Trong thời kỳ được gọi là VUCA với nhiều đặc tính không có sự ổn định, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ của các điều kiện sống và tình huống trong thời đại ngày nay; căng thẳng, lo âu là điều không thể tránh khỏi. Nên chưa khi nào mà sự hiểu biết về căng thẳng và cách mà chúng ta có thể quản lý chúng lại quan trọng như hiện nay. Mặc dù căng thẳng có thể có lợi trong một số tình huống, nhưng quá nhiều căng thẳng có thể gây hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta.
Khi cơ thể cảm nhận được một mối đe dọa (hoặc tác nhân gây căng thẳng), nó sẽ cảnh giác cao độ để ứng phó và chỉ khi mối đe dọa đã qua đi, cơ thể mới có thể phục hồi. Các yếu tố gây căng thẳng có thể bao gồm các vấn đề về sức khỏe, áp lực công việc, tiền bạc, các vấn trong gia đình, các mối quan hệ và những rắc rối thường xuyên hàng ngày. Với những tác động gây căng thẳng liên tục hoặc quá nhiều, cơ thể bạn có thể luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ, dẫn đến kém tập trung, tâm trạng tồi tệ, kiệt sức trong công việc và dẫn đến các vấn đề về sức khỏe thể chất hoặc tinh thần. Khi căng thẳng trở thành mãn tính, cơ thể không thể trở lại hoạt động bình thường, sẽ trở thành bệnh rối loạn lo âu. Từ đó, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như bệnh tim, huyết áp cao, tiểu đường, lo lắng, mất ngủ và trầm cảm.
Căng thẳng ảnh hưởng đến phụ nữ và nam giới khác nhau. Nhiều tình trạng liên quan đến căng thẳng, chẳng hạn như rối loạn căng thẳng sau chấn thương, sự kiện đau buồn, trầm cảm và lo lắng, phổ biến ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Chúng ta cần nhận biết một số dấu hiệu khi bị căng thẳng và phương pháp đối phó theo các bước sau:
1. Nhận biết
Nhận biết các dấu hiệu căng thẳng trên cơ thể, cơ thể bạn sẽ gửi tín hiệu cho thấy nó đang căng thẳng, bao gồm: khó tập trung, đau đầu, tay lạnh, cơ bắp căng cứng, đau dạ dày, nghiến răng, cảm thấy khó chịu, bồn chồn, cáu kỉnh hoặc thu mình lại. Nhận biết các mô thức phản ứng của cơ thể và cảm xúc khi giao tiếp có thể giúp bạn đối phó với những khoảnh khắc căng thẳng. Tập cách không chỉ nhận ra mà có thể gọi tên những cảm xúc này, với chính mình hoặc với bạn bè. Thừa nhận sự có mặt của chúng như một phần trong cuộc sống.
2. Tạm dừng
Tạm dừng lại những dòng suy nghĩ hoặc hoạt động khiến bạn căng thẳng. Để làm được điều này không dễ dàng vì những dòng suy nghĩ và cảm xúc đó có thể cuốn trôi bạn theo những hoàn cảnh đó mặc dù điều đó đã nằm trong quá khứ của bạn, nhưng nó vẫn đeo bám bạn và khiến bạn khó lòng mà thoát ra.
Bạn hãy thực tập những kỹ năng để tạm dừng lại những dòng tâm tư này bằng cách hít thở sâu, uống một ly nước lạnh, đi dạo hoặc nghe một bản nhạc có sóng não thư giãn. Tất cả những hoạt động này có thể giúp bạn chuyển đổi trạng thái trong bạn.
3. Rèn luyện kỹ thuật ứng phó với căng thẳng
Để tránh các tác động của sự căng thẳng lên cơ thể trở thành bệnh. Chúng ta cần biết các phương pháp để chăm sóc và đối trị với những căng thẳng từ khi chúng mới xuất hiện. Hãy biến việc chăm sóc bản thân thành một thói quen hàng ngày. Điều đó không phải là ích kỷ hay buông thả bản thân. Đó là việc cần ưu tiên cho bản thân và cũng là trách nhiệm của bạn.
Hít thở sâu, đứng lên tập vài động tác vận động ngắn hoặc thực hành một bài thiền hơi thở mỗi khi cảm thấy căng thẳng. Tiếp xúc với thiên nhiên thường xuyên và kết nối với khung cảnh tươi mát, thú vị nơi đó hoặc có một nơi yên tĩnh trong nhà để thực hành thiền, thưởng thức âm nhạc, podcast là việc không thể thiếu trong lịch hàng ngày hay cuối tuần của bạn.
Bài tập thở sâu giúp bạn vượt qua căng thẳng tại đây!
4. Luôn giữ kết nối với gia đình và kết bạn mới
Luôn chủ động giữ sự kết nối với những người thân trong gia đình, bạn bè và các nhóm bạn tích cực trong cuộc sống của bạn. Nên chọn một người người bạn tin tưởng để có thể chia sẻ mọi chuyện và giúp bạn bình tĩnh, vững tâm hơn.
5. Đổi góc nhìn khác
Mỗi tình huống trong cuộc sống luôn có nhiều góc nhìn và phương án giải quyết. Chúng ta khó có thể thay đổi được hoàn cảnh bên ngoài nhưng chúng ta có thể thay đổi góc nhìn và cách phản ứng với căng thẳng của mình để cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn. Hãy thử vài góc nhìn khác cho tình huống khó khăn của bạn.
Giảm bớt sự tức giận trước những hành vi thô lỗ hoặc hung hăng từ người khác bằng cách cởi mở để đón nhận, đổi góc nhìn, nhìn sâu vào các hành vi đó và hình dung điều gì đã xảy ra và có thể xảy ra trong cuộc sống của người đó. Giữ sự thái độ bình tĩnh và tìm hiểu về hoàn cảnh khi xảy ra các tình huống để duy trì quan điểm cảm thông, bao dung là một cách quan trọng để tránh các tình huống căng thẳng. Cần luôn giữ suy nghĩ tích cực và lập kế hoạch trước khi bạn bắt đầu giải quyết vấn đề khó khăn.
6. Thay đổi nếp sống lành mạnh
Hãy bắt đầu thay đổi nếp sống trong thói quen mỗi ngày của bạn để giúp xây dựng khả năng phục hồi trước những tình huống căng thẳng và phát triển một cuộc sống mạnh khỏe và an vui hơn.
Nếp sinh hoạt cần được sắp xếp lành mạnh và giữ đúng giờ giấc cho các thói quen quan trọng như: tập thể dục, thiền định, ăn uống lành mạnh, tham gia các hoạt động thư giãn, ngủ đúng giờ và đủ giấc. Ngoài ra, hãy để ý đến những “giây phút hiện tại tuyệt vời” trong mỗi ngày hoặc làm điều gì đó mà bạn thích, chẳng hạn như đi dạo cùng thiên nhiên, đọc sách hoặc nghe nhạc, viết ra những suy nghĩ của bạn và dành thời gian trong không gian yên tĩnh để tĩnh tâm có thể giúp bạn thư giãn và giảm căng thẳng, đó cũng là những cách để chuyển sự chú ý của bạn và tập trung vào điều tích cực hơn là tiêu cực.
Bạn hãy cứ thử nghiệm, luyện tập và điều chỉnh để mọi việc trở nên tốt hơn theo thời gian.
7. Tìm kiếm sự giúp đỡ
Nhiều người thường hay trải qua những căng thẳng tương tự mỗi ngày liên quan đến những việc không như ý muốn trong công việc hay tiền bạc, các mối quan hệ, hay sức khỏe thân tâm. Hãy tìm sự hỗ trợ từ bạn bè và gia đình, hoặc các chuyên gia hay tham gia một cộng đồng đáng tin cậy để tìm hiểu các phương pháp giải quyết phù hợp.
Tìm kiếm sự giúp đỡ và phương pháp chăm sóc thích hợp là rất quan trọng khi bạn cảm thấy không thể kiểm soát được sự căng thẳng, đau khổ và nỗi cô đơn mà mình đang gặp phải. Đặc biệt là khi chúng đang làm tổn hại đến các mối quan hệ hoặc khả năng làm việc của bạn. Nếu bạn có ý định tự tử, hãy gọi điện đến một trung tâm y tế hoặc người thân nhất để được trợ giúp khẩn cấp.
ĐẶNG TRỌNG NGÔN
Nhà sáng lập DNXH AN Space
Nhà nghiên cứu và thực hành Thiền định