Hầu như tất cả chúng ta, không nhiều thì ít, đều sở hữu những thói quen xấu. Có không ít thói quen “đánh cắp” thời gian, sức khỏe, tiền bạc thậm chí là cả hạnh phúc của chúng ta. Thế nhưng, để từ bỏ những thói quen xấu là điều không dễ dàng. Nhất là khi chúng đã ăn sâu vào tính cách, lối sống của bạn.
Vậy có cách nào hiệu quả để tạm biệt những thói quen gây rắc rối cho cuộc đời ta, mà không cần quá căng thẳng mệt mỏi?
Bạn từng đặt ra một mục tiêu cho bản thân: Thay đổi thói “nghiện” mua sắm, duy trì tập thể dục hàng ngày hoặc phấn đấu giảm cân? Bạn cam kết và hăng say tiến về phía trước.
Những ngày đầu, bạn thực hiện việc cải thiện thói quen xấu rất nghiêm túc. Nhưng một tháng, rồi hai tháng trôi qua, bạn cảm thấy mất dần động lực. Rồi một trở ngại nào đó xảy ra và bạn quên mất mục tiêu của mình. Bạn cảm thấy mình như là kẻ thất bại, khi vẫn trở lại với con người cũ.
Bạn có thấy tình huống trên đây quen thuộc không? Có lẽ nó đã diễn ra trong cuộc sống của bạn không chỉ một lần.
Vậy, bạn đã sai ở chỗ nào?
1. Chưa nhận thức đầy đủ tình trạng hiện tại của bản thân.
Sai lầm của bạn là đặt mục tiêu mà không nhận thức đầy đủ tình trạng hiện tại của bản thân. Bạn cần xác định rõ vấn đề trước khi đưa ra giải pháp.
Thay vì vội vã ép mình phải thay đổi, hãy bắt đầu bằng cách quan sát những gì đang diễn ra với bản thân ở thời điểm hiện tại. Hãy dành một tuần cho việc này.
Bạn có thể tự đặt những câu hỏi như sau: “ Đâu là thói quen xấu của tôi?”
“Tôi cảm thấy thế nào khi sống với thói quen đó?”
“Nếu không duy trì thói quen xấu đó, tôi sẽ thấy ra sao?”
“Có lý do đặc biệt nào khiến tôi vướng vào thói quen xấu đó không?”
“Tại sao tôi muốn xóa bỏ thói quen này?”.v.v.
Suy ngẫm đáp án cho những câu hỏi này để hiểu sâu sắc hơn điều gì đang cản trở bạn trở thành phiên bản tốt hơn, hạnh phúc hơn của chính mình; để biết mình thực sự cần thay đổi điều gì. Từ đó, bạn cũng có thể tìm ra căn nguyên sâu xa của vấn đề mà bạn đang gặp phải.
Đôi khi, phía sau thói quen nghiện ngập như nghiện mua sắm, nghiện game, nghiện yêu đương… là sự căng thẳng hay thiếu cảm giác an toàn, mà nguyên nhân đến từ sự tổn thương bên trong. Biết được điều này, bạn có thể tìm giải pháp chữa lành cho bản thân bằng cách tự chiêm nghiệm, bằng thiền định, bằng việc tìm về với thiên nhiên hoặc nhờ sự trợ giúp của chuyên gia nếu cần.
Bạn có thể viết các câu trả lời vào nhật ký hàng ngày, thay vì chỉ để chúng trong đầu. Như thế, mọi thứ sẽ dần trở nên rõ ràng hơn. Bạn chỉ đang quan sát, thay vì cố gắng đạt được mục tiêu.
2. Hình dung cuộc sống sau khi buông bỏ được thói quen xấu.
Bước tiếp theo, bạn cần sử dụng một chút trí tưởng tượng để hình dung những gì mình sẽ đạt được.
Hình dung cuộc sống của bạn sẽ thế nào khi bạn buông bỏ được một hoặc những thói quen xấu. Hãy cảm nhận niềm hân hoan, tự hào giống như bạn đang gặt hái kết quả; và cùng với đó là cảm giác cân bằng, thoải mái, tự tin vào bản thân. Hãy để cho những rung động của sự hài lòng và niềm vui chiến thắng lan tỏa ra từ tâm trí bạn.
Chúng ta thường bào chữa cho những thói xấu của chính mình hoặc kiếm cớ trì hoãn: “Tôi sẽ bắt đầu bỏ hút thuốc vào tuần tới”. “Tôi không có thời gian cho việc tập luyện thể thao”, “Tôi không muốn bỏ chơi game, nó giúp tôi thư giãn!”.v.v.
Khi đó, bạn đang ngụ ý rằng: “Thói quen này quá khó để thay đổi”.
Mỗi khi những lời bào chữa này hiện ra, chúng đồng thời phản ánh niềm tin tiêu cực bên trong bạn, hãy lờ chúng đi bằng cách tập trung vào điều bạn muốn làm. Và hãy tự nhủ với bản thân rằng: “Tôi làm được”.
Chúng ta có nhiều khả năng để phá bỏ một thói quen xấu khi chúng ta kiên định. Nếu bạn đang bỏ thuốc lá, đừng thỉnh thoảng cho phép mình hút một điếu, hoặc thậm chí là vài ba hơi.
Nếu muốn ngừng ăn vặt mà bạn lại để cho mình một chút đồ ăn nhẹ mỗi buổi chiều, thói quen này có thể dễ dàng mở rộng thành việc ăn nhiều hơn, và cứ thế, bạn sẽ bắt đầu ăn vặt trở lại.
Nghiên cứu cho thấy thời gian để chúng ta thay đổi hoặc thiết lập một thói quen là từ 21 đến 61 ngày. Trong khoảng thời gian này, bạn hãy kiên quyết thực hiện một cách nghiêm túc và đều đặn. Sau đó, bạn có thể thỉnh thoảng cho phép mình “nới lỏng” quy định, nhưng hãy nhớ việc này chỉ nên làm sau khi đã thiết lập thói quen mới hoặc xóa bỏ được thói quen cũ.
3. Lập kế hoạch thay đổi và viết ra chúng.
Và một điều quan trọng, để giúp bạn phá bỏ thói quen xấu của mình, hãy lập kế hoạch và viết nó ra.
Việc này có thể giúp bạn duy trì thói quen lành mạnh khi bạn đi chệch hướng.
Chẳng hạn, nếu bạn đang cố gắng bỏ thuốc lá, nhưng bạn biết rằng mình luôn muốn có một điếu thuốc sau khi ăn tối, hãy lập kế hoạch cụ thể cho những việc bạn sẽ làm trong và sau bữa tối. Bạn có thể đưa vào kế hoạch một số việc thú vị hoặc bổ ích để làm sau bữa tối để tạo sự phân tâm, khiến bạn không còn nghĩ đến việc hút thuốc.
Hãy nhớ rằng: “Bạn sẽ không bao giờ thay đổi cuộc sống của mình cho đến khi bạn thay đổi điều gì đó bạn làm hàng ngày”. Hãy bắt đầu bằng việc thay đổi những thói quen nhỏ hàng ngày, và cuộc sống của bạn sẽ dần thay đổi theo hướng tích cực, đến một ngày bạn sẽ ngạc nhiên với những kết quả to lớn mà bạn gặt hái được.
KIỀU GIANG
Cùng tìm hiểu những kiến thức hay, có tính khai sáng trên app ANSpace bằng cách vào Trang Khai sáng.
Tải và trải nghiệm ngay app AN Space:
– IOS: https://apple.co/3xoPaJN
– Android: https://bit.ly/3aPxRK8