Nỗi sợ cái chết không phải là một điều phi lý để con người phải chối bỏ hoặc xóa bỏ nó. Chúng ta có thể sợ khái niệm chết chóc nói chung, hoặc mang những nỗi sợ cụ thể về cái chết của bản thân và những người thân quen xung quanh. Nhưng dù có là gì, nỗi sợ cái chết cũng có mặt lành mạnh và mặt độc hại của riêng nó.
I. Sợ chết là gì?
1. Khái niệm “cái chết” và những lý thuyết khoa học
Có một phân ngành khoa học tên là ‘thanatology’, nơi các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về cái chết và cách con người đối diện với nó. Một số kết quả thú vị có thể được kể ra như sau:
Có tới 20.3% dân số Hoa Kỳ sợ hoặc rất sợ cái chết. Đây là kết quả khảo sát được thực hiện bởi Đại học Chapman vào năm 2017. Điều đáng lưu ý là bản khảo sát này đưa ra các tình huống khá cụ thể để các khách thể trả lời. Có khoảng 18.3% sợ việc bị sát hại bởi người lạ, và khoảng 11.6% có nỗi sợ bị sát hại bởi người quen biết.
Nữ giới thường sợ cái chết hơn nam giới. Các nhà khoa học lý giải điều này là bởi phụ nữ thường có xu hướng dễ thừa nhận và nói về nỗi sợ của bản thân hơn. Thậm chí, lịch sử còn cho thấy rằng nam giới có xu hướng tin tưởng vào những cái chết vì một nguyên nhân hoặc mục đích nào đó, và họ cũng có thể góp phần vào điều này, chẳng hạn như việc nam giới sẵn sàng tham gia chiến tranh…
Người trẻ thường sợ cái chết hơn người già. Tuy nhiên, cũng có một kết quả đáng chú ý từ nghiên cứu tại Đài Loan cho thấy rằng không phải cứ già đi thì con người sẽ ít sợ hãi cái chết hơn. Cũng theo nghiên cứu này, nỗi sợ chết của người bệnh sẽ giảm xuống khi họ được đưa vào các trung tâm chăm sóc trước khi mất. Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng điều này có thể tới từ sự giáo dục và chuẩn bị về mặt tâm lý, tâm linh mà người bệnh nhận được trong giai đoạn cận tử.
2. Tiến trình cận tử có tới 5 giai đoạn
Theo nhà tâm thần học Elisabeth Kübler-Ross, khi đối mặt với cái chết của bản thân hoặc của một người thân, tâm lý chúng ta thường trải qua 5 giai đoạn, có thể theo tuần tự hoặc 5 giai đoạn đan xen nhau, đó là:
Giai đoạn 1 – Chối bỏ: Chúng ta tìm mọi cách chối bỏ rằng cái chết đang cận kề.
Giai đoạn 2 – Tức giận: Chúng ta tức giận rằng cuộc sống hiện tại sẽ sớm phải đối diện với cái chết. Đặc biệt, sự tức giận này có thể bị kìm nén hoặc được bộc lộ rõ ràng, tùy vào tính cách của mỗi người trong chúng ta.
Giai đoạn 3 – Mặc cả/ thỏa thuận: Hãy thử hình dung ra một người đang chắp tay lạy trời và cầu rằng “Nếu cho người con yêu thương được sống lâu và sống khỏe, con nguyện ăn chay niệm Phật, tu tâm thiện lành suốt đời”. Đây chính là một ví dụ của một người đang trong giai đoạn này của tiến trình cận tử.
Giai đoạn 4 – Trầm uất/ u uất: Đây là lúc con người cảm thấy đau buồn nhất khi không thể làm gì để chống lại cái chết như một điều tất yếu.
Gian đoạn 5 – Chấp nhận: Đây thường được coi như giai đoạn cuối cùng của tiến trình cận tử, khi chúng ta chấp nhận mà không còn phản kháng hay chống lại cái chết.
Một số lý thuyết khác đã đề xuất các cách chia giai đoạn khác nhau trong tiến trình cận tử, nhưng phổ biến nhất và được áp dụng nhiều nhất tới thời điểm này vẫn là lý thuyết 5 giai đoạn của Elisabeth Kübler-Ross.
3. Bản chất của nỗi sợ cái chết
Nỗi sợ cái chết khá phức tạp. Nó có thể tới từ các nỗi sợ đa dạng, và cũng có thể là sự tổng hợp của những nỗi sợ đó:
Sợ cơn đau và việc phải chịu đựng. Đây là nỗi sợ khá phổ biến, xuất hiện ở cả những người khỏe mạnh lẫn những người mắc các chứng bệnh gây đau đớn.
Sợ không còn được tồn tại. Đây là nỗi sợ thường thấy ở những người không có niềm tin tâm linh hoặc tôn giáo. Những người có nỗi sợ này sẽ bị choáng ngợp bởi cảm giác rằng “hôm nay mình còn là thân xác với ý thức, ngày mai có thể đã trở thành cát bụi vô thức”. Tuy nhiên, cũng có một nhóm người sợ hãi rằng niềm tin vốn có của họ về thế giới sau khi chết sẽ không đúng với sự thật, và họ sợ phải đối diện với sự thật đó.
Ngoài ra còn có một số nỗi sợ phổ biến khác như sợ bị trừng phạt vĩnh viễn, sợ mất đi khả năng kiểm soát, sợ điều sẽ xảy tới với những người thân còn lại…
III. Chúng ta có nên sợ chết?
Có một sự thật khó chối bỏ là nỗi sợ cái chết sẽ tạo ra động lực để con người cải thiện đời sống và sức khỏe. Chúng ta cẩn trọng hơn và ít tham gia vào các hoạt động liều lĩnh, chứa đầy rủi ro. Cùng với đó, chúng ta chăm sóc sức khỏe tinh thần hơn, chăm lo cho các mối quan hệ xã hội, thậm chí là chấp nhận làm việc cật lực chỉ để tạo ra giá trị lưu truyền lại.
Nhưng ở một phương diện khác, nỗi sợ cái chết ở mức độ thái quá sẽ tạo ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm trí và những quyết định tưởng như nhỏ nhặt và bình dị nhất của chúng ta, chẳng hạn như chúng ta không muốn ra khỏi nhà vì sợ thứ gì đó xấu sẽ ập tới. Trong tình cảnh này, bản thân nỗi sợ là điều cản trở ham muốn sống của chúng ta, cũng như làm suy giảm chất lượng cuộc sống hiện tại.
IV. Tổng kết
Có thể nói rằng, điều quan trọng nhất là chúng ta cần cân bằng lại nỗi sợ cái chết, cũng như chú trọng vào điểm lành mạnh của cảm xúc này, khiến nó thúc đẩy bản thân phát triển hơn.
Để hướng tới khía cạnh lành mạnh của cảm giác sợ hãi cái chết mà chúng ta thường gặp phải, bạn có thể trải nghiệm các bài nói liên quan của AN Space bằng cách vào mục Khai Sáng -> các playlist “Nuôi dưỡng cảm xúc tích cực”, “Giảm căng thẳng – lo âu” và “Phát triển bản thân”.
THUY THI
Tổng hợp và lược dịch từ VeryWellMind và Psychology Today