Năm nào cũng vậy, đến đầu tháng 12 là cái lạnh bắt đầu thấm trên cây lá, thậm chí là thấm trên từng bàn tay, từng bước chân người. Cánh lạnh dịu dàng, ngọt mát thấm cả vào từng nụ cười người với người dành cho nhau. Lạ – quen gì cũng chào nhau bằng một câu quen thuộc, “Gần đến Noel rồi!”.
Mùa Giáng Sinh, mùa của những cây thông gắn đầy những món quà xinh xắn, mùa mà câu chuyện “Cô bé bán diêm” của Andersen cứ tự nhiên ùa về. Để con người cảm thấy mình còn may mắn được sống trong sự đủ dùng. Có theo đạo Thiên Chúa hay không, thì con người ta luôn sẽ có cùng cảm giác – dẫu ít, dẫu nhiều – an lành, dịu dàng của một mùa Giáng Sinh đang đến…
Như thể, cứ mỗi lần Noel đến, bước chân ra đường, lắng mình lại đôi chút, ai trong chúng ta có lẽ đều rồi sẽ tự hỏi, sao nhạc Thánh ca có sức mạnh lôi cuốn, thánh khiết như vậy? Sao tiếng chuông nhà thờ làm rung chuyển sự tỉnh thức của mỗi tâm hồn đến vậy? Sao lời của Chúa hơn hai ngàn năm vẫn là sự thật?…
Hoặc như thể, có đọc Kinh Tân Ước không, chúng ta rồi có lẽ đều từng có những khoảnh khắc tự hỏi mình – giữa mùa Giáng Sinh – rằng, vì sao Chúa lại có thể yêu thương con người nhiều đến vậy?
Và như thể, mỗi lần Noel đến, chúng ta đều có thể vô thức đọc rành rọt câu “Vinh danh Thiên Chúa trên trời/ Bình an dưới thế cho người thiện tâm”… Đấy, cứ thế, cái lạnh dịu dàng của Giáng Sinh, sự gần gũi của lời Thánh ca cứ nhẹ nhàng, trầm lắng đi vào cuộc sống của chúng ta như thế. Chúng ta không nhất thiết cứ phải là con Chiên của Chúa mới cảm thấy hạnh phúc khi nghe thấy, nhớ đến lời cầu nguyện bình an cho người khác, những người sống quanh mình.
Thế nên, hà cớ gì cứ phải nghĩa Noel là của riêng những ai theo Thiên Chúa giáo? Vì rõ ràng, người theo Phật giáo, Nho giáo, thậm chí là vô thần vẫn có thể cảm nhận rõ ràng sự bình an, hạnh phúc này cơ mà! Nếu đừng cố định danh, nếu để trái tim mình được quyền lên tiếng và gọi tên, hẳn, trái tim của tất cả chúng ta đều đặt tên cho mùa Giáng Sinh là mùa của an lành, của hạnh phúc! Thế nên, cứ cảm nhận như thế, cứ chấp nhận như thế đi. Chúng ta đã và đang xứng đáng được bình yên còn gì?!
Là kẻ ngoại đạo đi chăng nữa, chúng ta cũng đâu thể không chú tâm lắng nghe khúc nhạc mừng Thiên Chúa xuống trần ở mỗi mùa Noel, đúng không? Và chúng ta cũng không thể đừng băn khoăn trước câu chuyện Chúa đã từng chấp nhận làm người để chịu kiếp người ở thế gian. Bởi, câu chuyện ấy khiến chúng ta nhận ra rằng, cái chết của Thiên Chúa trong thân phận con người mới làm cho chúng ta hướng đến ánh sáng, hướng đến giá trị đích thực của sự bình an…
Có thế thì khúc nhạc “Bình an dưới thế cho người thiện tâm” mới vang lên trong lòng mỗi chúng ta, vỗ về ta, an ủi ta những lúc tưởng như ta sa ngã bởi những ràng buộc ở cõi trần này. Đó chính là sự tuyệt diệu của sức mạnh tâm linh. Bởi, giá trị thật của tâm linh không đơn thuần chỉ nằm ở đức tin. Sức mạnh ấy được định hình từ khả năng chữa lành từ những điều thiêng liêng mà con người không bao giờ có thể định nghĩa được.
Chúng ta có từng thấy cay đắng khi nghe những lời trách móc, dỗi hờn trong một ca khúc của Trịnh Công Sơn, rằng “Chúa đã bỏ loài người – Phật đã bỏ loài người…” không? Có thể có, nhỉ?! Đó là lúc ta mệt mỏi, kiệt sức giữa những bộn bề lo toan này. Đó là lúc ta tuyệt vọng không tìm thấy đường hướng để đi. Ta trách móc đấng linh thiêng vì những thất bại của mình… Thực tế, chỉ là ta chưa từng cho mình cơ hội để lắng lại, để quay về, để cảm nhận sức mạnh từ chính trong nội tâm ta.
Và nếu, trong khoảnh khắc tuyệt vọng ấy, giữa mùa Giáng Sinh an lành này, ta để lòng mình trôi theo những khúc hát chào mừng Noel, ta sẽ nhận ra rằng, Chúa hay Phật chẳng hề bỏ loài người. Chúa và Phật vì loài người mà đến với thế gian này, đến để người bình an, để người được làm người thiện tâm, an bình dưới thế.
TRƯƠNG THANH THÙY
Cùng tìm hiểu những kiến thức hay, có tính khai sáng trên app ANSpace bằng cách vào mục Tìm kiếm (Nhập từ khóa) => Khai sáng
Tải và trải nghiệm ngay app ANSpace:
– IOS: https://apple.co/3xoPaJN
– Android: https://bit.ly/3aPxRK8