Sợ hãi là một trong những bản năng cơ bản của con người, là thứ cảm xúc mạnh mẽ và bén nhạy, giúp chúng ta phòng vệ, tránh xa những tình huống nguy hiểm. Nhưng phần lớn các nỗi sợ đến từ những nguy cơ không có thật mà chủ yếu là do tâm trí ta tô vẽ, tưởng tượng ra. Học cách đối diện và vượt qua sợ hãi là điều cần thiết để được tự do, hạnh phúc hơn trong cuộc sống.
Nỗi sợ hãi tác động đến chúng ta như thế nào?
Nỗi sợ hãi khiến chúng ta mất tập trung, và thường tự bào chữa cho chính mình. Đôi lúc, ta hay giả vờ là nỗi sợ hãi không ảnh hưởng đến bản thân, ta viện lý do cho những gì mình muốn làm nhưng không dám làm. Và rồi, ta để cho cơ hội trôi tuột qua. Một câu nói ấm áp ta muốn dành cho người thương nhưng không đủ dũng khí cất lời, một mục tiêu ta khao khát đạt được nhưng quá sợ hãi để hành động, một kỹ năng mới ta rất muốn học nhưng không dám thử…Những nỗi sợ kéo ta lại, ngăn cản ta tiến lên, khiến ta cứ mãi luẩn quẩn trong vùng an toàn nhàm chán.
Thay vì trốn tránh, ta học cách coi nỗi sợ hãi như một dấu hiệu để hành động, một cơ hội để bạn vượt lên chính mình, phát triển tư duy tích cực và trở nên mạnh mẽ.
Đôi khi ta trách móc bản thân vì đã cảm thấy sợ. Nhưng hãy nhớ rằng, trong nhiều trường hợp, sợ hãi là một phản ứng bình thường của con người.
Sợ hãi về mặt thể chất đôi khi rất cần thiết để giữ cho chúng ta được an toàn. Nhưng điều đáng nói là sự sợ hãi về tâm lý. Những nỗi sợ dựa trên ảo tưởng hoặc sự phóng đại của tâm trí chúng ta về một số nguy cơ nào đó không có thực.
Những nỗi sợ này ảnh hưởng nhiều hơn đến sự phát triển bản thân của mỗi người, đến cuộc sống của chúng ta. Chẳng hạn như nỗi sợ bất trắc – sợ những điều bất ngờ không mong đợi. Chúng ta thường có nhu cầu mạnh mẽ phải biết điều gì xảy ra tiếp theo, ta muốn sự chắc chắn. Nỗi sợ hãi về điều không chắc chắn ngăn cản ta thoát ra khỏi vùng an toàn của mình.
Một nỗi sợ phổ biến không kém là sợ bị phán xét. Rất nhiều khi, chúng ta vì lý do này mà không dám bộc lộ bản thân, đè nén những tình cảm, cảm xúc của mình. Hậu quả là các cảm xúc tiêu cực tích tụ lâu ngày, gây ra những chứng bệnh cho thân, và cho tâm.
Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn từng viết: “Tiếng nói thầm kín của một người nhiều khi suốt cuộc đời không thể nào bày tỏ. Có khi bày tỏ được thì cũng chỉ là những tiếng nói dở dang. Có người giấu bặt…” . Nỗi sợ phán xét, sợ không được chấp nhận, sợ tổn thương, sợ thất bại… và nhiều nỗi sợ khác khiến nhiều khi ta “giấu bặt” tiếng lòng mình, giấu biệt con người mình, hoặc suốt đời chỉ “nói theo” người khác.
Việc tránh những tình huống gây sợ hãi khiến bạn cảm thấy dễ chịu ngay tại thời điểm đó, nhưng nó có thể làm gia tăng sự lo lắng, sợ hãi về lâu dài. Vì khi làm vậy, bạn đang bạn tạo ra một thông điệp cho não bộ rằng, bạn không thể xử lý chúng.
Ngược lại, nếu chúng ta chọn cách đối mặt với nỗi sợ, bằng cách tiếp cận dần dần, ta đang giúp não bộ của mình làm quen với sự sợ hãi. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, bộ não phải trải qua nhiều lần tiếp xúc với nỗi sợ hãi để vượt qua nó.
Những cách để vượt qua nỗi sợ hãi
Xác định nỗi sợ xuất phát từ đâu
Để vượt qua sợ hãi, trước hết bạn phải xác định nỗi sợ của bạn là gì? Ngồi yên lặng trong vài phút và quan sát những suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác cơ thể của bạn. Viết ra những gì bạn nghĩ sắp xảy ra, càng cụ thể càng tốt. Hãy nhớ rằng, cảm xúc xuất hiện để báo hiệu cho ta điều gì đó. Khi bạn cảm thấy sợ hãi, cảm xúc đó muốn nói với bạn điều gì? Hãy lắng nghe nó. Xem nỗi sợ như một phần thông tin thay vì mối đe dọa. Có thể nó muốn cho bạn biết những điều sâu xa hơn, chẳng hạn như là một nỗi sợ từ tiềm thức, một tổn thương chưa được chữa lành.
Bạn cũng có thể tự đặt ra một số câu hỏi cho mình, chẳng hạn như: Nếu làm việc này, tôi có thực sự gặp rủi ro? Việc này dẫn tôi đến với cái gì? Nếu điều tồi tệ nhất xảy ra, nó sẽ là gì? …
Thực hành thiền chánh niệm
Bạn cũng có thể thực hành thiền chánh niệm hàng ngày hoặc tập quan sát hơi thở. Khi tâm trí tĩnh lặng, bạn sẽ thấy vững vàng hơn để đối mặt với nỗi sợ của mình. Chánh niệm giúp bạn tập trung vào hiện tại và không bị ám ảnh bởi quá khứ, tương lai hay những điều mà bạn không thể kiểm soát. Chánh niệm cũng có thể cải thiện sự tập trung của bạn và tạo ra cảm giác hạnh phúc và chấp nhận sâu sắc hơn.
Đặt ra và vượt qua thử thách
Hãy thử thách bản thân. Một khi bạn thấy mình có thể vượt qua nấc đầu tiên trên “chiếc thang sợ hãi”, hãy thúc đẩy bản thân chuyển sang nấc tiếp theo để tiếp tục tiến bộ.
Thông thường, quá trình vượt qua nỗi sợ sẽ diễn ra dễ dàng hơn khi bạn có đủ động lực. Và động lực ở đây chính là những mục tiêu cụ thể, hấp dẫn mà bạn luôn muốn đạt được, nó khiến cuộc sống của bạn thay đổi: Tự do hơn, mạnh mẽ hơn, hạnh phúc hơn. Động lực đủ lớn thì nỗi sợ sẽ bị đè bẹp hoặc lu mờ, lúc đó bạn sẽ có đủ nghị lực lẫn cảm hứng để hành động.
Bản năng của con người là né tránh nỗi đau, kiếm tìm hạnh phúc. Nhưng đau khổ là người thầy tốt nhất của chúng ta. Những trải nghiệm khó khăn cũng là cơ hội để trưởng thành.
Nếu bạn khao khát làm điều gì đó nhưng sợ thất bại, hãy nhớ rằng tất cả mọi người trên hành tinh – kể cả những người bạn biết và ngưỡng mộ – đều gặp thất bại trên con đường vươn tới ước mơ của họ.
Nhà khoa học Thomas Edison đã thất bại hơn 10.000 lần để phát minh ra bóng đèn, nhưng ông không bao giờ gọi đó là thất bại mà xem đó chính là những cơ hội để học hỏi. Ngôi sao phim “biệt đội báo thù’, Mark Ruffalo, thử vai thất bại 600 lần trước khi dành được vai diễn đem lại cho ông sự đổi đời.
Cách bạn phản ứng với nỗi sợ hãi chính là điều khiến bạn trở nên khác biệt, và đặc biệt. Hãy vượt qua rào cản của chính bạn, giải phóng sức mạnh bên trong để sống cuộc đời như bạn mơ ước.
KIỀU GIANG
Cùng tìm hiểu những kiến thức hay, có tính khai sáng trên app ANSpace bằng cách vào mục Tìm kiếm (Nhập từ khóa) => Khai sáng
Tải và trải nghiệm ngay app ANSpace:
– IOS: https://apple.co/3xoPaJN
– Android: https://bit.ly/3aPxRK8