Tết là thời điểm có rất nhiều món ăn ngon, nhưng kèm theo đó cũng dễ tiềm ẩn các vấn đề cho sức khỏe. Những vấn đề liên quan đến sức khỏe này thường bắt nguồn bởi một vài sai lầm của chúng ta trong chế độ dinh dưỡng những ngày đầu năm này. Vậy, những sai lầm đó là gì và hướng khắc phục thế nào để có chế độ dinh dưỡng cân bằng vào dịp lễ Tết?

Sai lầm đầu tiên là chúng ta thường phạm vào việc mất cân bằng dinh dưỡng trong các bữa ăn.

Ngày Tết, các gia đình thường “tích trữ” thực phẩm nhiều calo như bánh chưng, bánh tét, thịt kho tàu, thịt nấu đông, giò chả, bánh kẹo ngọt, nước ngọt các loại… Trong khi đó, rau xanh, trái cây – những thực phẩm tự nhiên được khuyến nghị nên ăn nhiều trong mỗi bữa ăn – lại không được chú trọng cho lắm.

Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, việc ăn quá nhiều bánh chưng, thịt bò/ heo, thức ăn nhiều dầu mỡ, bánh kẹo ngọt cùng các món ngon ngày Tết… nhưng lại thiếu rau xanh, trái cây sẽ dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng. Khi hấp thu quá nhiều những loại thức ăn trên, cơ thể tích tụ nhiều tinh bột, chất đạm, chất béo, dẫn đến hậu quả dễ tăng cân và không tốt cho nhiều bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh thận… 

Theo đó, giải pháp là chúng ta không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm, đặc biệt những thực phẩm giàu chất béo, chất bột đường. Thay vào đó, tăng cường thêm rau xanh và trái cây – nguồn cung cấp vitamin và chất xơ – trong mỗi bữa ăn. Nên đảm bảo cân bằng 4 nhóm chất là chất đạm, chất bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất trong các bữa ăn hàng ngày, nên ăn cá nhiều hơn ăn thịt.

Hạn chế nấu, ăn các thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ. Thay vào đó, nên ăn luộc, hấp hoặc các món salad. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên tránh uống quá nhiều nước ngọt, rượu bia; tăng cường uống nước ép trái cây tươi ít ngọt và nước lọc để cơ thể được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

Đừng ăn quá nhiều trong mỗi bữa ăn; và đừng ăn liên tục một món – như bánh chưng, thịt kho tàu… Hãy lưu ý đổi món liên tục, vừa tránh dư thừa chất vừa giúp chúng ta ngon miệng hơn.

Sai lầm thứ hai là bỏ bữa, ăn dồn bữa.

Tết là giai đoạn mọi người nghỉ ngơi thoải mái, do đó một số quy tắc ăn uống thường ngày cũng dễ bị phá vỡ. Trong đó, việc bỏ bữa, ăn dồn bữa là tình trạng thường gặp. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra cảnh báo rằng, điều này hoàn toàn không nên vì nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Bỏ bữa có thể dẫn đến đau dạ dày, giảm lượng đường trong máu, ảnh hưởng quá trình trao đổi chất…; còn ăn dồn bữa làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa, khó tiêu, tăng cân nhanh.

Giải pháp tối ưu cho vấn đề này là trong các bữa ăn chỉ nên ăn vừa đủ, không nên cố gắng ăn quá nhiều, quá no, dễ gây quá tải cho hệ tiêu hóa. Và như trên đã lưu ý, thực đơn ngày Tết nên đảm bảo đủ dưỡng chất, có nhiều rau xanh, củ quả cung cấp chất xơ cho cơ thể.

Sai lầm thứ ba, tích trữ quá nhiều thức ăn, món ăn dinh dưỡng ngày Tết.

Thói quen tích trữ thực phẩm nhiều vào ngày Tết là do cuộc sống trước đây còn thiếu thốn, vất vả nên Tết là dịp để “bù” cho một năm lao động vất vả. Ngoài ra, việc chuẩn bị dư dả các món ăn dinh dưỡng ngày Tết còn mang ý nghĩa cầu mong cho một năm mới sung túc, đủ đầy.

Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại ngày nay, việc tích trữ nhiều thực phẩm ngày Tết được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo là không nên. Vì việc tích trữ và bảo quản thực phẩm không đúng cách có thể khiến thức ăn bị hư, khi ăn vào dễ gây bệnh. Hơn nữa, thực phẩm tích trữ lâu dễ bị mất chất, mùi vị bị biến đổi so với thực phẩm tươi mới gây mất cảm giác ngon miệng.

Thế nên, giải pháp tối ưu là chúng ta chỉ cần tích trữ vừa đủ, như những bữa cơm gia đình thường ngày; chỉ cần thêm một vài món đặc trưng ngày Tết là được rồi.

Sai lầm thứ tư, chúng ta thường bỏ qua các bệnh về đường tiêu hóa.

Theo thống kê, trong các dịp lễ Tết, tỷ lệ người mắc các bệnh về đường tiêu hóa tăng đột biến do ăn nhiều đạm, chất béo, ăn phải thức ăn bị hư hỏng – hậu quả của việc tích trữ và bảo quản thực phẩm không đúng cách – hoặc ăn phải thực phẩm có chứa chất bảo quản…

Để vấn đề này không xảy ra, chúng ta nên chọn ăn những thực phẩm ít chất bảo quản, đặc biệt ăn những thực phẩm tươi mới, nấu đến đâu ăn đến đó. Bữa ăn nên có sự cân đối 4 nhóm chất, tăng cường ăn thêm các thức ăn tốt cho hệ tiêu hóa như sữa chua, đu đủ… Bên cạnh đó, cũng cần đề phòng bệnh tăng huyết áp, tim mạch khi ăn quá nhiều những thực phẩm chế biến sẵn, các món dưa muối… vì chúng chứa nhiều muối không có lợi cho sức khỏe.

Và, chế độ dinh dưỡng hợp lý cho ngày Tết cần đảm bảo những yếu tố sau. Chúng ta cần đảm bảo mỗi bữa ăn đều cân bằng các nhóm chất đạm, chất bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất. Không ăn uống quá no, không bỏ bữa mà nên ăn vừa phải và đúng bữa, đúng giờ. Không ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thay vào đó tăng cường ăn các thực phẩm tươi sống, tự nhiên, rau xanh và trái cây.

Hy vọng tất cả chúng ta sẽ có một cơ thể khỏe mạnh để sẵn sàng cùng gia đình, người thân đón một cái Tết đoàn viên thật ấm áp, vẹn tròn!

TRƯƠNG THANH THÙY

Cùng tìm hiểu những kiến thức hay, hữu ích về dinh dưỡng trên app ANSpace bằng cách vào mục Tìm kiếm (Nhập từ khóa) => Dinh Dưỡng

Tải và trải nghiệm ngay app ANSpace:

– IOS: https://apps.apple.com/app/an-space/id1619720997 

– Android: https://bit.ly/3aPxRK8