Cho đến nay, các tài liệu khoa học viết về thai giáo vẫn chưa có kết luận cuối cùng về việc thai giáo bắt nguồn từ đâu và chính xác có từ khi nào. Nghiên cứu những tư liệu lịch sử cho thấy, từ hơn một ngàn năm trước, các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Do Thái… đã rất coi trọng việc dưỡng dục thai nhi, dạy con ngay từ trong bụng mẹ.
1. Sử liệu về Thai giáo
Trong cuốn “Chư bệnh nguyên hậu luận” đời Tùy có ghi: “Muốn con tài đức thì phải đoan chính, hòa nhã, đứng ngồi ngay ngắn, mắt không nhìn bậy bạ, miệng không nói điêu ngoa, tâm không có tà ý.”
Trong “Cổ kim đồ thư tập thành – Nhất bộ toàn lục” đời Thanh có học thuyết dạy thai nhi khá đầy đủ, hệ thống, tập hợp các nội dung có liên quan đến giáo dục thai nhi thời cổ đại, đặt tên là “Tiệu nhi vị sinh thai dưỡng môn”. Trọng tâm của những học thuyết này cho rằng thai nhi không ngủ li bì trong bụng mẹ, mà ngay từ khi mới hình thành đã chịu ảnh hưởng bởi sự thay đổi tâm sinh lý của người mẹ; do vậy trong thời kỳ mang thai, thai phụ phải tu tâm dưỡng tính, không được để cảm xúc giận dữ, sợ hãi, thù ghét, ham muốn… làm ảnh hưởng đến đứa trẻ.
Những tài liệu này cho thấy nền giáo dục Trung Quốc từ xưa đã coi trọng tính cách “thiêng liêng hơn muôn loài” của con người nên đã sớm quan tâm vấn đề thai giáo.
Ở Việt Nam, rải rác trong các tác phẩm như “Gia huấn ca” của Nguyễn Trãi, hay “Phụ đạo xán nhiên”, “Tọa thảo lương mô” của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cũng đã ghi lại khá nhiều những kiến giải đặc sắc về phép giáo dưỡng thai nhi.
Và liên hệ vấn đề thai giáo thực tiễn với những nhân vật lịch sử, chúng ta có những ví dụ rất thú vị chỉ ra rằng, một số nhân vật vĩ đại đều được nhận quá trình thai giáo rất tốt từ mẹ. Điển hình là Chu Văn Chương. Ông là vị vua sáng lập ra nhà Chu, triều đại trị vì lâu nhất trong lịch sử Trung Hoa – gần 800 năm. Đó là một bậc thánh quân không chỉ trị nước anh minh, mà còn là tác giả của một tác phẩm kỳ diệu vào bậc nhất của nhân loại là Kinh Dịch.
Tương truyền, mẹ Chu Văn Vương khi có mang nhà vua, đã giữ gìn rất cẩn thận theo kinh nghiệm phương Đông. Bà không để mắt phải nhìn những gì xấu xa, tàn héo, mà sớm mai ngắm bình minh rạng rỡ chân trời, đàn chim sải cánh nhịp nhàng, bông hoa lung linh sương đọng, bức tranh tươi rạng sắc màu, hài hòa đường nét… Bà để ngoài tai mọi lời thô lỗ, mọi giọng cục cằn, mà đêm thanh cất tiếng hát ru cho đứa con trong bụng, lắng nghe những khúc nhạc trong trẻo, du dương. Khi đi đâu, bà cũng bước những bước thong dong uyển chuyển, ngồi không ngồi chiếu xô lệch, đứng không đứng nơi dơ bẩn… Bà tự đọc với ngữ điệu trìu mến, diễn cảm nhất những áng thơ hay, những sách kể chuyện danh nhân, gương sáng trong lịch sử… Bà tưởng tượng như đang nói cho con nghe, đang hướng cho con ngắm, đang tâm tình thủ thỉ cùng con…
Nhân vật tiếp theo là Mạnh Tử, được xem là ông tổ thứ hai của Nho giáo và được hậu thế tôn làm “Á thánh Mạnh Tử”, tức là chỉ đứng sau Khổng Tử. Sử sách ghi lại kinh nghiệm thai giáo của thân mẫu Mạnh Tử rằng: “Khi mang thai đứa con trong bụng thì phải biết chỗ không bằng phẳng không ngồi, thức ăn không hợp vệ sinh không ăn”.
2. Thai giáo là gì?
Từ những liên hệ đó, chúng ta thấy rằng, thai giáo là điều hết sức cần thiết mà bất kỳ thai phụ nào cũng nên thực hành. Cho con nguồn dinh dưỡng đầu đời bằng những kiến thức dưỡng thai đúng đắn và phù hợp là quá trình cần thiết mà người mẹ cần tìm hiểu và áp dụng cho mình.
Dưỡng thai không chỉ là ăn uống tẩm bổ, cử động nhẹ nhàng mà còn là chủ động tạo môi trường sống tốt đẹp, phong phú, hạnh phúc. Theo đó, kinh nghiệm truyền thống “dạy con từ thuở còn thơ” cần được bổ sung bằng một nhận thức căn cơ hơn là quan tâm con từ thuở còn là bào thai. Và việc dưỡng thai phải được hiểu ở cả ba khía cạnh là cung cấp dưỡng chất cho cơ thể, dưỡng chất cho tinh thần và dưỡng chất cho tâm hồn đứa trẻ.
2.1 Dưỡng chất cho cơ thể
Quá trình mang thai là thời gian hạnh phúc nhưng cũng nhiều thử thách đối với người mẹ. Mẹ có “đặc quyền” được đòi hỏi bất cứ đồ ăn, thức uống gì và vào bất cứ thời điểm nào kể cả nửa đêm, mà bố vẫn phải chiều vì “chứng ăn dở” của bà bầu. Thử thách ở đây chính là người mẹ phải biết tạm hoãn những sở thích ăn uống nếu những thực phẩm đó không tốt cho bé hoặc cho chính mẹ, vì ăn vào ngon miệng một người mà tới hai người “khổ”. Hay trường hợp mẹ không muốn ăn nhưng cũng phải cố nuốt để cho bé yêu trong bụng có đầy đủ dưỡng chất.
Đôi khi, các bà mẹ cũng biết những gì là tốt, là cần cho con nhưng vì ốm nghén hay vì “nuông chiều” bản thân trong giai đoạn mang thai vất vả nên chỉ ăn những gì mình thèm, mình thích. Tuy nhiên, các bà mẹ cần cân nhắc và hãy chọn những thực phẩm xanh, sạch, tốt cho bé, tốt cho mẹ và cho quá trình chuyển dạ. Sau chín tháng mười ngày, mẹ sẽ được đền đáp xứng đáng với kết quả là bé yêu chào đời khỏe mạnh, thông minh và xinh đẹp.
Một chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng của người mẹ khi mang thai sẽ là món quà tốt nhất cho bé con sắp chào đời. Mẹ ăn hôm nay, con khỏe ngày mai.
2.2 Dưỡng chất cho tinh thần
Khi đã đảm bảo cung cấp dưỡng chất cần thiết cho cơ thể của con, chúng ta sẽ cùng nhau bàn đến việc cung cấp dưỡng chất cho tinh thần trẻ. Quyền đầu tiên của trẻ là quyền được có cha, có mẹ, sự xuất hiện của bé được mọi người xung quanh đón đợi, mừng vui. Quyền kế tiếp là quyền được thương yêu, phải được thương từ khi thai nghén trong lòng; trẻ sẽ đau khổ, mang mặc cảm tự ti khi biết mình là đứa con ngoài ý muốn.
Con trẻ chính là ân huệ của cuộc sống, là hạnh phúc không gì sánh được của các bậc cha mẹ. Tình thương yêu sẽ giúp trẻ biết cách tự đứng dậy những lúc bị suy sụp, vấp ngã; cảm hóa khi trẻ hư hỏng, lạc lối; tiếp sức khi trẻ ốm đau, yếu đuối… Có thể nói rằng, chỉ có tình thương yêu tràn đầy và lành mạnh thì mới giúp trẻ nên người một cách trọn vẹn, được sống trong niềm hân hoan và hạnh phúc.
2.3 Dưỡng chất cho tâm hồn
Tiếp đến nữa là dưỡng chất cho tâm hồn trẻ. Giáo dục trẻ là một sứ mệnh công phu, đầy nghệ thuật, bao gồm nhiều hoạt động tinh tế, có ý nghĩa. “Dạy con từ thuở còn thơ”, chứ không đợi đến khi vào trường mới bắt đầu uốn nắn; khi đó, “bé không vin, cả gãy cành”, những thói xấu đã trở thành vệt hằn sâu trong tính cách. Tối ưu là phải giáo dục trẻ từ lúc phôi thai mới bắt đầu tượng hình trong bụng mẹ.
Thơ ca đã nói nhiều về tiếng ru của mẹ: “Dù con đi hết cuộc đời/ Cũng không đi hết được lời mẹ ru”. Nhưng dường như chưa thơ ca nào nói được ý nghĩa của lời ru, một câu hát ngẫu hứng, một điệu ngâm bất chợt mà người mẹ nghe được, đối với thai nhi. Cùng với “môi còn thơm vị sữa nhỏ ngọt ngào” là “hồn vẫn thiếp theo lời ru ký ức”, lời ru không chỉ cất lên lúc ta đang được mẹ bế bồng, mà còn vang suốt chín tháng nằm trong bụng mẹ.
Mỗi nỗi niềm, tâm trạng, mỗi âm thanh xung quanh người mẹ đều ảnh hưởng đến thai nhi. Chính người mẹ chủ động tạo bối cảnh tốt đẹp nhất cho việc “nên người” của đứa trẻ mai này. Cả bố và mẹ cần phải lưu ý rằng, bầu không khí, mối quan hệ hàng ngày giữa họ trong suốt chín tháng thai kỳ đều có ảnh hưởng sâu xa, toàn diện đến nhân cách của đứa trẻ tương lai.
TS. Phạm Thị Thuý Biên soạn
Gói “GIA ĐÌNH GẮN KẾT” của AN Space chỉ với 𝟐𝟗𝟗.𝟎𝟎𝟎 đ𝐨̂̀𝐧𝐠/𝐧𝐚̆𝐦 sẽ mang đến cho bạn những nội dung và cách thức thực hành tỉnh thức thật nhẹ nhàng và ý nghĩa, để cùng trải nghiệm với con yêu ngay trên app AN Space. Cùng với Hệ sinh thái AN, bạn không chỉ sống một cuộc đời thật trọn vẹn, mà còn có thể xây dựng và vun đắp tình cảm gia đình thật an yên và gắn kết.
Cùng thực hành các bài tập dành cho “cha mẹ và trẻ em” trên app ANSpace bằng cách chọn mục Khám phá thêm => Cha mẹ/ Trẻ em
Tải và trải nghiệm ngay app AN Space:
– IOS: https://apple.co/3xoPaJN
– Android: https://bit.ly/3aPxRK8