Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng nói rằng:“Chừng nào ta còn biết ơn, chừng đó ta còn hạnh phúc”. Trong cuộc sống hàng ngày, thực hành biết ơn không chỉ giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc những điều tốt đẹp xung quanh mà còn mang lại những tác động tích cực cho tâm lý, giúp ta vượt qua chứng trầm cảm.
1. Lòng Biết Ơn – liều thuốc bổ cho tinh thần
Hai nhà tâm lý học, Tiến sĩ Robert A. Emmons của Đại học California, Davis, và Tiến sĩ Michael E. McCullough của Đại học Miami (Mỹ) đã thực hiện nhiều nghiên cứu về lòng biết ơn. Trong một nghiên cứu, họ yêu cầu tất cả những người tham gia viết nhật ký mỗi tuần, tập trung vào các chủ đề cụ thể. Một nhóm viết về những điều họ biết ơn đã xảy ra trong tuần. Nhóm thứ hai viết về những khó chịu hàng ngày hoặc những điều tiêu cực, và nhóm thứ ba viết về những sự kiện đã qua một cách tự do. Sau 10 tuần, những người viết về lòng biết ơn lạc quan hơn và cảm thấy cuộc sống của mình tốt hơn. Điều đáng ngạc nhiên là họ cũng tập thể dục nhiều hơn và ít phải gặp bác sĩ hơn những nhóm còn lại.
Một nhà nghiên cứu hàng đầu khác trong lĩnh vực này, Tiến sĩ Martin E. P. Seligman, nhà tâm lý học tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), đã thử nghiệm tác động của các biện pháp cải thiện tâm lý tích cực khác nhau trên 411 người tham gia. Họ được yêu cầu viết và gửi thư cảm ơn tới một người chưa bao giờ được họ cảm ơn đúng mức. Những người tham gia nghiên cứu ngay lập tức có chỉ số hạnh phúc tăng lên rất nhiều. Tác động này của thực hành biết ơn lớn hơn bất kỳ biện pháp can thiệp nào khác, với lợi ích kéo dài trong một tháng.
Một nghiên cứu về thanh thiếu niên từ tiến sĩ Mindy Ma và cộng sự tại Đại học Nove Southeastern, Mỹ còn phát hiện ra rằng lòng biết ơn là một yếu tố có ảnh hưởng tích cực tới một số khía cạnh khác nhau của tuổi thanh thiếu niên, chẳng hạn tăng mức độ quan tâm học tập, tăng sự gắn kết với gia đình và năng lực làm việc. Nghiên cứu tương tự cũng cho thấy mức độ biết ơn cao hơn dẫn đến mức độ sử dụng ma túy và hành vi tình dục sớm ở tuổi vị thành niên thấp hơn.
2. Biết ơn – chìa khóa cải thiện các mối quan hệ
Nhiều nghiên cứu khác đã xem xét việc biết ơn có thể cải thiện các mối quan hệ như thế nào.Ví dụ, một nghiên cứu về các cặp đôi cho thấy những cá nhân dành thời gian để bày tỏ lòng biết ơn đối với bạn đời của mình không chỉ có cái nhìn tích cực hơn về người còn lại, mà còn cảm thấy thoải mái hơn để bày tỏ, giải quyết các vấn đề giữa họ.
Những nhà quản lý luôn nói “cảm ơn” với nhân viên có thể khiến những nhân viên đó cảm thấy có động lực để làm việc chăm chỉ hơn. Các nhà nghiên cứu tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, Mỹ, chia ngẫu nhiên những nhân viên thực hiện cuộc goị kêu gọi gây quỹ ở trường đại học thành hai nhóm. Một nhóm đã nhận được lời động viên từ giám đốc trước khi thực hiện nhiệm vụ, một nhóm thì không. Kết quả, nhóm nhân viên trường nghe được thông điệp tri ân của giám đốc đã thực hiện các cuộc gọi gây quỹ nhiều hơn 50% so với nhóm không được giám đốc cảm ơn.
3. Thiền Biết Ơn – phương pháp đơn giản để nuôi dưỡng lòng biết ơn
Thiền biết ơn là một hình thức thiền tập phổ biến. Phương pháp thiền này hướng dẫn thiền sinh tập trung tâm trí vào những suy nghĩ biết ơn đối với những điều trong cuộc sống của bạn. Bạn có thể nói thành tiếng những suy nghĩ đó thành những lời cảm ơn.
Theo nhà sư và tiến sĩ tâm lý học Jack Kornfield: “Các tu sĩ Phật giáo bắt đầu mỗi ngày bằng một bài tụng tạ ơn những phước lành trong cuộc sống của họ. Những người lớn tuổi Mỹ bản địa bắt đầu mỗi buổi lễ bằng những lời cầu nguyện biết ơn tới đất mẹ và trời cha, tới bốn phương, tới các anh chị em động vật, thực vật và khoáng vật, những người chia sẻ trái đất và hỗ trợ cuộc sống của chúng ta. Ở Tây Tạng, các tu sĩ nam nữ thậm chí còn dâng những lời cầu nguyện để tỏ lòng biết ơn về những đau khổ mà họ đã phải gánh chịu”. Những ví dụ này cho thấy rằng thiền biết ơn không phải là điều mới mẻ cũng như không chỉ giới hạn ở một phong trào tâm linh hay tôn giáo nào.
Ngoài ra, cũng đã có nhiều nghiên cứu về tác dụng của thiền biết ơn. Ví dụ, một nghiên cứu từ tiến sĩ Nisha Rao và Kathi Kemper từ Đại học Bang Ohio, Mỹ, phát hiện ra rằng thiền biết ơn có thể làm tăng cảm giác biết ơn một cách hiệu quả. Nghiên cứu này xác nhận tác dụng nuôi dưỡng cảm giác biết ơn của thiền với bằng chứng khoa học. Thú vị là những người tham gia nghiên cứu được đào tạo trực tuyến về thiền biết ơn trong một thời gian ngắn và chỉ thực hành một lần sau đó ngay lập tức nhận thấy kết quả. Một nghiên cứu khác từ tiến sĩ O’Leary và Dockray phát hiện ra rằng thực hành thiền biết ơn bốn lần mỗi tuần trong vòng ba tuần (cùng với việc ghi nhật ký biết ơn) giúp giảm mức độ căng thẳng và trầm cảm, cũng như tăng mức độ hạnh phúc.
4. Thiền biết ơn có thể thực hành mọi lúc, mọi nơi
Nói đến thiền, nhiều người hình dung đến việc ngồi trong phòng một mình và thư giãn tâm trí, tuy nhiên thiền biết ơn có thể được thực hành trong nhiều môi trường khác nhau. Chẳng hạn, một người có thể thực hành thiền biết ơn trong khi chờ pha cà phê buổi sáng. Theo chuyên gia, thạc sĩ tâm lý học Joaquin Selva, “thiền biết ơn là một cách thiền đơn giản” vì cốt lõi của nó, tất cả những gì bạn phải làm chỉ là “suy ngẫm về tất cả những người và việc mà bạn biết ơn”.
Lưu ý rằng, chúng ta không chỉ biết ơn những điều tốt đẹp đến với mình, mà là biết ơn mọi thứ – kể cả những khó khăn, nghịch cảnh, hay người không tốt với bạn trong cuộc sống. Có những điều trong cuộc sống ban đầu có vẻ rất tiêu cực. Nhưng khi suy ngẫm kỹ hơn, thực sự những nghịch cảnh đó, những mối quan hệ không lành mạnh cho bạn cơ hội học hỏi và trưởng thành. Cối lõi của lòng biết ơn là nhận ra những điều tích cực trong mọi việc, mọi người.
5. Thực hành Thiền biết ơn
DƯƠNG NGỌC VŨ
Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Tâm lý học tại Úc
Bạn có thể thực hành viết nhật ký biết ơn cùng các phương pháp giúp xoa dịu tinh thần với Ứng dụng AN Space. Click vào nút bên dưới để tải Ứng dụng và dùng thử hoàn toàn miễn phí.
AN mong chúc bạn luôn cảm thấy biết ơn và hạnh phúc từ những điều nhỏ bé xung quanh.