Vì sao con người cần ngủ? Tác hại của việc không ngủ đủ giấc? Điều gì xảy ra trong khi ngủ?…là những thắc mắc sẽ được giải đáp trong bài viết, nhằm giúp bạn hiểu hơn về giấc ngủ.
1. Các giai đoạn của giấc ngủ
Trong vòng một phút sau khi chìm vào giấc ngủ, những thay đổi đáng chú ý bắt đầu ảnh hưởng đến cả não và cơ thể. Nhiệt độ cơ thể giảm xuống, hoạt động của não giảm xuống, nhịp tim và nhịp thở cũng chậm lại. Điều này không có gì lạ vì khi chúng ta ngủ, mức tiêu hao năng lượng của cơ thể thấp hơn.
Trước đây, chúng ta tin rằng không có hoạt động thể chất và tinh thần trong khi ngủ. Nhưng ngày nay, các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, cơ thể và bộ não của chúng ta hoạt động cả trong khi ta ngủ.
Trong một đêm, chúng ta trải qua nhiều chu kỳ giấc ngủ và các giai đoạn ngủ khác nhau. Những giai đoạn ngủ này là nền tảng cho cách thức hoạt động của giấc ngủ.
Có bốn giai đoạn của giấc ngủ được chia thành hai loại. Ba giai đoạn đầu tiên thuộc loại giấc ngủ Non- REM (chuyển động mắt không nhanh). Giai đoạn thứ tư là giấc ngủ REM – chuyển động mắt nhanh .
Giai đoạn một là lúc bạn vừa chợp mắt. Tiếp đến giai đoạn hai, não và cơ thể sẽ hoạt động chậm hơn. Đây là những giai đoạn mà chúng ta rất dễ bị đánh thức. Giai đoạn ba là phần sâu nhất của giấc ngủ Non- REM kéo dài 20 đến 40 phút. Trong giai đoạn này, cơ thể của bạn thư giãn nhiều hơn. Các nghiên cứu cho thấy sóng não lúc này hoạt động chậm lại, khác biệt rõ rệt với hoạt động của não khi thức. Cũng trong giai đoạn này, cơ thể sẽ sửa chữa và phục hồi các mô, xây dựng xương và cơ bắp, và tăng cường hệ thống miễn dịch.
Giai đoạn bốn là giai đoạn của giấc ngủ REM. Trong thời gian này, hoạt động của não tăng lên đáng kể. Đây là giai đoạn thường diễn ra những giấc mơ mãnh liệt nhất. Nhịp tim và nhịp thở của bạn cũng nhanh hơn.
REM là viết tắt của Rapid Eye Movement có nghĩa là giấc ngủ chuyển động nhanh của mắt. Lúc này, mắt của các bạn đã nhắm nhưng vẫn chuyển động rất nhanh, não tạo ra các hình ảnh kì lạ hay còn gọi là giấc mơ và hoạt động mạnh. Theo như một số nghiên cứu, trong giấc ngủ REM thì hơi thở của chúng ta vẫn chậm rãi nhưng tim thì đập rất nhanh đồng thời huyết áp cũng tăng cao.
Giấc ngủ REM nằm xen giữa các giai đoạn của chu trình non-REM, thường xuất hiện sau khoảng 70 – 90 phút sau khi chúng ta bắt đầu nhắm mắt và bước vào giai đoạn 1 của chu trình giấc ngủ. Lúc này, sóng não dần có sự thay đổi từ Delta sang Alpha, toàn bộ các giác quan và cơ bắp đều bị tê liệt hoàn toàn, nhịp tim và hơi thở tăng nhanh đột ngột.
Giấc ngủ REM và non-REM có sự khác nhau rất rõ ràng, tuy nhiên chúng lại bổ trợ, tương tác lẫn nhau và giúp chúng ta có một giấc ngủ hoàn thiện. Cả hai đều đóng vai trò lớn trong việc bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của con người.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn đưa ra được con số cụ thể nhưng ước tính trung bình thì REM chiếm tới khoảng 41% thời gian giấc ngủ và chiếm phần lớn trong chu kỳ giấc ngủ của con người. Giấc ngủ REM đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường trí nhớ, phát triển khả năng ngôn ngữ, đồng thời có tác dụng to lớn với việc giải tỏa tâm lý của con người, khi mắt chuyển động nhanh và xuất hiện những hình ảnh xảy ra trong ngày thì những thông tin dư thừa sẽ bị loại bỏ. Lúc đó, tâm trí bạn sẽ hoàn toàn có thể loại bỏ những điều tiêu cực và cảm thấy tinh thần thoải mái, vui vẻ, lạc quan hơn.
2. Cơ chế điều chỉnh giấc ngủ của cơ thể
Cơ thể chúng ta điều chỉnh giấc ngủ bằng hai cơ chế chủ yếu: Cơ chế cân bằng nội môi nghĩa là cân bằng giữa thời gian ngủ và thời gian thức; và cơ chế cảnh báo sinh học.
2.1 Cơ chế cân bằng nội môi
Khi bạn thức càng nhiều, bạn càng cảm thấy cần ngủ hơn. Cũng chính cơ chế này khiến bạn ngủ lâu hơn hoặc sâu hơn sau một thời gian ngủ không đủ giấc.
2.2 Cơ chế cảnh báo sinh học
Là một phần của đồng hồ sinh học của cơ thể, nhịp sinh học kéo dài khoảng 24 giờ và đóng vai trò trung tâm trong nhiều quá trình sinh học, bao gồm cả giấc ngủ. Tiếp xúc với ánh sáng có ảnh hưởng lớn nhất đến nhịp sinh học, khuyến khích sự tỉnh táo vào ban ngày và buồn ngủ vào ban đêm.
Ngoài ra, một loạt các yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến cân bằng nội môi và hệ thống cảnh báo sinh học. Ví dụ, căng thẳng hoặc đói có thể làm gián đoạn quá trình điều hòa giấc ngủ bình thường của bạn. Sử dụng đồ uống có caffein hoặc tiếp xúc với ánh sáng từ các thiết bị điện tử cũng là những cách làm thay đổi cơ chế quản lý giấc ngủ của cơ thể.
Hầu hết với người trưởng thành, việc ngủ ít nhất bảy giờ mỗi đêm là cần thiết cho các chức năng nhận thức và hành vi phù hợp. Ngủ không đủ giấc có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiếu ngủ khiến con người dễ bị mất tập trung, giảm nhận thức, phản ứng chậm và thay đổi tâm trạng.
Ngoài ra, thiếu ngủ có liên quan đến nguy cơ mắc một số bệnh, bao gồm béo phì, tiểu đường týp 2, huyết áp cao, bệnh tim, đột quỵ, sức khỏe tâm thần kém và chết sớm.
Theo các nhà khoa học, giấc ngủ quan trọng vì hai lý do chính: Nó giúp chúng ta sửa chữa và phục hồi các hệ thống cơ quan bao gồm cơ bắp, hệ thống miễn dịch và nhiều loại hormone khác. Và nó đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì trí nhớ.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng ngủ đủ giấc sẽ giúp hệ thống miễn dịch của chúng ta hoạt động tốt nhất. Bằng việc nghiên cứu cách cơ thể chúng ta phản ứng với vắc-xin sau một đêm nghỉ ngơi trọn vẹn và sau một đêm hoàn toàn không ngủ. Họ phát hiện ra rằng ngủ đủ giấc vào đêm sau khi tiêm vắc-xin sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn.
Vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết về những lợi ích tiềm ẩn của giấc ngủ, nhưng có một điều chắc chắn là: chúng ta không thể tồn tại nếu thiếu giấc ngủ. Và chúng ta càng tiến gần đến thời gian ngủ tối ưu – 8 tiếng đối với người lớn và nhiều hơn đối với trẻ em và thanh thiếu niên – thì chúng ta càng có thể khỏe mạnh hơn.
KIỀU GIANG
Cùng thực hành nội dung để có giấc ngủ chất lượng trên app AN Space với Trang Giấc ngủ
Tải và trải nghiệm ngay app AN Space:
– IOS: https://apple.co/3xoPaJN
– Android: https://bit.ly/3aPxRK8