Thiền định giúp chúng ta giảm mức độ căng thẳng, cải thiện sự tập trung, kết nối tốt hơn với bản thân và những người xung quanh. Sau đây, AN chia sẻ với bạn những điều cơ bản về thiền.
1. Thiền là gì?
Thiền là khả năng đưa thân thể hợp nhất với tâm trí để tiếp xúc trọn vẹn với sự sống đang có mặt trong phút giây hiện tại. Ý thức và chú tâm được vào những gì đang xuất hiện, đang diễn biến bên trong ta và xung quanh ta. Thiền là một kỹ thuật thay đổi ý thức đã được chứng minh là có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe tâm lý.
Thiền đã được thực hành trong các nền văn hóa trên khắp thế giới trong hàng nghìn năm. Gần như mọi tôn giáo, bao gồm Phật giáo, Ấn Độ giáo, Cơ đốc giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo, đều có truyền thống sử dụng các phương pháp thiền định. Nhiều người thực hành thiền một cách độc lập với bất kỳ niềm tin hoặc thực hành tôn giáo tâm linh nào. Thiền cũng có thể được sử dụng như một kỹ thuật tâm lý trị liệu.
2. Ngồi thiền bao lâu thì có tác dụng?
Thiền đơn giản là quan sát và tập trung vào hơi thở nhưng đó cũng là một thử thách. Điều quan trọng nhất là bạn phải có sự cam kết thực hành thiền mỗi ngày, ngay cả khi chỉ trong năm phút ngắn ngủi. Khoảnh khắc quan trọng nhất trong quá trình thực tập thiền là khi bạn quyết định ngồi xuống và bắt đầu chú ý vào hơi thở. Bởi vì ngay giây phút đó, bạn đang nói với chính mình rằng bạn tin vào sự thay đổi, bạn tin tưởng vào việc chăm sóc bản thân và bạn đang biến niềm tin ấy thành hiện thực. Bạn không chỉ nghĩ về chánh niệm và lòng trắc ẩn như một mớ lý thuyết, mà thực sự biến điều đó thành hiện thực.
Nghiên cứu gần đây của nhà thần kinh học Amishi Jha đã phát hiện ra rằng 12 phút thiền định được thực hiện điều đặn 5 ngày mỗi tuần có thể bảo vệ và củng cố khả năng chú ý của con người.
3. Khi ngồi thiền thì nên nghĩ gì?
Chúng ta thường có những câu chuyện nhỏ luôn chạy trong đầu như: “Tại sao sếp của tôi muốn gặp tôi vào ngày mai?” “Đáng lẽ tôi nên đi đến phòng tập thể dục ngày hôm qua” hoặc “Tôi cần phải thanh toán một số hoá đơn, tại sao giá điện lại tăng nhỉ?” Đây là những điều ngược lại với thiền định. Tâm trí của chúng ta thường lang thang khắp nơi, suy tư về những điều chưa tới ở tương lai hoặc tiếc nuối về quá khứ mà không thực sự có mặt trong giây phúc hiện tại. Điều đó làm tiêu tốn rất nhiều năng lượng trong một ngày của chúng ta.
Chúng ta thực hành thiền để học cách nhận biết khi nào tâm trí của mình bắt đầu lang thang với những suy nghĩ vô nghĩa. Tóm lại, thiền giúp chúng ta kết nối lành mạnh hơn với bản thân và những người xung quanh. Đây là một số cách để bạn có thể bắt đầu hành trình thiền của mình:
- Đặt lời nhắc bằng những vật dụng xung quanh bạn. Bạn có thể đặt thảm yoga hoặc đệm thiền ở giữa sàn nhà để nhắc nhở mình tập luyện khi đi ngang qua.
- Làm mới lời nhắc của bạn thường xuyên. Giả sử bạn quyết định sử dụng giấy ghi chú để nhắc nhở bản thân về một ý định mới. Điều đó sẽ có tác dụng trong khoảng một tuần, sau đó bộ não sẽ khiến thói quen cũ của bạn quay trở lại. Hãy thử viết những ghi chú mới hoặc trang trí hài hước, bắt mắt. Điều này sẽ có ích cho bạn trong việc làm những điều mới mẻ trong cuộc sống.
- Bạn có thể thử tạo cho mình một loạt các điều kiện mới theo mệnh đề “Nếu cái này, thì cái kia” để tạo lời nhắc và dễ dàng giúp bộ não vào trạng thái hành động có chủ đích. Ví dụ, bạn có thể nghĩ ra “Nếu cửa văn phòng, thì hãy hít thở sâu”, như một cách nhắc nhở bạn thực hành chánh niệm trước khi bắt đầu ngày làm việc của mình. Hoặc, “Nếu điện thoại đổ chuông, hãy thở một hơi trước khi trả lời.” Mỗi hành động có chủ đích và sự chú tâm sẽ dần dần suy nghĩ và hành động của bản sẽ được soi rọi bởi sự tỉnh thức.
Những gì chúng ta làm là hướng đến lối sống chánh niệm, chứ không phải một quá trình giúp bạn xóa sạch hoặc ngăn chặn những suy nghĩ liên tục được tạo ra trong tâm trí. Chúng ta đang tập đưa sự chú tâm vào hơi thở và quay trở lại với hơi thở khi nhận thấy tâm trí của mình đã đi lang thang.
4. Lợi ích của việc ngồi thiền?
Thiền không phải là một phương pháp có thể chữa trị cho tất cả các bệnh, nhưng chắc chắn sẽ trao cho bạn một không gian cần thiết để thân và tâm được nghỉ ngơi, thư giãn. Đôi khi, đó là tất cả những gì chúng ta cần để giúp bản thân cảm thấy thoải mái hơn. Để thực hành thiền, bạn chỉ cần một chút kiên nhẫn, một tình thương dành cho bản thân và một chỗ ngồi thoải mái.
5 lý do thiền mang lại những những giá trị sâu sắc cho cuộc sống của bạn:
- Thấu hiểu được nỗi đau của bản thân
- Giảm căng thẳng, lo âu
- Kết nối tốt hơn với chính mình và mọi người xung quanh
- Cải thiện sự tập trung
- Giảm những suy nghĩ vẩn vơ, vô nghĩa
5. Hướng dẫn ngồi thiền cho người mới bắt đầu
Để biết được cách ngồi thiền, các phương pháp điều hòa hơi thở khi thiền mời bạn lắng nghe và thực hành bài hướng dẫn Hiểu về Thiền để có cái nhìn sâu sắc và thấu đáo hơn về Thiền.
6. Tổng kết
Trong thiền chánh niệm, chúng ta đang học cách chú ý đến hơi thở vào và thở ra, quan sát khi tâm trí bắt đầu có những cảm xúc, suy nghĩ đi lên. Thực hành quay trở lại với hơi thở sẽ thiết lập được sự chú tâm và chánh niệm. Khi chú ý đến hơi thở, chúng ta đang học cách quay trở lại và hiện diện trọn vẹn trong khoảnh khắc hiện tại để neo bản thân vào đây, bây giờ mà không phán xét.
AN Space
Cùng tìm hiểu và thực hành thiền định theo hướng dẫn bằng cách vào trang Thiền định trên Ứng dụng AN Space ngay tại đây.