Quá trình phát triển của thai nhi là một trong những kiến thức quan trọng của thai giáo. Đây có thể xem là cơ sở để mẹ có thể cung cấp dưỡng chất cho cơ thể, cho tinh thần và cho cả tâm hồn của con.
Trước đây, nhiều người có quan niệm sai lầm rằng trẻ em chưa biết gì, thai nhi lại càng không biết gì; thế nên, việc trò chuyện khi con còn trong bụng là việc không được chú trọng, thậm chí bị đánh giá là bất hợp lý. Nhưng cùng với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là sự phát triển của các loại máy móc, thiết bị kiểm tra đặc biệt như máy siêu âm, máy đo nhịp tim thai nhi, lồng kính…, chúng ta có thể biết được thai nhi đã phát triển như một con người thực sự trong bụng mẹ. Các phản ứng biến đổi về nhịp tim, nhịp thở và quẫy đạp khi thai tiếp nhận những tác động kích thích, thậm chí cả những động tác của thai nhi, như uống nước ối, đi tiểu và ngậm ngón tay…, đều được các thiết bị hiện đại ngày nay quan sát và ghi nhận.
Từ những năm 1970, các chuyên gia đã dùng máy siêu âm để quan sát và phát hiện ra rằng khi tuần tuổi của thai nhi càng tăng thì sự phân hóa của não bộ cũng ngày càng hoàn chỉnh và dần dần có được những khả năng khiến mọi người phải ngạc nhiên. Cụ thể thai nhi phát triển theo từng tháng như sau:
Ở tháng thứ nhất, hệ thống thần kinh của thai nhi bắt đầu hình thành.
Ở tháng thứ hai, thai nhi bắt đầu xuất hiện lớp vỏ não, có xúc giác, biết cảm giác đau và có những vận động giống như bơi lội.
Đến tháng thứ ba, thai nhi đã là một con người hoàn chỉnh, có đầy đủ các bộ phận. Miệng thai nhi có thể chạm tới tay và cuống rốn, đã biết động tác mút tay từ tuần thứ 12. Vì khả năng bú đã được luyện tập từ trong bào thai nên ngay khi vừa sinh ra, bé đã có khả năng bú mẹ; thế nên người mẹ cho bé bú càng sớm càng tốt. Nhờ khả năng bú mút mà não bộ và các giác quan của bé được kích thích phát triển. Bú mút kích thích sự phát triển của cảm nhận trên da. Cảm giác này liên quan mật thiết đến sự phát triển trí não.
Tháng thứ tư, thai nhi có thể nghe những âm thanh bên ngoài tử cung. Giai đoạn này hệ thống vỏ não của thai nhi hình thành, hệ thống này chi phối sự phát triển của 5 giác quan. Sau khi sinh, để phát triển trí tuệ thì 5 giác quan cần khỏe mạnh, do đó cách sinh hoạt trong cuộc sống thường ngày của phụ nữ trong thời kỳ mang thai có vai trò rất quan trọng. Thời điểm này thai nhi cảm nhận được sự thoải mái hay nỗi buồn của người mẹ. Mẹ vui giúp bé thấy thoải mái, cử động nhẹ nhàng, ôn hòa; khi mẹ buồn bực, bé cũng phản ứng lại, có bé đá vào bụng mẹ, có bé khoa chân múa tay loạn xạ. Có người mẹ khi đang mang thai thì người thân qua đời, chị rất đau khổ và cũng cảm thấy rõ cử động của thai nhi không bình thường, nó cũng có vẻ rất mệt mỏi.
Thời gian từ tháng thứ tư này trở đi là khoảng thời gian quan trọng nhất cho sự phát triển trí nhớ của thai nhi. Khi người mẹ ở trạng thái tâm lý bất an, không vui hay lo sợ thì quá trình tiết hormone ở thai nhi bị ức chế, ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ của trẻ.
Ở tháng thứ năm, thai nhi đã có khả năng ghi nhớ. Bé sẽ cảm thấy an toàn nếu được nghe giọng nói của mẹ nhiều lần. Bé mút tay thành thục hơn, tiểu tiện được trong nước ối. Bé uống nước ối và thải ra qua ruột non. Thai nhi vận động mạnh, khiến người mẹ cảm thấy “thai máy” rõ ràng.
Tháng thứ sáu, thai nhi có khả năng ngửi được mùi của mẹ và ghi vào trong trí nhớ. Ở giai đoạn này, thai nhi cũng vận động mạnh hơn.
Tháng thứ bảy, não và các tế bào thần kinh phát triển gần giống người trưởng thành. Thị giác bắt đầu phát triển. Thai nhi đã có khả năng phát âm. Đặc biệt, giai đoạn này thai nhi đã phân biệt được những vị đắng, cay, chua, ngọt, mặn. Những gai vị giác giúp bé cảm nhận các vị này được hình thành từ tháng thứ 3 và được hoàn thiện dần cho đến khi ra đời, nhưng khi thai được 7 tháng tuổi thì chúng đã gần như hoàn chỉnh. Do đó trẻ sơ sinh có thể phân biệt được sự khác biệt giữa mùi vị của sữa mẹ với các thứ khác. Trẻ thích vị ngọt. Nếu em bé sinh non trong giai đoạn này vẫn có thể phát triển bình thường được. Các bác sĩ sẽ nuôi bé trong lồng kính tại bệnh viện cho đến khi bé có thể về với mẹ.
Đến tháng thứ tám, thai nhi có thể nghe và phân biệt được các loại âm thanh khác nhau, biết phân biệt giọng nói của mẹ và của bố, đồng thời có những phản ứng lại. Ví dụ, dưới sự kích thích của tiếng cãi nhau, nhịp tim của thai nhi có thể tăng nhanh, tỷ lệ máy động thai tăng, thậm chí thai nhi có thể đá chân vào bụng mẹ. Còn dưới những tác động của những âm thanh nhẹ nhàng, được truyền đến một cách êm dịu thì nhịp tim thai nhi sẽ dần dần trở lại trạng thái ban đầu, tỷ lệ đạp cũng giảm dần, thai nhi dễ dàng đi vào giấc ngủ một cách khoan thai. Bé cảm nhận được vị đắng, vị ngọt.
Sau 9 tháng, trẻ có thể được sinh ra khỏe mạnh. Thai nhi đã có đầy đủ các bộ phận của cơ thể với chức năng phức tạp và hoàn thiện: có thính giác, xúc giác, vị giác, thị giác, khứu giác tương đối mẫn cảm. Bé có thể thoát ly cuộc sống ở nơi bụng mẹ và ra đời với một sức sống mạnh mẽ.
George Ohsawa, nhà tiên phong của khoa học thực dưỡng, đã viết như sau: “Thể chất cơ bản của một người được hình thành trong vòng 6 năm đầu tiên. Đây là thời gian cốt yếu của con người, nhưng thời kỳ bào thai trong bụng mẹ còn quan trọng hơn gấp ngàn lần. Trong quãng thời gian 290 ngày trong bụng mẹ, từ một tế bào sơ khởi đầu tiên đã nhân lên gấp 3 triệu lần; trong khi trọng lượng của chúng ta chỉ tăng 12 lần từ khi sinh ra cho đến tuổi 20. Có thể thấy rõ sức khỏe và hạnh phúc của đứa trẻ tùy thuộc vào giai đoạn quan trọng có tính sống còn này…”.
Và vì giai đoạn trong bụng mẹ thật sự rất quan trọng cho việc phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cũng như cảm xúc của trẻ, nên hy vọng rằng, cha mẹ sẽ lưu tâm để tìm thấy những phương pháp thực hành phù hợp với tháng tuổi của con.
Cùng thực hành các bài tập dành cho “cha mẹ và trẻ em” trên app ANSpace bằng cách vào mục Tìm kiếm (Nhập từ khóa) => Cha mẹ và trẻ em
Tải và trải nghiệm ngay app ANSpace:
– IOS: https://apple.co/3xoPaJN
– Android: https://bit.ly/3aPxRK8