“Cái biết che cái thấy” – một câu nói thật sự đáng suy ngẫm. Và, nếu suy ngẫm đủ, chúng ta sẽ nhận ra được rất nhiều thứ thú vị, trong đó có cả hạn chế của bản thân mình.
MẮC KẸT TRONG SỰ HIỂU BIẾT VÀ MẮC KẸT TRONG SỰ NGU DỐT – CÁI NÀO ĐÁNG SỢ HƠN?
Nếu nói “mắc kẹt trong sự hiểu biết”, có nghĩa, hiểu biết có thể là tình trạng không khác biệt là mấy so với ấu trĩ, dốt nát, thiếu hiểu biết. Tại sao? Bởi lẽ, dù người giỏi hay dốt thì đều cùng có một thói quen, thậm chí trở thành phản xạ tự nhiên, đó là chỉ nhìn thấy thứ mình muốn thấy. Cùng một sự vật hiện tượng đang xảy ra, nhưng đa phần chúng ta chỉ nhìn bằng sự phán xét, áp đặt của bản thân mình.
Người thiếu hiểu biết thường phản ứng theo hướng phán xét vội vã, võ đoán và bị đám đông chi phối. Người hiểu biết, đặc biệt là người hãnh diện về sự hiểu biết của mình thì phán xét theo cách chủ quan hoặc hạ thấp người khác với mục đích chứng tỏ bản thân giỏi hơn. Thế nên, không phải chỉ là giữa người kém hiểu biết với người hiểu biết mới dễ nảy sinh mâu thuẫn, bất đồng. Thực tế, đôi khi giữa những người hiểu biết còn dễ xuất hiện sự bất đồng, tranh cãi hơn. Bởi khi ấy, cuộc tranh cãi không chỉ nằm ở vấn đề đang hướng tới nữa mà là nằm ở việc bảo vệ quan điểm cá nhân. Thế là đúng – sai không còn quan trọng nữa; những người tham gia tranh luận vốn chỉ đang quan trọng hóa sự hiểu biết của bản thân mình.
Chúng ta rất dễ bị sự hiểu biết của bản thân dắt mũi, thậm chí là che mắt. Đó là lý do thay vì cảm ơn, chúng ta thường sẽ phủ nhận hoặc đấu tranh đến cùng trước những vấn đề, những tình huống mà bản thân bị đặt vào vị trí sai hoặc thiếu hiểu biết. Cứ thế, người hiểu biết dần biến mình thành một người hạn hẹp – không muốn ghi nhận ý kiến của người khác và cũng không thể nhận ra để thưởng thức nhiều điều thú vị trong cuộc sống.
Chúng ta không để tâm đến vấn đề đang gây tranh cãi nói lên điều gì, bản chất của vấn đề ấy là gì, vì chúng ta mải quan tâm đến góc nhìn và quan điểm của mình. Như thế, chúng ta có thật sự hiểu biết không? Đọc nhiều, học nhiều, hiểu biết nhiều mà để mình mắc kẹt lại với định kiến của chính mình có phải cũng đáng thương như việc thiếu hiểu biết?
Cái biết có thể che đi cái thấy. Đôi khi kiến thức “bỏ tù” người sở hữu và đẩy họ đến trạng thái nhỏ nhen, ích kỷ, hơn thua, mù quáng tin vào cái mình biết, không mở lòng với cái mới, vùi dập kẻ trái ý mình, không mở lòng với vẻ đẹp thực sự của cuộc đời. Do đó, họ bỏ lỡ những vẻ đẹp thường hằng của cuộc sống.
Hãy cẩn thận với sự hiểu biết của mình. Mọi sự trên đời này đều có tính hai mặt, ngay cả sự hiểu biết. Nếu hiểu biết nhiều, hoặc tự tin mình hiểu biết nhiều, mà bản thân cứ loay hoay với hơn thua, ganh ghét, khổ đau thì có nghĩa chúng ta hãy còn đang mắc kẹt với sự hiểu biết của mình.
ĐỪNG BIẾN SỰ HIỂU BIẾT THÀNH MỘT NỖI BI AI
Nếu cứ bám chấp lấy quan điểm vừa nêu, thì chẳng lẽ hiểu biết là một nỗi khổ? Hay, hiểu biết khiến chúng ta không nhìn rõ, không nhìn tường tận được mọi vấn đề? Thật ra không phải vậy. Hiểu biết không khiến chúng ta “mù” đi, là cái tôi mới tạo ra “điểm mù”. Hiểu biết giúp chúng ta nhìn đúng bản chất của một vấn đề; nhưng nhìn mọi việc diễn ra theo đúng cách mà nó đang là, không phán xét không làm biến dạng nó theo ý mình thực sự cần nhiều sự can đảm và thiện lương.
Vậy điều gì sẽ dẫn đường cho sự hiểu biết, để chúng ta không mắc kẹt trong việc đấu đá, hơn thua nhau…? Đó là sự cầu thị, hòa nhã, ham học, dám thừa nhận mình sai, mong mỏi được chia sẻ điều hay, học hỏi điều hay và thực hành văn hóa phản biện văn minh lịch sự. Nói ngắn gọn là chúng ta cần học cách nhìn vấn đề đa chiều hoặc đặt mình vào tâm thế người khác để điều chỉnh hành xử.
Tâm thế “tôi có thể sai” sẽ đưa chúng ta đi xa hơn. Niềm tin “tôi đúng” hoặc “tôi luôn đúng” sẽ nhanh chóng giam chúng ta vào đáy giếng. Ánh sáng của sự hiểu biết đến từ việc hạ thấp mình xuống. Người quan trọng thắng – thua, đúng – sai thường phải dừng lại để đấu tranh chứng tỏ bản thân mình. Còn người cầu thị thì cứ đi tiếp, vì con đường của họ thông thoáng.
Và chúng ta cũng đừng quên rằng, sự khác biệt của một người nằm ở văn hóa – thứ không do bằng cấp quyết định. Sự thật là một người có văn hóa dễ có thiện cảm, dễ được tôn trọng hơn một người có tri thức nhưng thiếu văn hóa. Khái niệm văn hóa rộng hơn tri thức rất nhiều. Chữ nghĩa không làm nên văn hóa; bởi một người lao động tay chân mà tử tế, hiền hòa, nghĩa khí thì vẫn là đại diện của văn hóa.
Văn hóa nằm trong sự tử tế, hòa nhã, nó có thể có ở bất cứ tầng lớp nào. Văn hóa hay sự tử tế không phụ thuộc vào bằng cấp hay số lượng sách đã đọc mà nó là sự lựa chọn của chúng ta. Phải can đảm mới có thể chọn sống lương thiện, tử tế được. Một người vừa hiểu biết, vừa lương thiện, tử tế là người có thể sẻ chia kiến thức, giúp những điều tốt đẹp lan tỏa rộng khắp. Đó chính là người biết biến sự hiểu biết thành hạnh phúc, chứ không để sự hiểu biết là một nỗi bi ai quẩn quanh giữa hơn – thua, đố kỵ.
NGUYỄN HẬU
Cùng tìm hiểu những kiến thức hay, có tính khai sáng trên app ANSpace bằng cách vào mục Tìm kiếm (Nhập từ khóa) => Khai sáng
Tải và trải nghiệm ngay app ANSpace:
– IOS: https://apple.co/3xoPaJN
– Android: https://bit.ly/3aPxRK8