“Thiền” không phải là một từ chỉ một pháp tu huyền bí đưa con người đến cõi giới khác trong tâm trí. “Thiền” cũng không phải là một từ mô tả dạng kỷ luật mà chỉ một số người mới có thể áp dụng được. “Thiền” chỉ đơn giản là một phương pháp tự rèn luyện mình để cải thiện tâm trạng và thái độ, sau đó trở về trạng thái tích cực hơn!
THỰC HÀNH THIỀN ĐỂ PHÁT TRIỂN SỰ TÍCH CỰC
Nếu định nghĩa “thiền” như trên, thì câu hỏi được đặt ra ở đây là “Chúng ta nên thực hành phương pháp này thế nào cho hợp lý?”
Các chuyên gia và người thực hành lâu năm đều đồng ý rằng phương pháp này được thực hiện bằng cách phát khởi một tâm thái nào đó nhiều lần, để tâm thái đó trở thành một thói quen. Dĩ nhiên, có tồn tại nhiều tâm thái và thái độ tích cực khác nhau; ví dụ là thư thái hơn, ít căng thẳng và lo lắng hơn; hoặc tập trung tinh thần nhiều hơn, trầm lặng hơn, không có sự lo âu và những suy nghĩ triền miên… Bên cạnh đó, thiền cũng có thể giúp ta phát triển khả năng thấu hiểu bản thân, cuộc sống; phát triển cách nhìn nhận và đánh giá người khác xuất phát từ lòng trắc ẩn.
Vì vậy, có thể nói rằng chúng ta có thể đạt được nhiều dạng tâm thái và hành vi tích cực khi thực hành thiền. Tuy nhiên, sự hiểu biết thiết thực về thiền là điều vô cùng quan trọng. Nếu ta cho rằng “chỉ cần hành thiền thôi là đủ để giải quyết tất cả các vấn đề của mình” thì đây là suy nghĩ không thực tế, nếu không muốn nói là có phần viển vông. Bởi lẽ, thiền là một công cụ, một phương pháp chứ không phải là giải pháp cho tất cả mọi vấn đề. Thế nên, trước hết, chúng ta cần phải tự trả lời chính mình xem, ta đang hướng tới mục tiêu nào và tại sao ta lại muốn đạt được những mục tiêu ấy?
Cụ thể một chút, chúng ta có thể tự hỏi mình xem, tại sao ta lại muốn tâm mình bình tĩnh và sáng suốt hơn? Lý do dễ thấy nhất là khi mất bình tĩnh, chúng ta cảm thấy bồn chồn và cảm giác ấy ngăn trở ta nhận diện được những điều tốt đẹp vốn vẫn tồn tại trong cuộc sống của mình. Tâm thức rối loạn cũng có thể có tác động xấu đến sức khỏe, đến hành vi ứng xử của chúng ta trong các mối quan hệ – từ gia đình, bạn bè đến công việc. Chỉ với ví dụ này, chúng ta có thể nhìn rõ mục đích của mình, chính là vượt qua được phần nào các vấn đề xuất phát từ chính cảm xúc không lành mạnh của bản thân.
Thế nên, chỉ khi nào chúng ta tìm hiểu đủ về thiền và nhận diện được mục đích của bản thân, thì việc hành thiền mới thật sự hiệu quả. Bởi chỉ khi đã có đủ kiến thức, đủ lý do, chúng ta mới biết mình cần thực hành để phát triển tâm thế nào cho bản thân.
THỰC HÀNH THIỀN BẰNG TÂM THỨC
Câu hỏi phổ biến nhất mà những người tìm hiểu về thiền là “chúng ta hành thiền như thế nào?”. Có nhiều phương pháp được sử dụng, tùy theo tâm thái mà chúng ta muốn phát triển; nhưng có một điểm chung cho tất cả các phương pháp là sự kiên trì thực hành. “Thực hành” nghĩa là lặp đi lặp lại mãi một loại bài tập. Nếu muốn rèn luyện thân thể, chúng ta cần phải thực hành một số động tác nào đó một cách đều đặn; tương tự như vậy, chúng ta thực hành thiền bằng tâm thức của mình.
Nói một cách dễ hiểu, thực hành thiền là chúng ta đang phát triển các tâm thái mới tích cực, thay thế cho những tâm thái tiêu cực bên trong mình. Và những tâm thái này sẽ có mặt và ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của chúng ta, chứ không phải chỉ trong những thời thiền.
Ví dụ, nếu chúng ta thực hành một tâm thái nào đó trong các thời thiền – chẳng hạn như một tâm thái bình tĩnh hơn, tập trung hơn, hoặc từ ái hơn – thì vấn đề không phải là chỉ phát khởi tâm thái đó trong khi ngồi thiền một cách yên lặng. Vấn đề chính là xây dựng tâm thái tích cực này một cách triệt để, khiến nó trở thành một thói quen mà chúng ta có thể áp dụng bất cứ khi nào cần dùng đến trong ngày. Cuối cùng, nó trở thành điều gì rất tự nhiên; luôn luôn có mặt; và chúng ta sẽ trở nên từ ái, hiểu biết, tập trung tinh thần và điềm tĩnh hơn.
Nếu tự thấy mình không có được tâm thái đó thì điều chúng ta cần làm là tự nhắc nhở mình hãy yêu thương nhiều hơn! Khi nhận ra mình mất bình tĩnh với một người nào đó, hãy chú ý và lập tức tự nhắc nhở bản thân rằng, “tôi không muốn phản ứng như thế!”. Đó là lúc chúng ta có thể đóng cảm xúc tức giận lại và thiết lập thái độ yêu thương đối với người đó.
Đừng để hành thiền chỉ là những lý thuyết suông. Nếu muốn thực hành phát triển lòng trắc ẩn, chúng ta cần phải tìm hiểu xem tại sao nên đối xử tử tế và yêu thương người khác? Chỉ khi nào nhận ra rằng, tất cả mọi người đều có sự liên hệ với nhau chúng ta mới có thể thực hành thiền phát triển tình thương được. Ta có thể bắt đầu phương pháp này bằng suy nghĩ: “Bạn là một con người giống như tôi. Bạn cũng có cảm xúc như tôi. Cũng giống như tôi, bạn muốn được yêu quý và không bị người khác thờ ơ hay ghét bỏ. Tất cả chúng ta cùng có mặt ở đây, trên hành tinh này và chúng ta nên hòa đồng với nhau!”. Cứ thế, biến suy nghĩ ấy thành thói quen của chính mình trước một người khác – cho dù là thân quen hay xa lạ, cho dù là người từng làm điều tích cực hay tiêu cực với mình – thì chúng ta mới có thể thực hành thành công phương pháp thiền phát triển tình thương được.
HOÀN CẢNH THUẬN LỢI CHO VIỆC HÀNH THIỀN
Chúng ta cần phải tôn trọng bản thân và những gì mình đang làm trong việc hành thiền; vì vậy nơi thiền gọn gàng và sạch sẽ là điều ta nên lưu tâm. Thật ra, ngay cả việc dọn dẹp, chuẩn bị nơi để thực hành thiền đã là một trong những phương pháp thực tập thiền rồi. Đó là cách để ta thực hành lối sống ngăn nắp, tự tôn trọng và thương yêu bản thân mình, hạn chế tối đa những cảm xúc tiêu cực của chính mình.
Môi trường yên tĩnh là điều quan trọng, đặc biệt đối với những người có ít kinh nghiệm hành thiền. Đối với nhiều người trong chúng ta, không dễ kiếm được một chỗ yên tĩnh, nhất là ở thành phố. Vì vậy, nhiều người thiền vào sáng sớm hay đêm khuya, khi tiếng ồn giảm bớt đi. Cuối cùng, khi đã tiến bộ hơn thì tiếng ồn không còn làm phiền ta nữa; và ta có thể hành thiền vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, miễn phù hợp với lịch làm việc và sinh hoạt của chúng ta.
Chúng ta cũng cần tìm ra tư thế nào là tốt nhất cho mình. Ví dụ, nếu chúng ta ngồi bắt chéo chân thì nên luôn luôn có một cái gối dưới bàn tọa. Chúng ta cần tìm cho mình loại gối và tư thế giúp cho chân ít tê nhất, tránh cảm giác đau đớn và khó chịu trong suốt thời thiền.
Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất mà chúng ta cần ghi nhớ, là tất cả mọi việc đều có sự thăng trầm. Có ngày, việc hành thiền của chúng ta sẽ diễn biến tốt đẹp; có ngày thì lại không được tốt. Có những ngày, chúng ta cảm thấy thích thú với việc hành thiền; có ngày thì lại không. Không bao giờ có trường hợp việc hành thiền của chúng ta sẽ ngày càng tiến triển tốt hơn và tốt hơn nữa. Sự tiến bộ không phải là con đường tuyến tính như thế; nó luôn luôn lên xuống. Chúng ta cứ tiếp tục hành thiền thôi. Hãy thiền mỗi ngày nhưng đừng gò ép bản thân vào một khoảng thời gian nhất định, như một mục đích nhất thiết phải đạt được. Hành thiền được vài phút mỗi lần cũng tốt thôi; hãy cho mình được nghỉ giải lao, rồi lại thiền một vài phút nữa. Điều quan trọng nhất là kiên trì.
Cùng thực hành các bài thiền trên app ANSpace bằng cách truy cập mục Thiền định
Tải và trải nghiệm ngay app ANSpace:
– IOS: https://apple.co/3xoPaJN
– Android: https://bit.ly/3aPxRK8
TRƯƠNG THANH THÙY