Nếu như có một lúc nào đó nhìn lại, bạn chợt nhận ra rằng mình đang mải mê chạy theo một guồng quay vội vàng, hối hả đến mức không còn nhớ nỗi những ngày qua mình đã sống thế nào, có lẽ đã đến lúc bạn cần thay đổi trước khi quá muộn.
Mải mê đuổi theo các mục tiêu, cố gắng hoàn thành hết nhiệm vụ này đến nhiệm vụ khác, mất quá nhiều thời gian cho những trò giải trí vô bổ và các mối quan hệ hời hợt…tâm trí của chúng ta đang ngày càng trở nên rối rắm vì luôn bận bịu lập kế hoạch, lo lắng, căng thẳng.
Con người trong thế giới hiện đại dường như luôn bị quá tải: công việc ngập đầu, tắc đường, xếp hàng chờ đợi, đưa đón con đi học… Sự cân bằng trong cuộc sống ngày càng trở nên xa xỉ.
Dường như cuộc sống là một chuỗi ngày đấu tranh, với rất nhiều nỗ lực. Bận rộn và lo lắng thường trực khiến ta bỏ quên bản thân, gia đình, không dành đủ thời gian và sự chú tâm cho các mối quan hệ. Sức khỏe thể chất lẫn tinh thần đều ở trong tình trạng báo động.
Đã đến lúc ta cần chậm lại, giảm bớt những hoạt động không cần thiết, không mang lại niềm vui hoặc ý nghĩa.
Nhiều người đã tìm đến yoga, nghệ thuật và thiên nhiên để được thư giãn, nuôi dưỡng và chữa lành. Tạo dáng với những động tác yoga, vẽ tranh, đi dạo trong rừng hay leo núi… là những cách tuyệt vời để tâm trí được an tĩnh, tập trung vào giây phút hiện tại, gác lại những âu lo, căng thẳng.
Ta cũng có thể bắt đầu với những hoạt động đơn giản như thả bộ trong công viên, ngắm một bông hoa vừa nở bên hiên nhà, lắng nghe tiếng chim hót hoặc thỉnh thoảng lên sân thượng nhìn mặt trời mọc…Những giây phút đó ta hãy hòa điệu với cảnh vật xung quanh, với khoảng không bao la trước mặt. Thả trôi những muộn phiền. Học cách lắng nghe sự tĩnh lặng giữa những ồn ào. Ta sẽ tìm thấy sự bình an và hạnh phúc giản đơn trong khi thưởng thức những âm thanh, mùi vị và cảnh đẹp quanh mình.
Chậm lại nghĩa là chuyển sự chú ý của bạn vào bên trong thay vì chỉ mải miết đuổi theo những mục tiêu và tìm kiếm niềm vui, hạnh phúc từ bên ngoài. Chậm lại không có nghĩa là dừng hẳn hoặc xa lánh thế giới, trốn vào ốc đảo của riêng mình. Mà là cho phép cơ thể cùng tâm trí ta nghỉ ngơi để nạp năng lượng, cảm nhận rõ hơn, yêu thương nhiều hơn và làm việc hiệu quả hơn.
Vì thế, bận bịu đến đâu ta cũng không quên dành thời gian cho chính mình, dù chỉ năm hay mười phút. Thả lỏng, ngồi yên, lắng nghe cơ thể và tâm trí. Cảm thấy biết ơn vì được sống, được hít thở, vì còn có những người thân, người thương, bạn bè mà ta trân quý…
Trước đây, phần lớn thời gian trong ngày ta đi lại, nói năng, làm việc…theo thói quen. Ta để tâm trí mình lang thang hết nơi này đến nơi khác. Ta mất tập trung, mất kết nối, ta xa lánh mọi người và bị xa lánh. Ta hành động theo thói quen, đôi khi dễ nổi cáu vì những chuyện nhỏ nhặt.
Bây giờ, ta học cách chậm lại, học cách quan sát những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Thay vì vội vã phản ứng, ta ngừng lại một vài phút để cảm nhận, để thấu hiểu. Ta không còn cố gắng kiểm soát mọi thứ, bởi vì chẳng ai làm được điều đó. Lối sống tỉnh thức dạy chúng ta mở lòng đón nhận tất cả, và nhẫn nại đi qua mọi thăng trầm của cuộc đời với tâm thế bình an.
Lối sống này cũng giúp ta tận hưởng những niềm vui nho nhỏ giản đơn. Một nụ cười và cái ôm ấm áp của người thân, một lời khen ngợi thành thật, một cử chỉ tử tế – dắt hộ xe, nhường ghế hay chỉ đường – của người lạ …cũng đem lại nguồn năng lượng tích cực cho bạn suốt cả một ngày dài, khi bạn biết trân trọng những điều nhỏ bé.
Ta học cách nuôi dưỡng lòng biết ơn. Bất kể cuộc sống đang diễn ra theo cách nào, luôn có điều gì đó để ta đánh giá cao, thích thú và cảm thấy biết ơn về nó. Theo thời gian, thực hành lòng biết ơn có thể làm thay đổi quan điểm của bạn về cuộc đời. Bạn nhận ra rằng có vẻ đẹp và những điều tích cực trong mọi hoàn cảnh, ngay cả trong những nghịch cảnh và khó khăn.
Khoảnh khắc nào trong cuộc sống mà bạn cảm thấy thật bình yên? Điều gì đã mang lại nụ cười cho bạn? Những trải nghiệm hạnh phúc hoặc đầy ý nghĩa nào bạn từng có? Hồi tưởng lại, sống lại những điều đó, để cho tâm trí mình tràn ngập sự biết ơn.
Ta càng dành nhiều thời gian để ngẫm nghĩ về những điều đã mang lại niềm vui cho mình, ta càng duy trì được tâm trạng tích cực và thu hút về mình những hoàn cảnh tương tự. Điều này cũng giúp rèn luyện tâm trí ta để tập trung vào những điều tốt đẹp và tránh xa những lo lắng, sợ hãi.
Ta cũng có thể thử nhiều cách khác để tập thói quen sống chậm. Ngồi thiền là một biện pháp hữu hiệu và cũng khá đơn giản.
Hoặc bạn cũng có thể viết nhật ký. Viết ra những điều khiến bạn vui, khiến bạn hào hứng hoặc biết ơn. Đó là cách giúp ta kết nối với thế giới nội tâm của mình và thấu hiểu bản thân sâu sắc hơn.
Trên hết, đó là những con đường đưa ta chạm đến sự tĩnh lặng.
Sự tĩnh lặng giống như một loại dầu dưỡng xoa dịu tâm hồn đang dần chai sạn của mỗi người, làm tan biến những âu lo, nhọc nhằn nơi bạn. Và khi được xoa dịu liên tục, mỗi ngày, những tổn thương trong bạn được chữa lành, khiến cuộc sống là những chuỗi ngày ngập tràn biết ơn, bình an và phước lành, dù có bất kỳ điều gì xảy ra chăng nữa.
KIỀU GIANG
Cùng tìm hiểu những kiến thức hay, có tính khai sáng trên app ANSpace bằng cách vào mục Tìm kiếm (Nhập từ khóa) => Khai sáng
Tải và trải nghiệm ngay app ANSpace:
– IOS: https://apple.co/3xoPaJN
– Android: https://bit.ly/3aPxRK8