Ấn tượng mà bà giáo Đàm Lê Đức để lại trong tim bao thế hệ học trò không chỉ là những bài dạy đạo đức nổi tiếng, hay sự cống hiện miệt mài vì niềm đam mê bất tận với nghề giáo, mà còn là ngọn lửa yêu thương nồng ấm lan tỏa từ trái tim bà.
“Đức năng sinh tài trí”
Chúng tôi gặp “cô Đức” lần đầu lúc bà đã bước vào tuổi 83. Ở độ tuổi mà nhiều người đã “mắt mờ chân yếu”, lúc nhớ lúc quên, thì bà vẫn đi lại thoăn thoắt, nói năng mạch lạc và truyền cảm. Và đặc biệt, khi đứng lớp, bà giáo già vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Bà thể hiện bài giảng không chỉ bằng lời, mà bằng cả ngôn ngữ cơ thể và cả tâm hồn, cả trái tim.
Với bà giáo Đàm Lê Đức, giáo dục học trò phải bắt đầu bằng việc dạy đạo đức, dạy làm người. “Đức năng sinh tài trí mà”, bà nói. “Vì luôn tâm niệm thế nên tôi và các chị, em trong gia đình đã nghiên cứu, soạn ra một giáo trình dành riêng cho học sinh trường Đức Trí: giáo trình môn “Đức dục”.
Đức Trí là hệ thống trường THCS – THPT ngoài công lập được bà giáo Đàm Lê Đức sáng lập từ năm 2010, thoạt đầu chỉ hơn 300 học sinh và bây giờ đã phát triển thành 2 cơ sở, một ở Quận 7 và một ở Phú Nhuận.
Mỗi sáng thứ 2, học sinh Đức Trí có một giờ học đặc biệt, là tiết Đức Dục. Và người đứng lớp không ai khác là bà giáo Đức.
Những bài giảng đạo đức của bà cũng chẳng hề xa lạ: vẫn là về cách ứng xử của học sinh ở nhà hay ở lớp, vẫn là dạy về sự hiếu thảo, về tình yêu thương trong cuộc sống… Nhưng cách bà thể hiện bài giảng vô cùng sống động, cuốn hút. Sự cuốn hút đến từ năng lượng tích cực của một người có niềm tin mạnh mẽ vào những gì mình đang nói, đang làm, đang bày tỏ và đang cho đi…
Từng có một clip ngắn ghi lại một phần tiết học đạo đức của bà giáo Đức được đưa lên mạng xã hội, thu hút gần ba triệu lượt xem.
Một giáo viên ở trường Đức Trí kể lại: “Sau những giờ dạy tâm huyết ấy, Cô Đức đã ngồi lặng hằng đêm để đọc từng dòng tâm tư của con trẻ, không bỏ sót một bài viết nào…”
Cô gái trẻ và giấc mơ đèn sách
Niềm đam mê với sách vở, học hành dường như đã nằm trong máu bà giáo Đức từ thuở nhỏ. “Đang học lớp 5 thì phải bỏ dở nửa chừng, tôi ra Hà Nội học nghề thợ may và về lại Quảng Yên (Quảng Ninh) mở tiệm may để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Mặc dù vậy, mình vẫn nung nấu giấc mơ đèn sách” – Bà giáo tâm sự.
Cái khó là bà đã bỏ học nhiều năm, không thể bắt đầu lại từ lớp nhỏ. “Mình nói với cậu em, lúc đấy đang học Đại học Y: em giúp chị nhé, chị muốn đi học lại nhưng lo nhất là môn Toán. Cậu ấy bảo nếu chị quyết tâm làm bằng được thì em sẽ dạy chị. Vậy là 6 tháng ròng rã tôi miệt mài học với cậu em đến hết chương trình Toán từ lớp 6 đến lớp 9”.
Và rồi, ở tuổi 23, cô đã có một quyết định táo bạo: đóng cửa tiệm may để bắt đầu lại con đường học vấn dở dang. Xin vào học lại từ lớp 10, bao gian nan mà cô phải đối mặt, nhất là việc thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu tiền…
“Hồi ấy, điều tôi bận tâm nhất không phải là việc thường xuyên phải nhịn đói đến mức nhiều lần ngất xỉu, mà là làm sao để có đủ tiền đi học tiếp”- Bà ngậm ngùi nhớ lại.
Món nợ ân tình
Cuộc đời luôn có những bất ngờ và có lẽ, những ai kiên định với ước mơ của mình sẽ được đền trả, bằng cách này hay cách khác.
Đúng lúc cô học sinh Đàm Lê Đức đang hoang mang thì thầy chủ nhiệm lớp khi đó bất ngờ gọi cô vào phòng và trao một bao thư: “Để em có thể tiếp tục theo học. Đừng trả nợ cho tôi, hãy trả cho các học trò nghèo”.
Nhắc đến thầy, gương mặt bà giáo sáng lên và giọng bà ươn ướt: “Đó là người Thầy có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời tôi. Sau này, cả khi đang học đại học, hay lúc đi dạy môn Toán ở Hải Phòng, rồi thành lập trường Đức Trí và chuyên dạy môn Đức Dục, tôi vẫn luôn canh cánh bên lòng lời dặn dò của Thầy tôi.
Món nợ ân tình đó tôi không thể nào trả nổi. Nhưng tôi nguyện trả cho học trò nghèo”.
Tâm nguyện đó bà đã thực hiện suốt những năm làm việc ở Đức Trí. Bà lo chi phí ăn học, cấp học bổng cho nhiều học trò có hoàn cảnh khó khăn…Trường của bà còn có hẳn một khu nội trú miễn phí cho học trò nghèo.
“Đây là mộ của một người hạnh phúc”
Bao thế hệ học trò đã đi qua, đã bay cao, bay xa từ những ngôi “trường cô Đức”, và hàng năm rất nhiều người trong số vẫn đều đặn về thăm Cô…
Bà giáo Đức hào hứng khoe với chúng tôi một chồng các cuốn sổ lưu niệm mà bà cẩn thận giữ gìn. Có cuốn, giấy đã ngả màu vàng nhưng từng trang sổ vẫn phẳng phiu. Ở đó, học trò của bà lưu lại những bài thơ nhỏ, những lời chúc dễ thương và những tấm hình chụp cô trò bên nhau…
Bà cười tươi, nói: “Học trò của tôi tình nghĩa lắm. Tôi là người hạnh phúc, có rất nhiều tình yêu… Nếu tôi chết, tôi muốn được ghi trên bia mộ của mình: “Đây là mộ của một người hạnh phúc”.
5 tháng trước, con người giàu yêu thương và hạnh phúc ấy đã được nghỉ ngơi trọn vẹn ở tuổi 91. Không còn được thấy bà giáo già với mái tóc bạc trắng, nhưng tỏa ra năng lượng dồi dào và tích cực như một cô gái ở độ tuổi đôi mươi, nhanh nhẹn rảo bước trong khuôn viên trường hay say sưa trên bục giảng…
Nhưng, bà sẽ mãi là nguồn cảm hứng lan tỏa hạnh phúc và yêu thương đến những người ở lại, nhất là đến những học trò của bà. Năm tháng trôi qua, những điều tốt lành nhỏ nhất từ thầy cô sẽ lưu dấu nơi con người học sinh. Và còn ơn phước nào hơn được dạy dỗ bởi một người Thầy hạnh phúc. Bởi, như Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới”.
KIỀU GIANG
Cùng tìm hiểu những kiến thức hay, có tính khai sáng trên app ANSpace bằng cách vào mục Tìm kiếm (Nhập từ khóa) => Khai sáng
Tải và trải nghiệm ngay app ANSpace:
– IOS: https://apple.co/3xoPaJN
– Android: https://bit.ly/3aPxRK8