Với nhiều người, hễ nói đến thiền, chúng ta liền liên tưởng đến việc khoanh chân, ngồi yên một chỗ hàng giờ. Và điều này ít nhiều khiến ta ngần ngại.
Qua nhiều kết quả nghiên cứu cũng như thực tế đã chứng minh, thiền đem lại vô số lợi ích. Việc thực hành thiền có thể giúp cho cuộc sống của ta đi theo một hướng lành mạnh và hạnh phúc hơn. Nhưng đối với nhiều người, “ngồi thiền” là một vấn đề. Dù với những người khác, đó là cách lý tưởng để đưa tâm trí trở về với giây phút hiện tại.
Đừng bỏ cuộc với thiền nếu bạn thuộc nhóm ngại ngồi yên. Bởi vì có rất nhiều lối “vào thiền”. Ni sư Thích Nữ Trí Hải từng viết rằng: “Bạn có thể vào thiền từ bất cứ ngõ nào, vì toàn thể đời sống là một thiền định sâu xa: núi đồi, trăng sao, hoa lá, cây cỏ, toàn trái đất đều đang nhập định. Bất cứ sự vật gì cũng có thể trở thành ngõ vào thiền…”
Đôi khi quá chú trọng đến hình thức thực hành có thể làm bạn gồng cứng và gây phản tác dụng. Bởi lẽ, thiền đâu quan trọng ở hình thức. Thiền là một lối sống, là quay về “soi sáng” chính mình.
Thiền, là khi bạn chú tâm vào từng động tịnh trong đời sống. Mọi thứ đang thế nào ta thấy nó như vậy, không thêm bớt. Là khi ta ăn, ta biết mình đang ăn. Ta đi, ta biết mình đang đi. Làm việc gì, ta chú tâm trọn vẹn vào việc đó.
Vậy thì điều quan trọng là tâm thái của bạn thế nào, chứ không quan trọng bạn ngồi, hay đứng, hay đi, hay đang làm việc gì.
Nếu không thể ngồi khoanh chân, giữ lưng thẳng trong nửa hay một giờ đồng hồ, bạn có thể đi bộ. Hãy cảm nhận từng bước chân. Khi nhấc chân lên, bạn biết mình đang nhấc chân lên; đặt chân xuống mặt đường, bạn biết mình đang đặt chân xuống. Hãy đi thong thả, cảm nhận làn gió mát thổi mơn man trên da thịt bạn.
Hãy lắng nghe tiếng chim hót ríu rít, tiếng côn trùng kêu hoặc bất kỳ âm thanh gì lọt vào tai bạn lúc đó. Đặc biệt khi đi dạo trong công viên hoặc ở những nơi có nhiều cây xanh, bạn hãy ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên tươi mát xung quanh. Lúc đó, tâm trí bạn sẽ được thư giãn, thảnh thơi và tận hưởng giây phút hiện tại.
Thiên nhiên có năng lực chữa lành to lớn. Khi ta đi giữa những cây lá xanh tươi, tắm mình trong cảnh hoàng hôn hay ánh mặt trời buổi sớm, ta được thiên nhiên bao bọc, ôm ấp và xoa dịu. Có thể bạn không nhận ra, nhưng cơ thể bạn biết điều đó. Bởi lẽ, thân thể ta cũng là một phần của tự nhiên.
Kết nối với thiên nhiên không chỉ giúp bạn khỏe khoắn hơn cả về thể chất lẫn tinh thần mà đôi khi, còn giúp bạn nhận ra những chân lý bình dị mà sâu sắc trong cuộc sống.
Con người thường muốn mọi thứ xảy ra theo ý mình, nếu không được như ý thì ta sẽ bực dọc, khó chịu, đau khổ. Nhưng Tự nhiên có nhịp điệu riêng của mình. Tự nhiên không lệ thuộc vào ý đồ hay mong muốn của bất kỳ ai.
Người ta có thể ngắm nhìn một dòng suối chảy mà học được bài học về tính linh hoạt, mềm mại mà bền bỉ như nước…
Người ta cũng có thể nhìn ngắm một bông hoa nở, một nhành lá non xanh mà chiêm nghiệm về tâm thế nhẫn nại, an nhiên mà vững vàng, mặc cho dòng đời luôn vội vã.
“Em thương mến, không có gì phải vội
Lá vẫn xanh thanh thản hát trên cành
Và có lúc ta chỉ cần phải đợi
Bởi vội vàng đôi lúc hóa mong manh”
(Nguyễn Thiên Ngân)
Đôi khi trong cuộc sống, ta có quá nhiều điều để nghĩ, nhiều việc để lo; tâm trí ta bị nhiễu loạn, thiếu tập trung. Ta cần kết nối với sự tĩnh lặng bên trong mình để trở về trạng thái bình thường. Khi đó, nếu bạn thích âm nhạc, bạn có thể nghe những bản nhạc nhẹ nhàng, trong trẻo để đưa tâm trí mình trở về với thực tại. Nếu bạn thích hội họa, thì vẽ tranh cũng là một cách để thư thái tâm hồn. Nếu bạn thích nấu ăn, làm bánh, thêu thùa…thì bạn cũng có thể làm những việc ấy. Khi bạn thả hồn mình vào những việc đang làm, cũng là khi bạn gạt qua một bên những lo lắng suy tư, tạm ngắt kết nối với thế giới bên ngoài để kết nối lại với chính mình và bình tâm trở lại.
Với một số người, viết lách là cách để kết nối với bản thân một cách sâu sắc. Viết về những gì xảy ra trong cuộc sống của mình, về những cảm nhận của bản thân, về những điều ta đánh giá cao và biết ơn…Khi viết, ta được sống lại một lần nữa những cảm xúc tích cực và điều đó khiến ta hạnh phúc.
Với một số người khác, thì tập yoga cũng là một hình thức thiền định. Đặt sự chú ý vào những động tác của cơ thể và lắng nghe nhịp thở của mình. Điều này đem đến cho bạn sự thư giãn, khỏe khoắn cả thể chất lẫn tinh thần.
Đối với nhiều nghệ sỹ, sáng tạo nghệ thuật chính là quá trình thiền định. Nguyễn Gia Trí, họa sĩ lừng danh Việt Nam, tác giả của những bức tranh sơn mài lộng lẫy, xem vẽ tranh như đường vào Đạo:“Chính vì họa sĩ muốn biết và thấy cái tâm mình, nên mới tìm tòi làm việc. Vì không biết nên mới vẽ”.
Thiền vừa là sự khám phá, vừa là sự rèn luyện tâm thức. Thiền sư Ajahn Chah nói rằng: “Việc hành thiền của bạn nên bắt đầu ngay từ lúc bạn thức dậy vào buổi sáng. Và việc này phải tiếp tục cho đến khi bạn đi ngủ. Đừng quan tâm về việc bạn có thể ngồi bao lâu. Điều quan trọng chỉ là ở chỗ bạn giữ vững chánh niệm, dù bạn đang làm việc hay ngồi hay đi vào phòng tắm”.
Khi bạn làm được điều này, và duy trì nó trong một thời gian dài – giống như bạn chăm chỉ vun xới và tưới tắm cho khu vườn tâm của mình – sẽ đến một ngày những đóa hoa tâm bừng nở, giúp bạn cảm nhận cuộc sống sâu sắc và tinh tế hơn, cùng với niềm bình an không gì lay chuyển.
KIỀU GIANG
Cùng thực hành Thiền định trên app ANSpace bằng cách vào mục Tìm kiếm (Nhập từ khóa) => Thiền định
Tải và trải nghiệm ngay app ANSpace:
– IOS: https://apple.co/3xoPaJN
– Android: https://bit.ly/3aPxRK8