Sau đây là 3 thói quen không tốt cần chú ý khi bạn chăm sóc người thân và 3 cách khắc phục bằng chánh niệm.
Tại một hội nghị tôi đã gặp được Lisa, cô ấy đã khóc trong lúc kể với tôi về sự đau đớn khi phải một mình chăm sóc cho người chồng tàn tật trong suốt 33 năm. Tôi lắng nghe và nỗi đau của cô ấy khiến tôi nghĩ đến gánh nặng mà 34 triệu người Mỹ đang chăm sóc cho những người thân yêu mắc chứng mất trí, khuyết tật và những căn bệnh dai dẳng khác. Hầu hết những người đảm nhiệm chăm sóc cho người thân đều cho biết họ phải gánh chịu áp lực và căng thẳng rất lớn. Điều đó chắc chắn cũng giống với trải nghiệm của tôi trong bảy năm qua với tư cách là người chăm sóc chính cho vợ của mình, Susan – người bị bệnh Alzheimer.
Sự căng thẳng của việc chăm sóc người khác rất là khó để chịu đựng. Điều đó khiến nhiều người trong chúng ta đau lòng, choáng ngợp, mất phương hướng và cảm thấy hụt hẫng. Thực tế là sự căng thẳng dữ dội này có thể dẫn đến kiệt sức, cô lập xã hội, tuyệt vọng – thậm chí tăng huyết áp, đau tim và tử vong.
Mối đe dọa lớn nhất của chúng ta không phải là căng thẳng kéo dài, mà là sự kiệt sức mà chúng ta đã vô tình tạo ra cho chính mình.
“Jerry, nếu bạn không chăm sóc cho bản thân,” bác sĩ của vợ tôi cảnh báo tôi, “bạn có thể sẽ chết trước Susan.”
Những người chăm sóc bệnh nhân tìm cách để duy trì sự sống và tự chăm sóc bản thân là những khuyến nghị thông thường. Chúng ta thường có xu hướng là kiểm soát cảm giác đau đớn của mình trước tiên, điều này có thể khiến việc chăm sóc bản thân bị bỏ qua và khiến công việc trở nên khó khăn hơn. Điều đó giống như gãi vết ngứa do cây thường xuân độc gây ra, chạm vào và cào cấu có thể khiến vết thương trở nên nghiêm trọng hơn. Đáng ngạc nhiên, mối đe dọa lớn nhất của chúng ta không phải là căng thẳng thường xuyên, mà là sự kiệt sức mà chúng ta có thể vô tình tạo ra cho chính mình.
Ba thói quen không tốt với sức khoẻ tinh thần và cách vượt qua chúng
Thách thức đối với những người chăm sóc bệnh nhân là phải học những thói quen mới nhằm làm cho công việc khó khăn trở nên dễ dàng hơn chứ không phải phức tạp hơn. Dưới đây là ba thói quen tự đánh bại bản thân phổ biến và những liều thuốc giải độc lành mạnh giúp giải quyết căng thẳng do hoàn cảnh tạo ra, tránh sự kiệt sức và mở ra cánh cửa để thực sự tự chăm sóc bản thân.
1. Chống lại những cảm xúc đau đớn
Chúng ta đau khổ và vùng vẫy muốn thoát khỏi những rối loạn của mình. Chính điều này đã khiến chúng ta thường cố gắng chôn giấu những cảm xúc khó khăn, tránh những tình huống không thoải mái hoặc chỉ đơn giản là từ chối thừa nhận với bản thân rằng chúng ta đang rơi vào tình trạng hỗn loạn. Thật không may, việc chống lại những cảm xúc đau đớn cũng giống như cầm một quả bóng dưới nước: Bạn có thể làm được điều đó, nhưng nỗ lực không ngừng có thể khiến chúng ta cạn kiệt năng lượng và thời gian, cũng như khiến ta xao nhãn và quên đi việc chăm sóc bản thân.
Thay vào đó, hãy chấp nhận và cho phép nỗi đau tinh thần diễn ra đúng như hiện tại, dành không gian riêng để những tổn thương có cơ hội được chữa lành. Đó là sự khác biệt giữa việc dừng lại, nhìn nhận những khó khăn so với cảm thấy bối rối và cố đèn nén hoặc bỏ mặc cảm xúc, cơ thể của mình. Cảm nhận là cách để chữa lành những tổn thương.
2. Sự nghiền ngẫm
Mục đích của chúng ta là kiểm soát cảm xúc của mình thông qua suy nghĩ. Nhưng thực sự là chúng ta thường bị cuốn vào những suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại không ngừng — chẳng hạn như kể lại những điều đã xảy ra trong quá khứ hoặc lo lắng về những thảm họa trong tương lai. Sự nghiền ngẫm với một tâm trí hiếu động có thể khiến ta chuyển sang trạng thái lo lắng và trầm cảm, thậm chí có thể làm chệch hướng việc chăm sóc người bệnh.
Thay vào đó, hãy chuyển sự chú ý đến thời điểm hiện tại. Tham gia các hoạt động thu hút hoàn toàn sự chú ý và thể hiện những điểm tốt của mình. Viết là việc yêu thích của tôi; chèo thuyền kayak là một hoạt động khác. Chúng ta có thể thay đổi cảm giác của mình bằng cách thay đổi những gì chúng ta đang làm.
3. Tự mắng mình
Chúng ta luôn muốn kiểm soát nỗi đau của mình bằng cách đưa mình vào một khuôn khổ, vì vậy chúng ta để nội tâm của mình mắng mỏ một cách thô bạo. Những người chăm sóc cần được hỗ trợ, đặc biệt là khi cảm thấy mệt mỏi và có nhiều khả năng mắc lỗi.
Hãy chấp nhận con người và sự không hoàn hảo của chúng ta, tự tạo cho mình những điều nhỏ bé ấm áp và không ngừng trao đi lòng tốt, giống như cách chúng ta giúp đỡ một người bạn khó khăn. Chẳng hạn, trong những khoảnh khắc khó khăn, tôi tự nói với bản thân mình: “Không có gì lạ khi tôi làm sai những công việc này, những công việc rất phức tạp.” Hai từ “không có gì lạ” là công thức bí mật của tôi.
Những loại thuốc giải độc lành mạnh này có thể được áp dụng vào thực tế hàng ngày bằng cách học ba kỹ năng dành cho tâm thức: dừng lại và chú ý đến những diễn biến bên trong tâm trí; phát hiện thói quen suy nghĩ vô ích và chuyển hướng chú ý đến phương thuốc chữa lành mà tôi vừa cung cấp cho bạn. Những kỹ năng này có thể học được thông qua khóa đào tạo chánh niệm – dạy chúng ta cách chú ý để nâng cao nhận thức và quan điểm.
Căng thẳng là một gánh nặng lớn đối với người làm công việc chăm sóc bệnh nhân. Nhưng tin tốt là chúng ta có phương pháp mới để xử lý căng thẳng, tránh kiệt sức và sự phân tán năng lượng của chúng ta để có thể tự chăm sóc bản thân. Những thói quen mới này mang lại hy vọng — cho Lisa, cho tôi và cho những người khác đang đấu tranh để sống sót và duy trì sự chăm sóc yêu thương. Hơn nữa, thật thoải mái khi biết rằng chúng ta có thể là tác giả cho cuộc sống của chính mình, thay vì là nạn nhân của điều bất như ý – khi vật lộn với hành trình chăm sóc người khác bất chấp cái chết.