Có vẻ như, đa phần chúng ta đều dành nhiều tâm tư cho việc xây dựng kế hoạch phát triển bản thân. Chúng ta mong muốn được công nhận. Chúng ta hướng đến thành công. Chính vì thế mà chúng ta sẵn sàng hạn chế thời gian giải trí để cố hoàn thành công việc thật tốt, để phát triển sự nghiệp, để vươn tới cuộc sống mơ ước theo định nghĩa của riêng mình. Và cứ mỗi khi thất bại, chúng ta ngồi lại, dành ra những khoảng thời gian dài thật dài để phán xét bản thân mình. Điều ấy là vô lý và bất công với chính bản thân ta.
Có thể, trong thời gian vừa qua, chúng ta cố gắng chưa đủ. Cũng có thể, chúng ta đã vô tình phạm phải những sai lầm không đáng có. Và rất có thể, nếu cẩn trọng hơn, chúng ta đã thành công chứ không thất bại như lúc này. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là chúng ta cứ phán xét mình chưa đủ giỏi, chưa đủ cố gắng. Làm như thế, vô hình trung chỉ tự khiến bản thân kiệt quệ hơn mà thôi.
Đánh giá đúng bản thân, đúng tình hình mới là phương thức đúng để chúng ta rút kinh nghiệm ở hiện tại và xây dựng thành công trong tương lai. Thế nên, hãy dừng việc phán xét bản thân; hãy trở thành người phán xử công tâm của chính mình.
Công tâm có nghĩa là chúng ta nhìn nhiều mặt của vấn đề. Đừng đuổi theo những tiếng nói phê phán bên trong; như thể, ta rất đáng trách, tất cả đều là lỗi của ta. Đuổi theo những âm thanh ấy nghĩa là ta đang biến mình thành người tiêu cực, tự ti. Tất nhiên, cũng đừng cho phép mình đuổi theo những âm thanh vỗ về, rằng ta đã làm tốt lắm rồi, tất cả chỉ là vì cuộc đời bất công với ta mà thôi. Như thế, chẳng khác nào ta đổ lỗi cho mọi thứ, rồi dần dà, ta mặc định mình đã cố gắng đủ, thành hay bại không phải là trách nhiệm của bản thân ta nữa.
Muốn nghe tiếng nói của nội tâm, là ta phải nghe được những đánh giá công tâm ngay giữa lúc ta đang thấy thật khó khăn khi đối diện với thất bại. Tự chúng ta trò chuyện với mình về một vấn đề thì phải có nội dung chỉ ra những hạn chế của bản thân, nhưng cũng phải tự truyền cảm hứng cho chính mình. Chỉ ra được những sai lầm của chính mình thì tự ta phải biết đánh giá những ưu điểm mà bản thân mình có. Vạch ra rõ ràng những yếu tố khiến ta thấy sợ hãi thì cũng phải tự cho mình nhìn thấy những cơ hội để tự tin hơn. Đó mới là lắng nghe và phán xử một cách công bằng.
Và, bạn biết đấy, muốn làm được như thế, muốn trở thành người phán xử công bằng của chính mình, chúng ta nhất thiết phải biết đặt câu hỏi. Ở đây, chúng ta hướng đến những câu hỏi mở ra việc tìm kiếm bằng chứng để thật sự thấu hiểu mình hơn. Chỉ như thế chúng ta mới tiến bộ được.
Đừng ngại chất vấn chính mình, nếu điều đó dẫn chúng ta đến sự thật. Ví dụ, bạn đang có một suy nghĩ, cho dù là tích cực hay tiêu cực, hãy thử tự hỏi mình xem, bằng chứng nào tạo nên những ý nghĩ này? Và hãy thử hỏi một câu hỏi khác nữa, rằng bằng chứng nào phản đối những ý nghĩ này? Bạn cho rằng mình bất tài thì phải có bằng chứng chứng minh điều ấy! Một thất bại đâu thể là chứng cứ để phán xét rằng bạn không thể tạo nên thành công. Thế nên, những cặp câu hỏi phản biện tự đặt ra cho mình và phải tìm cho ra câu trả lời là hết sức cần thiết. Hãy học cách đặt câu hỏi. Hãy tập thói quen ghi chép lại câu trả lời. Rồi tự bạn sẽ biết cân nhắc xem phần tích cực hay tiêu cực đang lớn hơn trong mình.
Có một vài câu hỏi khác cũng cực kỳ hiệu quả, nếu bạn sử dụng vào thời điểm hợp lý. Ví dụ như, “điều này là sự thật hay chỉ trong suy nghĩ?”. Khi đặt câu hỏi này nghĩa là bạn đang cố gắng đưa mình về với hiện thực. Bạn dễ dàng đối diện với thực tế hơn, cho dù nó có nghiệt ngã và đau lòng. Hoặc ví dụ khác nữa, là “tôi sẽ nói gì với một người bạn khi họ cũng có những suy nghĩ này?”. Khi hỏi câu hỏi này, nghĩa là bạn đang cố gắng mở lòng hơn để sẻ chia, dẫn dắt người khác khi cần thiết. Và như thế thì bạn thấy đấy, bạn có trái tim rộng mở, luôn sẵn lòng hỗ trợ người khác; thậm chí, bạn có đủ khả năng hỗ trợ người khác. Thế thì, bạn không hề xấu, càng không hề vô dụng tí nào.
Thỉnh thoảng, cho dù bạn đã hết sức công tâm rồi, nhưng người phán xử của chính bạn vẫn chống lại bạn. Có nghĩa, những âm thanh trong bạn nói hoài về sai lầm mà bạn mắc phải. Thậm chí, âm thanh ấy phân tích rất kỹ lưỡng vấn đề của bạn, nhưng theo hướng không dễ chịu tí nào. Không sao cả. Cảm xúc tồi tệ luôn là một phần trong cuộc sống của chúng ta. Chúng xuất hiện vào những khoảnh khắc tự ta không nghĩ đến; nhưng như thế cũng không có nghĩa bạn đã làm sai hay bạn là người xấu.
Nên, khi cảm xúc tồi tệ xuất hiện, bạn cứ bình thản và chấp nhận sự có mặt của chúng. Chính khi bạn công nhận sự hiện diện ấy như nó đang là, bạn trở nên sâu sắc hơn. Bởi, đó là lúc bạn cảm thấy thật tốt khi được trải nghiệm và vượt qua cảm xúc này. Và, tuyệt diệu làm sao, càng sâu sắc, chúng ta càng trở nên công bằng với chính mình hơn.
Khi đã trở thành người phán xử công tâm của chính mình, chúng ta sẽ biết cách xây dựng mối quan hệ bền chặt với người phán xử ấy. Đó không phải một mối quan hệ để ta mong cầu điều gì có lợi cho mình. Đó là một mối quan hệ tích cực để chúng ta biết mình luôn có người để sẻ chia. Chúng ta biết sẽ có người sáng suốt đưa ra những lời khuyên công tâm nhất khi ta cần.
Và, bạn biết gì không, khi đã thiết lập được mối quan hệ bền vững với người phán xử công tâm ấy, cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi rất nhiều. Thay vì cứ dằn vặt bởi những xúc cảm của bản thân, ta có thể thoải mái và bình thản đón nhận, rồi chậm rãi giải quyết chúng. Thay vì cứ trăn trở xem người khác nghĩ gì về mình, ta có thể tận hưởng những khoảnh khắc với những người quan trọng đối với mình. Thay vì sống trong hoài nghi và ghen tị, ta có thể đón nhận những mối quan hệ chân thành và bền chặt.
Tình cảm đích thực không có chỗ cho phán xét hà khắc. Thế nên, hãy làm bạn với chính mình, hãy trở thành người phán xử công bằng để ta có thể vững vàng hơn trên con đường đuổi theo thành công, hạnh phúc.
TRƯƠNG THANH THÙY
Cùng tham khảo kiến thức “khai sáng” trên app ANSpace bằng cách vào mục Tìm kiếm (Nhập từ khóa) => Khai sáng
Tải và trải nghiệm ngay app ANSpace:
– IOS: https://apple.co/3xoPaJN
– Android: https://bit.ly/3aPxRK8