Để có cái nhìn mở về nội dung thai giáo, chúng ta thử tìm hiểu xem những quốc gia phát triển trên thế giới đã lưu tâm và nghiên cứu về quá trình thai giáo như thế nào.
Trước nhất là Trung Quốc. Tại quốc gia này, những vấn đề liên quan đến việc giáo dục thai nhi có lịch sử rất lâu đời, từ hơn một ngàn năm trước. Nhiều sách cổ ở Trung Quốc có ghi lại học thuyết giáo dục thai nhi; có thể kể đến như “Thiên kiêm yếu phương” của danh y nổi tiếng đời Đường – Tôn Tư Mạc, hoặc “Liệt nữ truyện” của Lưu Hướng.
“Liệt nữ truyện” có viết: “Phụ nữ mang thai, nằm không lệch về một phía, ngồi không nghiêng ngả, đứng không xiêu vẹo”, “Mắt không nhìn ố sắc, tai không nghe dâm thanh… như thế thì mới sinh con dung mạo đoan chính, tài đức hơn người”. Người xưa đã khám phá phương pháp dạy thai nhi qua con đường tiềm thức để từ đó mở đường cho việc truyền đạt trí thức qua con đường ý thức sau khi trẻ chào đời.
Liên quan đến đề tài giáo dục sớm, dạy con từ 0 tuổi, hiện nay Trung Quốc có Hiệp hội ưu sinh và giáo dục chất lượng cao, có nhiệm vụ nghiên cứu và phổ biến giáo dục từ sớm, từ 0 tuổi. Tiêu biểu cho những nghiên cứu này là “Phương án 0 tuổi” của tác giả Phùng Đức Toàn. “Phương án 0 tuổi” là tên viết tắt của “Phương án thực thi và công trình giáo dục chất lượng cao cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi”. Đây là thành quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia mà Phùng Đức Toàn đứng đầu sau 20 năm nghiên cứu và thực nghiệm. Trong đó, công trình chỉ rõ con người phải nhận thức lại về thai nhi, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thai nhi, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có một tiềm năng phát triển rất lớn.
Phùng Đức Toàn nhấn mạnh gia đình là trường học đầu tiên và cha mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ. Ngày đầu tiên khi trẻ đến với thế giới này, về mặt sinh lý, chúng đã tách rời khỏi cha mẹ, song về mặt tinh thần chúng vẫn có sự liên kết chặt chẽ với cha mẹ. Vai trò của cha mẹ là vai trò không thể thay thế được trong quá trình giáo dục trẻ ngay từ giai đoạn đầu.
Tại, Mỹ, các nhà khoa học đã sớm chỉ ra rằng, tinh thần có ảnh hưởng đến cơ thể. Floyd Bloom khẳng định rằng tâm trạng tiêu cực sản sinh những ảnh hưởng không tốt đối với cơ thể người, đồng thời đưa ra khái niệm y học thân tâm, ngầm chỉ tâm trạng của thai phụ sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Tiến sĩ Thomas R.Verny thì cho rằng, thai nhi có cảm giác và tư duy, và do đó hoạt động tâm lý của thai phụ, nhất là tình thương của người mẹ, có ảnh hưởng rất tích cực đối với thai nhi. Trong suốt giai đoạn phát triển của thai kỳ, sự phát triển cả về thể chất lẫn trí não của thai phụ thuộc hoàn toàn vào chế độ dinh dưỡng và trạng thái tâm lý của người mẹ. Do vậy, để thai nhi phát triển an toàn và khỏe mạnh, người mẹ cần biết những gì nên và không nên để phòng tránh trong suốt thời kỳ mang thai.
Năm 1977, một chuyên gia khoa sản của Mỹ đã thành lập một trường đại học đặc biệt, trường đại học chuyên hướng dẫn thai phụ cách giáo dục thai nhi. Phương thức dạy học của trường là trò chuyện với thai nhi một cách có hệ thống, cho nghe nhạc, vỗ và xoa ở các vị trí nhất định trên bụng thai phụ. Trò chuyện nhiều với thai nhi, dạy thai nhi nhận ra giọng nói của bố mẹ. Phương pháp này giúp trẻ sau khi chào đời phát triển tốt hơn và học tập tốt hơn.
Các nhà khoa học Mỹ cho rằng phương pháp giáo dục như vậy giúp cho sự phát triển tư duy của bé. Khi chào đời, bé có thể học tập dễ dàng hơn. Phương pháp này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thần kinh của bé phát triển. Ngoài ra, trường học dành riêng cho thai nhi này còn khuyến khích các ông bố cùng tham gia hoạt động giáo dục trẻ sơ sinh. Làm như vậy, vừa có thể củng cố quan hệ gia đình, lại có thể làm cho thai nhi trở nên thông minh, nhanh nhận biết được cha mẹ, đồng thời dễ hiểu ngôn ngữ và chữ số hơn.
Một quốc gia khác rất coi trọng thai giáo, thậm chí phổ biến thai giáo cho toàn dân là Nhật Bản. Các học thuyết về thai giáo kết hợp với kinh nghiệm dân gian được lưu truyền bằng nhiều cách. 20 năm gần đây, các chuyên gia y học cùng với các chuyên gia giáo dục Nhật Bản đã áp dụng những kỹ thuật và thiết bị hiện đại, đưa ra các phương pháp như y học về thai nhi, giáo dục tâm lý ở giai đoạn thai nhi, làm sáng tỏ cơ sở khoa học và các phương pháp của môn khoa học thai giáo. Nhờ đó, Nhật Bản đã trở thành quốc gia tích cực nhất trong việc đề xướng thai giáo trên thế giới.
Các chuyên gia y học Nhật Bản tiến hành các kích thích trực tiếp vào chân tay thai nhi, quan sát, ghi lại những phản ứng của thính giác, thị giác và xúc giác. Kết quả cho thấy, thai nhi bình thường sau 5 tháng tuổi có thể nghe được âm thanh từ bên ngoài truyền vào tử cung, đồng thời có thể nhìn thấy những tia sáng từ bên ngoài xuyên qua tử cung. Ánh sáng này làm trẻ có phản ứng nhắm một mắt lại.
Một giáo sư người Nhật chứng minh rằng âm thanh bên ngoài cơ thể người mẹ thực sự có thể truyền đến tai thai nhi. Ông đã dùng máy ghi âm ghi lại tiếng nhịp tim của người mẹ và tiếng chảy của dòng máu, sau đó cho trẻ mới sinh nghe khiến bé cảm thấy yên tâm và không khóc quấy nữa. Sau này, ông lắp đặt những thiết bị có thể phát ra những âm thanh như vậy, rồi đặt bên tai một đứa trẻ đang quấy khóc để tiến hành thí nghiệm, quả nhiên đứa bé lập tức ngừng khóc và ngoan ngoãn ngủ say. Nếu làm thí nghiệm này đối với một đứa trẻ sơ sinh một tuần tuổi thì kết quả càng thể hiện rõ hơn. Hiện tượng này chứng tỏ, khi trẻ còn trong bụng mẹ đã biết học nghe âm thanh và ghi nhớ những âm thanh quen thuộc trong cơ thể người mẹ.
Tại Anh, một nhóm các nhà nghiên cứu âm nhạc thuộc Học viện Tâm lý học Trường Đại học List đã ghi lại kết quả từ quá trình nghiên cứu 11 phụ nữ mang thai. Thai phụ được yêu cầu chọn một bản nhạc rồi nghe thường xuyên trong 3 tháng trước khi sinh, có thể là nhạc cổ điển, nhạc hiện đại, hoặc nhạc rock. Sau khi bé sinh trong vòng một năm, các bà mẹ này không được cho trẻ nghe bất kỳ loại nhạc nào. Đến khi 11 đứa bé này tròn 1 tuổi, người ta mới tiến hành khảo sát và đo lường.
Người ta cho trẻ nghe bản nhạc mà chúng từng nghe khi còn trong bụng mẹ, đồng thời cho các bé nghe cả những loại nhạc mà chúng chưa từng được nghe bao giờ. Kết quả cho thấy 11 đứa trẻ đều chú ý đến bản nhạc mà chúng từng được nghe, khoảng thời gian bé chăm chú hướng về phía phát ra tiếng nhạc khá dài. Người ta cũng so sánh nhóm này với nhóm 11 đứa trẻ bình thường khác chưa từng được nghe nhạc thì kết quả cho thấy chúng đều không tỏ ra quá chú ý hay quá quan tâm đến bất kỳ một loại hình âm nhạc nào. Hơn nữa, các nhà khoa học cũng phát hiện thấy, trẻ sơ sinh tiếp nhận rất nhanh tiết tấu âm nhạc của những bài hát mà chúng chú ý.
Tại Pháp, phương pháp thai giáo phổ biến nhất là “haptonomie” do Franz Veldmann đề xuất. “Haptonomie” là phương pháp thông qua việc sờ chạm giúp liên lạc, tiếp xúc với thai nhi và tạo cho bố mẹ đứa trẻ có sự gắn bó sớm. Theo lời của Franz Veldmann, “haptonomie” là “khoa học về sự tương tác và các mối quan hệ tình cảm của con người”. Nó dựa trên cái gọi là sự hiện diện và xác nhận tình cảm, được bộc lộ ra bằng việc sờ chạm. Sự hiện diện này sẽ giúp phát triển cảm giác an toàn, dù người đó đang đau khổ, bệnh tật, đang hấp hối hoặc chưa được sinh ra.
Hình thức nổi tiếng nhất của “haptonomie” được đề cập đến là bộ ba gồm cha, mẹ và thai nhi. Bắt đầu từ khoảng tháng thứ tư, thai nhi đã có thể cảm nhận được sự sờ chạm đầy tình cảm và phản hồi lại. Sờ chạm là “ngôn ngữ” đầu tiên, đảm bảo cho thai nhi cân bằng cảm xúc tốt hơn sau khi sinh. Phương pháp này đã được chứng minh có thể mang lại nhiều lợi ích cho thai phụ khi sinh, cũng như cho sự phát triển của trẻ sau sinh. Người chồng cùng “mang thai” với vợ bằng cách chia sẻ, gánh vác những công việc nặng, quan tâm đến nhu cầu tâm lý, tình cảm của vợ. Qua đó, tổ ấm gia đình được củng cố, quan hệ tình cảm giữa con cái với bố mẹ đã hình thành ngay khi đứa bé còn trong lòng mẹ.
Tùy thuộc vào mức độ phát triển và cả văn hóa nên thai giáo của các nước trên thế giới có những điểm riêng. Nhưng tựu trung lại, tất cả các nhà khoa học trên thế giới đều chứng minh rằng, việc truyền thông, chia sẻ của cha mẹ có tác động trực tiếp đến thai nhi. Con có thể cảm nhận được mọi cảm xúc vui buồn của mẹ; thế nên, suốt quá trình mang thai, khi mẹ giữ cho thân – tâm – trí của mình an thì chắc chắn con cũng sẽ an.
Cùng thực hành các bài tập dành cho “cha mẹ và trẻ em” trên app ANSpace bằng cách vào mục Tìm kiếm (Nhập từ khóa) => Cha mẹ và trẻ em
Tải và trải nghiệm ngay app ANSpace:
– IOS: https://apple.co/3xoPaJN
– Android: https://bit.ly/3aPxRK8
Tiến sĩ Phạm Thị Thuý biên soạn