Bất kể bối cảnh cuộc sống của bạn như thế nào, cách suy nghĩ của bạn sẽ tác động trực tiếp đến kết quả hành động của bạn. Tiêu cực là điều không thể tránh khỏi hoàn toàn trong cuộc sống, nên chúng ta cần học cách làm thế nào để vượt qua những khoảng thời gian suy nghĩ tiêu cực. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu 20 cách thoát khỏi suy nghĩ tiêu cực để thu hút nhiều điều tốt đẹp hơn đến với mình.
Suy nghĩ tiêu cực là gì?
Suy nghĩ tiêu cực là những nhận thức về bản thân, người khác hoặc thế giới nói chung xuất phát từ nhận thức, kỳ vọng và quy kết phiến diện, theo chiều hướng xấu. Điều này gây ra những cảm xúc khó chịu, tâm trạng buồn bã, thiếu động lực học tập và làm việc. Chìm đắm trong sự tiêu cực quá lâu sẽ khiến bạn gặp nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần.
20 cách thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực
1. Viết nhật ký
Lòng biết ơn có thể truyền cảm hứng, khơi dậy những suy nghĩ tích cực bằng cách giúp bạn tập trung vào những khía cạnh tốt đẹp của bất kỳ sự kiện nào. Ghi lại ít nhất 3 điều bạn biết ơn mỗi ngày. Sẽ không mất nhiều thời gian trước khi bạn nhận ra mình đã ghi lại hết trang này đến trang khác. Bất cứ khi nào bạn lật xem cuốn nhật ký lòng biết ơn của mình, bạn sẽ thấy cuộc sống tích cực và hạnh phúc như thế nào.
2. Thành thật với cảm xúc của bạn
Suy nghĩ tích cực không có nghĩa là buộc bản thân phải cảm thấy hạnh phúc ở mọi lúc mọi nơi. Thay vì kìm nén những cảm xúc tiêu cực, bạn có thể bộc lộ. Cho dù là khóc, nói chuyện với bạn bè, gia đình hay đơn giản là viết xuống, chỉ cần bạn nhận diện và chấp nhận những suy nghĩ cảm xúc này của mình.
3. Hít thở sâu và thiền ngắn với AN Space
Thả lỏng toàn thân và hít thở sâu trong 5 phút sẽ giúp bạn lắng dịu được chiếc radio phát thanh đang vang trong đầu. Mỗi lúc bạn quá căng thẳng hoặc có xu hướng nghĩ mọi việc theo chiều hướng đi xuống hãy gác hết tất cả sang một bên và nghe một bài hướng dẫn thiền ngắn để tâm trí sáng rõ hơn.
Bạn hãy thử nghe các bài thiền nhẹ nhàng và vô cùng thư giãn trong Ứng dụng AN Space. Không chỉ giúp quân bình cảm xúc, AN Space sẽ tạo cho bạn một không gian an đích thực ngay khi vừa mở ứng dụng. Bạn có thể tải ứng dụng về điện thoại bằng cách nhấn vào đường link bên dưới
Download Ứng dụng tại đây: https://anspace.app.link/app
4. Ở cạnh những người tích cực
Năng lượng tích cực cũng có khả năng truyền từ người này sang người khác, vì vậy mỗi khi thấy đầu mình đầy ắp những suy nghĩ tiêu cực hãy tìm đến một người có thể cho bạn cảm nhận được niềm vui, sự ấm áp và động lực.
5. Tránh mọi hoạt động mà bạn không thích
Khi đang có tâm trạng không ổn, bạn hãy cho mình được yên tĩnh hoặc làm những gì bạn thích. Khi phải làm những việc bạn không thích chỉ vì thói quen hoặc nghĩa vụ sẽ khiến tâm trạng của bạn thêm tồi tệ.
6. Tìm sở thích mới
Làm điều bạn thích chẳng hạn như làm đồ thủ công, chơi thể thao, hoặc ra ngoài vẽ tranh, đi dạo phố.
7. Giữ một tư thế tốt
Tư thế có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn, vì vậy, giữ thẳng lưng và ngẩng cao đầu trong khi làm việc có thể giúp bạn cảm thấy mạnh mẽ và tích cực hơn.
8. Tránh can dự quá nhiều vào cuộc sống của người khác
Lo lắng quá nhiều về vấn đề của người khác có thể khiến bạn kiệt sức và tạo ra thêm nhiều suy nghĩ tiêu cực. Hãy thả lỏng, ra ngoài tận hưởng thiên nhiên sẽ tốt hơn cho bạn.
9. Sống trong hiện tại
Đắm chìm trong những sai lầm trong quá khứ hoặc lo lắng về sự kiện trong tương lai có thể ảnh hưởng đến sự tích cực hiện tại của bạn. Tận hưởng giây phút hiện tại, nhận diện những điều kiện hạnh phúc đang sẵn có sẽ giúp bạn vượt qua được những suy nghĩ tiêu cực.
10. Tha thứ cho bản thân khi mắc sai lầm
Tập thói quen ghi nhận khi mắc phải lỗi sai và quyết tâm làm tốt hơn vào lần sau hoặc cải thiện bằng cách học hỏi thêm. Những điều này sẽ rèn luyện cho bạn thói quen suy nghĩ tích cực. Trong suốt hành trình sống và làm việc, cái gọi là “thất bại” không gì khác chính là những thử nghiệm và sai sót giúp bạn tích lũy kinh nghiệm.
Học cách chấp nhận những thất bại như một phần bình thường của cuộc sống. Không cần thiết phải giả vờ rằng bạn “vui mừng” khi thất bại. Nhưng bạn cũng không cần phải khiến bản thân khủng hoảng vì điều đó.
11. Tập trung vào một nhiệm vụ tại một thời điểm
Làm việc trên nhiều dự án hoặc nhiều đầu việc cùng một lúc thoạt trông rất hấp dẫn, nhưng có thể sẽ không hiệu quả bằng cách thực hiện từng dự án một. Hãy sắp xếp thời gian và tập trung hoàn thành từng việc. Bạn có thể áp dụng theo phương pháp quản lý thời gian Pomodoro, nghỉ ngơi mỗi 5p sau khi tập trung làm việc 25 phút.
12. Không phàn nàn quá nhiều
Nói những lời phàn nàn quá nhiều sẽ dần thành thói quen suy nghĩ mọi thứ tiêu cực, luôn nhìn thấy khuyết điểm trong tất cả mọi việc. Hãy tập suy xét mọi thứ với lăng kính tích cực và hạn chế nói lời phàn nàn.
13. Tập thể dục
Tập thể dục tác động tích cực đến tâm trạng của bạn và giúp bạn tránh xa những suy nghĩ tiêu cực. Vì trong quá trình tập luyện cơ thể sẽ tăng sản xuất hormone hạnh phúc như endorphin, dopamine và serotonin khiến tâm trạng trở nên vui vẻ thoải mái hơn.
14. Học cách nói không
Ngoại trừ những nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của bạn trong công việc, thì bạn có thể từ chối những yêu cầu khác từ bạn bè, đồng nghiệp. Khi không dám từ chối mà nhận quá nhiều việc sẽ khiến bạn quá tải và tâm trạng tồi tệ hơn.
15. Đối mặt với nỗi sợ hãi của bạn
Nhiều suy nghĩ tiêu cực được tạo ra bởi nỗi sợ hãi về những điều chưa biết, vì vậy việc đối mặt với nỗi sợ hãi có thể giúp bạn thấy rằng mình đủ mạnh mẽ để vượt qua chúng. Vậy phải đối mặt với nỗi sợ như thế nào? Mời bạn tìm hiểu chi tiết tại bài viết Đối diện và vượt qua nỗi sợ hãi.
16. Nghỉ ngơi đầy đủ
Bạn có thể đạt được mục tiêu của mình. Nhưng chỉ khi bạn có đủ năng lượng!Hãy lập lịch trình cân bằng giữa công việc và cuộc sống khi bạn thấy mình quá hối hả. Cơ thể và tinh thần kiệt sức không chỉ làm giảm chất lượng công việc mà còn khiến tâm trạng bạn không tốt. Nên đôi khi, điều bạn cần là cho phép mình nghỉ ngơi mà không cần làm gì cả.
17. Sắp xếp không gian làm việc
Việc sắp xếp mọi thứ có thể giúp bạn tránh cảm giác choáng ngợp và cải thiện hiệu suất làm việc của bạn.
18. Tách biệt cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của bạn
Để trở nên tích cực và hiệu quả trong công việc, bạn cần được nghỉ ngơi đầy đủ và nạp đầy năng lượng khi ở nhà, vì vậy hãy chú ý giữ cân bằng lành mạnh giữa công việc và cuộc sống. Hoàn thành công việc trước khi rời khỏi văn phòng, thư giãn hoặc học một điều mới khi ở nhà sẽ khiến bạn có thêm động lực và cuộc sống trở nên đa màu hơn.
19. Dành ít thời gian nhất có thể trên mạng xã hội
Dành thời gian trên mạng xã hội có thể khiến bạn gặp phải sự tiêu cực khi so sánh mình với cuộc sống của người khác, điều này khiến bạn khó giữ thái độ tích cực. Trừ khi việc cập nhật tất cả các sự kiện hiện tại là một phần công việc của bạn, liên tục xem tin tức có thể ảnh hưởng đến sự tích cực của bạn. Các bản tin có xu hướng đưa tin tiêu cực vì các tin xấu có xu hướng thu hút sự chú ý của khán giả nhiều hơn.
20. Tránh đoán xem người khác đang nghĩ gì
Việc đưa ra các giả định về suy nghĩ của người khác có thể gây ra sự hiểu lầm, vì vậy chia sẻ thẳng thắn hoặc yêu cầu người khác làm rõ sẽ có nhiều khả năng giúp bạn có tâm trạng tích cực hơn.
Tổng kết
Nhìn nhận mọi thứ theo chiều hướng tích cực là điều bạn hoàn toàn có thể rèn luyện để đạt được bằng cách áp dụng một trong số các phương pháp trên. Trong trường hợp bạn đã thử hết các cách này mà vẫn luôn có chiều hướng suy nghĩ tiêu cực và không thấy có hứng thú với bất kỳ điều gì xung quanh, thì dường như bạn đang có dấu hiệu mắc chứng trầm cảm. Bạn có thể thực hiện bài Test Trầm Cảm để nhận biết mức độ hiện tại của bản thân và tìm ra cách điều trị phù hợp.
HUYỀN TRANG