Một số bậc cha mẹ thường cảm thấy căng thẳng khi không thể kết nối và gắn bó với con cái trong gia đình. Khi thiếu sự kết nối và gắn bó, cha mẹ và con cái dần trở nên xa cách; vô tình khiến việc giữ hòa khí trong gia đình trở thành một vấn đề khó khăn. Từ đó, mâu thuẫn dễ dàng leo thang ngay từ những bất đồng rất nhỏ.
Các bài tập trí óc có thể xem như hoạt động tuyệt vời để thúc đẩy sự hòa thuận trong gia đình. Việc cùng nhau thực hành chánh niệm như một thói quen sinh hoạt chung sẽ cần nhiều thời gian và sự quyết tâm của tất cả mọi thành viên, nhất là cha mẹ. Việc cha mẹ luôn có mặt cho con và cùng con thực hành những hoạt động phát triển tâm trí là đặc biệt quan trọng để giữ cho con khỏi mất hứng thú.
Dưới đây là một số gợi ý để các bậc làm cha mẹ tham khảo, nhằm xây dựng thói quen cùng con tham gia vào các hoạt động tâm trí, tăng trưởng tính kết nối trong gia đình.
Gợi ý đầu tiên, cũng là phương pháp được ưu tiên hàng đầu, đó là cả gia đình cùng nhau thực tập thiền hành, đi bộ hoặc yoga. Sở dĩ gợi ý này được nhiều gia đình chọn áp dụng, vì trẻ em đặc biệt yêu thích các hoạt động mang tính vận động. Với phương pháp này, cha mẹ cần thực hành cùng con và hướng dẫn con tập trung chú ý vào sự kết nối giữa cơ thể với chuyển động mà cơ thể tạo ra.
Gợi ý thứ hai, thỉnh thoảng, cha mẹ có thể cùng con ngâm mình trong bồn nước nóng, trò chuyện, hoặc thậm chí chỉ là im lặng, có mặt cho nhau. Với phương pháp này, cha mẹ có thể hướng dẫn cho con hai điều. Trước nhất, chỉ có cha mới được ngâm mình cùng con trai và mẹ thì ngâm mình với con gái; đó là cách hướng dẫn con tìm hiểu về giới tính một cách đúng đắn. Tiếp đến, cha mẹ có thể hướng dẫn con cách để thật sự có mặt cho người khác; cho dù là trong im lặng, nhưng sự có mặt ấy trở nên có giá trị vô cùng.
Gợi ý thứ ba, hãy cân nhắc, chọn lựa và cùng nhau tham gia vào một hoạt động mà cả gia đình cùng yêu thích; chẳng hạn như nấu một bữa ăn, xem một bộ phim, cắm trại… Ở gợi ý này, điều cha mẹ cần lưu ý là hãy lắng nghe đề xuất của con; và hãy thẳng thắn trao đổi quan điểm của mình trước mỗi lựa chọn. Cha mẹ không nhất thiết phải chiều theo ý thích của con; và con cái cũng không nhất thiết phải làm theo sự sắp đặt của cha mẹ. Với cách thực hành đó, trẻ sẽ tự ý thức được tính công bằng trong gia đình và cả trong xã hội.
Gợi ý thứ tư, hãy cùng nhau thực hành chánh niệm với các công cụ hỗ trợ là âm thanh hoặc hình ảnh đi kèm. Âm thanh và hình ảnh có tác động rất lớn đến trẻ em. Nếu cha mẹ biết cách bắt đầu dẫn con vào thực hành chánh niệm thông qua âm thanh, hình ảnh thì hiệu quả sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, việc thực hành chánh niệm với âm thanh và hình ảnh sẽ kích thích sự tăng trưởng thị giác, thính giác và sự sáng tạo của trẻ.
Gợi ý thứ năm, cả gia đình hãy cùng nhau làm những việc mang tính thành tựu; chẳng hạn như dọn dẹp nhà cửa hoặc yêu cầu con dọn dẹp phòng của chúng. Những hoạt động theo hướng này, có thể nhìn thấy kết quả ngay tức thì, sẽ kích thích trẻ phát triển tính độc lập, nề nếp. Khi con tự đánh giá thành quả của bản thân là lúc con tự ý thức được việc mình cần phát triển kỹ năng gì để có kết quả tốt hơn trong lần sau. Hãy nhớ chúc mừng con khi một nhiệm vụ được hoàn thành.
Bên cạnh đó, cha mẹ hãy lưu ý rằng, cho dù chọn lựa một hoặc nhiều gợi ý trên thì cũng có những nguyên tắc mà cha mẹ cần thực hành cho bằng được để hướng dẫn con. Ví dụ, trước bất kỳ nhiệm vụ nào, hãy tập trung hết sức vào một thứ, đừng đa nhiệm, đừng cho trẻ cơ sở để đi xa khỏi sự chánh niệm. Sau mỗi ngày, hãy động viên, hướng dẫn con viết nhật ký về các hoạt động của con trong ngày. Thói quen viết nhật ký giúp con tự nhìn lại, quan sát và cảm thấu việc những hoạt động ấy ảnh hưởng đến tâm trạng của con như thế nào.
Nếu sau một khoảng thời gian thực hành và cha mẹ nhận ra rằng, một số hoạt động không phù hợp với một thành viên nào đó trong gia đình, hãy thẳng thắn trao đổi lại với con và cùng nhau thiết lập một kế hoạch để thay thế bằng những hoạt động mới phù hợp hơn.
Và cha mẹ hãy khơi gợi cho con trả lời câu hỏi này: “Con sẽ đưa những gì mình học được từ việc này đi vào cuộc sống của con thế nào?”. Ngoài việc giúp con hình dung ra cách ứng dụng bài học này vào cuộc sống, câu hỏi này còn là cơ sở để cha mẹ hiểu hơn về con mình.
Cùng con thực hành và khám phá app ANSpace bằng cách vào mục Tìm kiếm (Nhập từ khóa) > Trẻ em
Tải và trải nghiệm ngay app ANSpace:
– IOS: https://apple.co/3xoPaJN
– Android: https://bit.ly/3aPxRK8
T.T.T