Đối mặt với khủng hoảng nghề nghiệp là chủ đề mà đa phần chúng ta đều rất quan tâm. Bởi, có lẽ trên hành trình xây dựng sự nghiệp, không một ai trong chúng ta chưa từng trải qua những giai đoạn khủng hoảng.
Có rất nhiều người đang ở vị trí công việc được đánh giá là thành công nhưng vẫn cảm thấy căng thẳng, nặng nề, thậm chí là khủng hoảng. Họ cảm thẩy chán nản và mệt mỏi với viễn cảnh phải làm công việc hiện tại suốt đời. Điều ấy xuất phát từ việc họ không thật sự thích công việc hiện tại; và họ muốn làm nên một sự thay đổi nào đó trong sự nghiệp của mình để mang lại hạnh phúc cho bản thân.
Vấn đề chung của những người khủng hoảng trước suy nghĩ muốn thay đổi là họ chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Bởi họ đã mất rất nhiều thời gian trang bị cho mình đầy đủ kiến thức cần thiết cho công việc hiện tại này. Và cứ thế, họ tiếp tục nuôi dưỡng mong muốn thay đổi, cùng với nỗi trăn trở mình nên làm thế nào… Vô hình trung, cảm giác căng thẳng, khủng hoảng kéo dài và lớn dần lên.
Vậy, câu hỏi được đặt ra ở đây là, “có nên thay đổi công việc không khi bản thân không còn cảm thấy hạnh phúc?”. Để trả lời được câu hỏi này, chúng ta nhất thiết phải thành thật với chính mình. Sự thành thật ấy sẽ giúp bạn tỉnh táo xét xem đây là một cuộc khủng hoảng thật sự, hay chỉ là một thử thách để vượt qua?
Bạn biết đấy, không phải bất ổn nào cũng là khủng hoảng nghề nghiệp. Và tất cả mọi ngành nghề bạn làm đều có những giai đoạn thử thách, ngay cả những nghề nghiệp “đúng” với bạn. Thế nên, khi gặp phải những thay đổi lớn hoặc nhận ra bản thân đang muốn thay đổi, ta cần phải xác định xem đó là khủng hoảng hay chỉ là thử thách. Câu trả lời sẽ quyết định bước tiếp theo phải đi của chúng ta. Một cuộc khủng hoảng rất có thể sẽ dẫn đến một sự thay đổi nghề nghiệp; nhưng một thử thách lại là con đường để ta khai thác và phát triển bản thân, lòng dũng cảm và tính kiên trì. Chỉ khi nào nhận diện và gọi tên đúng vấn đề, chúng ta mới có thể chọn con đường đi đúng cho chính mình.
Nếu đây là một thử thách, vậy hãy nhớ lại “lý do” của bạn. Lý do bạn chọn công việc này, đây là lý do quan trọng nhất, chính yếu nhất, có thể xem là gốc rễ của công việc này. Từ đó, mở rộng ra, hãy xét xem bạn vẫn chưa hoàn thành được điều gì trong công việc? Bạn vẫn chưa học được gì? Làm thế nào để cải thiện và trưởng thành? Sự thành công trong công việc này có ý nghĩa như thế nào với bạn? Khi tự đặt cho mình những câu hỏi như thế, rồi quay lại gốc rễ lý do của bạn, bạn sẽ có thêm quyết tâm và dũng cảm để tiến về phía trước, vượt qua thử thách hiện tại.
Nếu đây là một cuộc khủng hoảng thì đừng nhụt chí, nhưng hãy biết rằng bạn cần tạo ra sự thay đổi. Đừng thất vọng trước hoàn cảnh này; và đừng chất vấn bản thân. Không ai bắt buộc bạn phải làm đúng ngay từ đầu cả. Mặc dù có lẽ bạn cảm thấy hơi đáng thất vọng, đặc biệt là khi bạn đã trang bị cho mình kiến thức chuyên môn đến một mức nào đó. Hãy tích cực trong suy nghĩ và cả hành động của mình; vì bạn có thể tạo ra thay đổi.
Công việc hiện tại của bạn có phù hợp với những giá trị của riêng bạn không? Nếu không, bạn đang đi trên một con đường nguy hiểm. Hãy làm một phân tích giá trị và so sánh nó với nghề nghiệp hiện tại của bạn. Nhận diện được điều ấy, bạn phải chấp nhận rằng, thay đổi là điều không tránh khỏi. Thế nên, bạn hãy từ chối thôi thúc sự đổ lỗi của bạn. Đừng đổ lỗi cho sếp của bạn, hay nhân viên dưới quyền, hay bố mẹ bạn. Bạn là bạn bởi chỉ có bạn mới có thể quyết định cho cuộc đời mình. Bạn có thể đến một nơi làm việc mới, chỉ đơn giản bằng việc đưa ra một quyết định mới. Bạn chính là giải pháp. Nếu đổ lỗi cho ai về vị trí hiện tại của mình, thực chất chỉ là cách bạn chối bỏ khả năng của mình, cũng như từ bỏ giải pháp cho cả cuộc đời bạn. Bạn có thừa khả năng thay đổi và hãy nhận lấy trách nhiệm của mình.
Thay đổi không bao giờ là dễ dàng, thế nên, bạn cần phải dũng cảm. Lúc này, bạn sẽ cần đến sự can đảm để làm một số thứ hoàn toàn mới mẻ so với tất cả mọi thứ liên quan đến công việc trước đây. Tuy vậy, mỗi hành động sẽ xây nên lòng dũng cảm cho chính bạn. Bước đầu tiên, bạn chỉ cần chấp nhận sự thật rằng mình không hạnh phúc và bạn cần phải thay đổi.
Và bạn biết đấy, bạn vừa chọn một con đường hoàn toàn mới, một khởi đầu mới. Có nghĩa, bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thử thách; thế nên, hãy bình tĩnh và nhẫn nại, rồi điều tốt đẹp sẽ đến. Giai đoạn này, bạn cần những hành động xua đi nỗi sợ. Cụ thể là bạn cần một cơ thể khỏe mạnh, một cái đầu lạnh và tâm trí chứa đầy sự nhẫn nại. Đi, hít thở đều và thường xuyên quay về chăm sóc cho mình, đừng quên điều ấy!
Cuộc sống luôn có sẵn hàng loạt khó khăn, thử thách cần chúng ta giải quyết; thế nên, hãy nhắc nhở bản thân luôn sẵn sàng và cố gắng hết mình. Nếu rơi vào giai đoạn khủng hoảng nghề nghiệp, hãy cho mình chút khoảng lặng để quay về với chính mình, tìm lại định nghĩa điều mà bản thân từng tin tưởng. Chúng ta thật sự muốn gì và tìm kiếm gì trong sự nghiệp của mình? Nếu câu trả lời là đam mê, cống hiến và hạnh phúc, thì cứ dũng cảm tạo ra một sự khởi đầu mới mà ta tin ta sẽ chạm được đến những thứ này.
TRƯƠNG THANH THÙY
Cùng thực hành nội dung “làm việc chánh niệm” trên app ANSpace bằng cách vào mục Tìm kiếm (Nhập từ khóa) => Làm việc chánh niệm
Tải và trải nghiệm ngay app ANSpace:
– IOS: https://apple.co/3xoPaJN
– Android: https://bit.ly/3aPxRK8