Ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử, nỗi sợ “bỏ lỡ” khi ngắt kết nối mạng xã hội, cũng như các tin nhắn và thông báo ồn ào từ điện thoại thông minh là những thủ phạm gây ra tình trạng giấc ngủ kém trong thời đại kỹ thuật số. Đây là những thông tin trong bài viết của Tiến sĩ Tâm lý, chuyên gia về giấc ngủ Michael Breus đến từ Mỹ.
Ngày nay, mạng xã hội luôn hiện diện trong cuộc sống của hầu hết mọi người. Chúng ta sử dụng mạng xã hội: Facebook, YouTube, TikTok và Instagram…để kết nối, trò chuyện, chia sẻ thông tin, giải trí… hàng ngày, thậm chí hàng giờ.
Thật không may, ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy chất lượng giấc ngủ thanh thiếu niên và trẻ nhỏ có thể bị ảnh hưởng do sử dụng các thiết bị điện tử và mạng xã hội. Mặc dù vẫn còn cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu mối liên hệ giữa chất lượng giấc ngủ và việc sử dụng mạng xã hội ở người trưởng thành, song có những dấu hiệu ban đầu cho thấy mạng xã hội có thể gây nên tình trạng rối loạn giấc ngủ.
Mạng xã hội ảnh hưởng đến giấc ngủ như thế nào?
Ánh sáng xanh và Melatonin
Những người lướt mạng xã hội trên các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ vào ban đêm có thể gặp phải nhiều vấn đề về giấc ngủ do tiếp xúc với ánh sáng xanh. Cụ thể là chứng khó ngủ, thức dậy sớm hơn dự kiến, giấc ngủ bị gián đoạn và ngủ nhiều hơn vào ban ngày.
Melatonin là một loại hormone thúc đẩy cảm giác buồn ngủ. Cơ thể bạn sản xuất melatonin một cách tự nhiên vào buổi tối, sau khi mặt trời lặn, như một phần của chu kỳ thức – ngủ của bạn. Tuy nhiên, các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng và máy tính xách tay phát ra ánh sáng xanh cản trở quá trình này.
Để phản ứng với ánh sáng, bao gồm cả ánh sáng xanh, cơ thể bạn sẽ ngăn chặn việc sản xuất melatonin. Đây là lý do tại sao việc tiếp xúc với ánh sáng xanh trước khi ngủ khiến bạn khó đi vào giấc ngủ.
Nỗi sợ “bỏ lỡ”
Nỗi sợ bị bỏ lỡ, còn được gọi là FOMO, có liên quan đến chứng mất ngủ và có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ. FOMO là một hiện tượng tâm lý mô tả cảm giác bị loại trừ hoặc lo lắng về việc bỏ lỡ khi ngắt kết nối với các cộng đồng trực tuyến.
Những người dùng mạng xã hội mắc hội chứng FOMO rất khó cưỡng lại việc kiểm tra các ứng dụng mạng xã hội một cách liên tục, kể cả vào giờ đi ngủ ban đêm và ngay sau khi thức dậy vào buổi sáng.
Giấc ngủ bị gián đoạn
Nhắn tin quá nhiều trước khi đi ngủ cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ. Các tin nhắn và tin báo liên tục từ mạng xã hội và các ứng dụng trên điện thoại thông minh vào buổi tối có thể khiến bạn khó thư giãn để chuẩn bị cho một giấc ngủ ngon. Nghiên cứu chỉ ra rằng khó ngủ do nhận được thông báo liên tục từ điện thoại có thể dẫn đến tình trạng thiếu ngủ.
Ảnh hưởng của mạng xã hội đối với giới trẻ
Việc tăng thời gian tương tác trên mạng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ của thanh thiếu niên.
Nghiên cứu cho thấy thanh thiếu niên thường xuyên sử dụng mạng xã hội có nguy cơ thức dậy quá sớm và có thể khó ngủ trở lại. Thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội có thể mất nhiều thời gian hơn để đi vào giấc ngủ và có chất lượng giấc ngủ kém.
Ngủ đủ giấc là điều quan trọng đối với mọi người ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em và thanh thiếu niên. Ngủ đủ giấc có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm tình trạng viêm, hỗ trợ sức khỏe thể chất cũng như tinh thần và cải thiện sự tập trung.
Làm thế nào để có giấc ngủ ngon hơn?
Người dùng mạng xã hội có thể áp dụng các biện pháp dưới đây nhằm điều chỉnh thói quen để có giấc ngủ ngon hơn:
Tránh sử dụng điện thoại, máy tính trước khi đi ngủ: Sử dụng các thiết bị điện tử ban đêm có thể dẫn đến chất lượng giấc ngủ kém. Tránh hoặc giới hạn thời gian nhìn vào màn hình điện thoại, máy tính… trong vài giờ trước khi đi ngủ và sau khi lên giường.
Tắt tiếng thông báo: Thông báo từ mạng xã hội và các ứng dụng khác của thiết bị có thể làm gián đoạn giấc ngủ và dẫn đến thiếu ngủ. Tắt thông báo để giữ cho thiết bị của bạn yên lặng suốt đêm và ngăn bạn kiểm tra các thông tin cập nhật hoặc trả lời tin nhắn.
Di chuyển các thiết bị ra xa chỗ ngủ của bạn: Cân nhắc di chuyển điện thoại, Ipad… đến một vị trí khác ra xa chỗ ngủ của bạn để tránh việc bạn có thể nghe được thông báo và đăng nhập vào mạng xã hội từ giường. Hoặc nếu có thể thì tắt nguồn các thiết bị trước khi bạn đi ngủ.
Lên lịch ngắt kết nối mạng: Các chuyên gia khuyên bạn nên lên lịch ngắt kết nối mạng xã hội để giảm thời gian bạn dành cho thiết bị. Chẳng hạn như một tuần tắt mạng xã hội một ngày hoặc một ngày tắt mạng 1 – 2 tiếng ngoài giờ làm việc. Trong thời gian ngắt kết nối với thiết bị và các tài khoản mạng xã hội, bạn có thể gặp gỡ bạn bè, tập thể dục hoặc khám phá các hoạt động ngoài trời để thư giãn.
Hướng dẫn con cái sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý: Nếu bạn có con hoặc đang chăm sóc trẻ vị thành niên hoặc trẻ nhỏ, hãy thiết lập các quy tắc về việc sử dụng điện thoại, máy tính bảng… Đưa ra quy định cụ thể về thời gian, địa điểm, giới hạn…sử dụng các thiết bị điện tử, để tránh việc trẻ có thể lạm dụng mạng xã hội gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
KIỀU GIANG biên dịch
Theo The Sleep Doctor
Cùng thực hành nội dung để có giấc ngủ chất lượng trên app ANSpace bằng cách vào mục Tìm kiếm (Nhập từ khóa) => Giấc ngủ
Tải và trải nghiệm ngay app ANSpace:
– IOS: https://apple.co/3xoPaJN
– Android: https://bit.ly/3aPxRK8