với cảm xúc thật của bản thân, khiến bạn chịu nhiều căng thẳng, áp lực nơi làm việc.
I. Thao túng tâm lý là gì?
Thao túng tâm lý được hiểu là việc điều khiển cảm xúc và tinh thần đối phương – thường là trong các mối quan hệ cá nhân hoặc công việc – với mục đích kiểm soát, áp đặt quyền lực, tìm kiếm lợi nhuận… hoặc để thỏa mãn “cái tôi” thiếu lành mạnh.
Nạn nhân của thao túng tâm lý thường sẽ rơi vào hoang mang, nghi ngờ, mất niềm tin vào bản thân, lệ thuộc vào kẻ thao túng và thậm chí là trầm cảm, mất tỉnh táo.
Không chỉ xuất hiện trong các mối quan hệ tình cảm, gia đình, bạn bè…, thao túng tâm lý còn diễn ra ở môi trường làm việc. Đó là khi sếp – hoặc đồng nghiệp của bạn – thường có những lời nói, thái độ, hành vi… tác động tiêu cực đến tinh thần, cảm xúc của bạn, khiến bạn mất tự tin về bản thân; khiến bạn luôn lo lắng, sợ hãi; bạn cảm thấy bản thân không đủ năng lực, không đủ giỏi.
Khi đồng nghiệp hoặc sếp thao túng bạn tại nơi làm việc, bạn có thể bắt đầu nghi ngờ bản thân, rằng trí nhớ của bạn có vấn đề? Hay là bạn thiếu tỉnh táo?
Để khiến bạn phải chịu trách nhiệm về những sự việc đã xảy ra, kẻ thao túng có thể “chối phăng” những gì họ đã làm, đã nói và khiến bạn hoang mang không biết đâu là sự thật. Họ cũng có thể tỏ vẻ coi thường cảm xúc của bạn, bằng cách đưa ra những bình luận kiểu như “bạn quá nhạy cảm”, “hay làm quá”, “tâm lý bất ổn”.v.v.
Tóm lại, những kẻ thao túng sẽ kiểm soát, điều khiển bạn, ngăn bạn sống với cảm xúc thật của bản thân, khiến bạn chịu nhiều căng thẳng, áp lực nơi làm việc.
Bị thao túng có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, chán ghét việc đến công ty mỗi ngày; khiến bạn không còn động lực phấn đấu, thậm chí khiến bạn muốn nghỉ việc.
Điều đáng nói là đôi khi chúng ta bị thao túng tâm lý mà không hề hay biết. Những kẻ thao túng sẽ khiến bạn nghi ngờ nhận thức của chính mình, và bạn có xu hướng tin vào bất cứ điều gì họ nói.
II. Dấu hiệu bạn đang bị thao túng tâm lý
Bạn liên tục bị phàn nàn, chỉ trích
Nếu bạn thường xuyên phải nghe những lời nhận xét tiêu cực và phi lý về thành tích của mình trong công việc, rất có thể bạn đang gặp phải một kẻ thao túng tâm lý.
Hãy tìm cách xác định xem lời chỉ trích của họ có chính xác hay không, có mang tính xây dựng hay không? Lỗi do bạn hay họ đang cố tình “chẻ sợi tóc làm tư”?
Bạn tình cờ nghe được những tin đồn không hay về bản thân
Những kẻ thao túng đôi khi sẽ sẽ nói xấu sau lưng nạn nhân để lôi kéo những người khác chống lại bạn, và để họ có thể duy trì quyền kiểm soát. Nếu bạn nghe được những tin đồn vô căn cứ, hãy cố gắng xác định xem người tung tin là ai, và mục đích của họ là gì.
Những kẻ thao túng có thể giả vờ lo lắng cho bạn, trong khi nói với người khác một cách tế nhị rằng bạn có vẻ không ổn định về mặt cảm xúc hoặc “điên rồ”. Thật không may, chiến thuật này có thể cực kỳ hiệu quả và nhiều người đứng về phía kẻ thao túng dù không biết toàn bộ câu chuyện.
Khiến bạn nghi ngờ bản thân
Họ cố tình hạ thấp những gì bạn làm, những thành quả của bạn, đánh giá thấp thời gian và công sức bạn bỏ ra cho công việc của mình.
Chẳng hạn bạn vừa hoàn thành một nhiệm vụ nào đó và cảm thấy hài lòng. Một người thao túng sẽ tìm cách khiến bạn cảm thấy như thể bạn nên hoàn thành nó một cách tốt hơn, nhanh chóng hơn. Họ sẽ khiến bạn tự hỏi liệu mình có nên tự hào về thành tích của bản thân hay không.
Họ tấn công vào điểm yếu của bạn
Kẻ thao túng thường nhắm vào những điểm yếu của nạn nhân để khiến bạn cảm thấy tồi tệ, yếu kém, tự ti. Bằng việc thường xuyên nhắc tới những sai lầm của bạn trong quá khứ, hay những “gót chân Asin” của bạn để làm bạn tổn thương, họ khiến bạn luôn sống trong phấp phỏng, âu lo, sợ hãi.
III. Cách để không bị thao túng tâm lý
Cách 1: Đặt ranh giới để cho người khác biết bạn chấp nhận và không chấp nhận điều gì trong mối quan hệ đồng nghiệp hoặc cấp trên – cấp dưới. Hãy nói rõ rằng bạn sẽ không cho phép người khác có những hành động coi thường, nhạo báng hoặc nói không đúng sự thật về bạn.
Cách 2: Giữ lại bằng chứng. Vì người thao túng có thể chối bay những gì họ đã làm hoặc nói với bạn, và khiến bạn nghi ngờ trí nhớ hoặc sự tỉnh táo của bản thân, do đó đừng quên giữ lại các bằng chứng. Viết nhật ký, lưu lại các cuộc trò chuyện bằng cách ghi chép hoặc chụp ảnh màn hình v.v. để sau này bạn có thể xem lại chúng và nhắc nhở bản thân rằng bạn không nên nghi ngờ chính mình.
Cách 3: Tin vào trực giác của bạn. Kẻ thao túng thường thành công trong việc gieo vào đầu nạn nhân những suy nghĩ, quan điểm mà họ muốn, để dễ dàng điều khiển bạn.Vì vậy hãy tin tưởng vào những gì bạn cảm nhận hơn là những gì bạn suy luận.
Cuối cùng, nhưng cũng là điều hết sức quan trọng mà bạn cần nhớ. Đó là để sự thao túng có thể diễn ra, nguyên nhân một phần xuất phát từ chính bản thân chúng ta. Nếu bên trong bạn có những tổn thương, bạn có vấn đề với lòng tự trọng, bạn thiếu tự tin vào bản thân, bạn sẽ dễ trở thành “mồi ngon” cho những người thích thao túng.
IV. Tổng kết
Vậy, nếu bạn phát hiện mình bị thao túng, trước hết hãy quay về nhận diện những cảm xúc, tổn thương… bên trong chính mình. Hãy thực hành lắng nghe, quan sát để tự chữa lành và có thể nhờ đến sự tư vấn của các chuyên gia nếu cần. Một khi đã thấu suốt và vượt qua những nỗi sợ bên trong, bạn sẽ vững vàng, bình an hơn, đến nỗi gần như những yếu tố bên ngoài chẳng thể gây ảnh hưởng đến bạn được nữa.
KIỀU GIANG
Cùng tìm hiểu những kiến thức hay, kim chỉ nam trong đời sống bằng cách vào trang Khai sáng trên Ứng dụng AN Space ngay tại đây.