Thời điểm cuối năm là thời điểm mà hầu hết mọi người đều bận rộn – để đảm bảo hoàn thành kế hoạch cả năm, để chuẩn bị cho một hành trình mới trong năm sau. Sự bận rộn ấy khiến chúng ta mệt mỏi, căng thẳng, thậm chí là mất cân bằng.
Dù không mang giá trị tuyệt đối, nhưng việc tiếp cận, thực hành thiền có thể ít nhiều giúp chúng ta tìm lại được sự cân bằng, tái tạo năng lượng để có thể hoàn thành được đoạn “chạy nước rút” cuối năm này. Vì sao ư? Vì thiền định sẽ cho chúng ta những phút giây đủ tĩnh để tìm thấy, để nhận diện rõ, để thấu hiểu thật sự chính bản thân mình. Chính từ những phút giây ấy, ta biết mình thật sự mạnh mẽ đến nhường nào. Và, ta có thể làm được những gì.
Có lẽ đa phần chúng ta đều từng nghe qua, biết đến, thậm chí có người từng thực tập để tự cảm nhận lợi ích của thiền định. Thực hành thiền định liên tục trong một khoảng thời gian dài sẽ giúp chúng ta phát triển sức khỏe thể chất và cả tinh thần. Đây không phải là lý tưởng của một giáo phái. Đây là kết quả có kiểm chứng khoa học.
Để có cái nhìn cởi mở hơn về thiền, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những lợi ích mà thiền có thể đem lại, dựa trên những bằng chứng khoa học đáng tin cậy. Hy vọng đây sẽ là cơ sở để bạn có thể tìm hiểu thêm về phương thức phát triển sức khỏe thể chất và tinh thần cho mình. Và hy vọng khi thực hành thiền, bạn sẽ tìm thấy lại được sự cân bằng cho bản thân trong thời điểm bận rộn này.
Lợi ích đầu tiên, đó là, thiền hỗ trợ cải thiện trí nhớ.
Nghiên cứu mới đây cho thấy, thiền có thể cải thiện khả năng nhớ lại những ký ức của những người thực hành. Nhiều bác sĩ nhận định rằng, người thực hành thiền định có thể điều chỉnh sóng não của họ tốt hơn, giảm đi phiền nhiễu và tăng năng suất làm việc so với những người không ngồi thiền. Việc ít phiền nhiễu sẽ giúp não bộ nhanh chóng tích hợp các thông tin mới và xóa đi những thông tin không quan trọng và cần thiết. Hơn nữa, thiền không những giúp cải thiện chức năng não, nới lỏng các đường dẫn thần kinh, mà còn cải thiện sức khỏe tim mạch và tăng cường trí nhớ của những ai thực hành lâu dài.
Một lợi ích khác cũng được khoa học chứng minh, đó là, thiền giúp tâm an tịnh hơn.
Ngày nay, thiền được xem là một môn luyện tập cả thân và tâm, được dạy phổ cập ở khắp mọi nơi, từ nhà đến công viên ngoài trời, bằng các bài tập hướng dẫn trên mạng và tại những buổi luyện tập chung với tập thể. Mục đích của thiền là nâng cao thể chất và tinh thần của con người. Thiền ngày nay vốn đã được nhân rộng và len lỏi trong cuộc sống của chúng ta, được xem như một thói quen tích cực. Dù không hoạt động mạnh mẽ như những môn thể thao khác nhưng hiệu quả của thiền mang lại rất tuyệt diệu. Người luyện tập sẽ thấy được trí óc như được “gột rửa” và tinh thần rất an yên.
Chính vì giúp tâm an tịnh hơn, nên thiền cũng giúp chúng ta tăng cường khả năng tập trung khi làm việc.
Nghiên cứu khoa học cho thấy, thiền giúp cân bằng bán cầu não trái và bán cầu não phải của người thực hành. Các bác sĩ gọi thiền là “đồng bộ não một cách toàn bộ”. Thiền định giúp chúng ta làm việc sáng tạo hơn, học nhanh hơn, tập trung sâu hơn, giảm thiểu khoảnh khắc “não cá vàng” tức là tính hay quên mà đa phần chúng ta đều mắc phải.
Thực hành thiền liên tục trong khoảng thời gian dài giúp chúng ta ngăn ngừa bệnh tật.
Điều này nghe có vẻ mơ hồ và khá đáng ngờ. Nhưng đó là sự thật. Bởi, cuộc sống thường ngày khiến chúng ta bị cuốn vào vòng xoáy của xã hội, phải lao động vất vả và học tập thường xuyên. Sức ép căng thẳng kéo dài cùng với sự ô nhiễm của môi trường xung quanh khiến cơ thể chúng ta dễ rơi vào tình trạng quá tải. Khi kéo dài tình trạng ấy, sự mất cân bằng cơ thể ngày càng gia tăng, dẫn đến ách tắc hệ thống kinh mạch, cản trở sự lưu thông của khí huyết; một số bộ phận trong cơ thể không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất. Kết quả thân thể sinh ra bệnh tật là điều hiển nhiên.
Khi thực hành thiền là chúng ta thở có ý thức. Những hơi thở sâu như vậy hỗ trợ hô hấp rất nhiều. Và tất nhiên, khi thực hành thở chánh niệm, thở ý thức trong một khoảng thời gian dài thì hệ tuần hoàn của chúng ta sẽ được cải thiện. Đây là lý do khiến tim mạch của những người thực hành thiền hoạt động tốt hơn. Và như thế thì những cơ quan nội tạng khác cũng trở nên khỏe hơn so với người không thực hành thiền.
Khoa học cũng đã chứng minh rằng, thiền chánh niệm có thể tác động tích cực đến một loạt các tình trạng sức khỏe, trong đó bao gồm cả ung thư, trầm cảm, rối loạn lo âu, căng thẳng sau chấn thương… Thậm chí, thiền còn có khả năng làm chậm sự phát triển của tế bào HIV và bảo vệ não khỏi sự lão hóa.
Thiền không những có thể giúp giải tỏa những cảm xúc cực đoan, cải thiện hành vi mà còn giúp tăng cường nội khí, nâng cao sức đề kháng và sự thích nghi của cơ thể đối với môi trường.
Chỉ trong vài phút chia sẻ, chúng ta thật sự không thể hiểu hết được lợi ích của thiền. Thậm chí, những lợi ích này không phải để chúng ta hiểu, mà là để chúng ta cảm nhận. Thế nên, hy vọng qua bài chia sẻ này, chúng ta sẽ có thêm cơ sở để tìm hiểu phương thức thiền định phù hợp với mình; rồi từ đó tạo thói quen thực hành thiền mỗi ngày để nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần. Chỉ như thế chúng ta mới có thể hoàn thành tốt công việc của mình và sẵn sàng hỗ trợ những người quanh mình.
TRƯƠNG THANH THÙY
Cùng thực hành Thiền định trên app ANSpace bằng cách vào mục Tìm kiếm (Nhập từ khóa) => Thiền định
Tải và trải nghiệm ngay app ANSpace:
– IOS: https://apple.co/3xoPaJN
– Android: https://bit.ly/3aPxRK8