Một hơi thở ra mà không trở lại, thì thế gian này là gì của bạn?
Hít một hơi thở sâu, để phổi bạn căng tràn sự sống — và thở ra. Bạn có cảm thấy cơ thể trở nên nhẹ nhàng và thoải mái hơn không? Các chuyên gia về sức khỏe tâm thần cũng như các yogi luôn khuyến khích tập hít thở sâu vì điều đó đem lại những lợi ích tuyệt vời không chỉ cho hệ hô hấp mà còn cho sức khỏe tâm thần.
Chúng ta hít thở hơn tám triệu lần mỗi năm — nhưng tại sao rất khó để hít thở sâu? Làm cách nào để tập hít thở sâu? Cùng AN tìm hiểu thêm về lý do tại sao bạn nên thử tập hít thở sâu và cách để thực hiện nhé!
Các loại hơi thở
Hơi thở là sự sống nên ta hít thở mọi thời điểm trong ngày, nhưng bạn có biết có tới 4 kiểu thở khác nhau không?
- Eupnea (Hơi thở bình thường): Đây có lẽ là kiểu thở mà bạn đang làm ngay bây giờ. Nhịp thở này xảy ra khi bạn không chú ý đến việc thở. Kiểu thở này còn được gọi là “thở yên lặng”, cả cơ hoành và cơ liên sườn bên ngoài đều phải co lại.
- Thở bằng cơ hoành: Hay còn được gọi là thở sâu. Bụng của bạn sẽ phồng lên và xẹp xuống theo mỗi lần hít vào và thở ra.
- Thở bằng cơ sườn: Kiểu thở này còn được gọi là “thở nông” sử dụng cơ liên sườn, cơ giữa các xương sườn của bạn. Khi các cơ này thư giãn, không khí sẽ được đẩy ra khỏi phổi. Khi căng thẳng, có thể đang thực hiện kiểu thở này hoặc thậm chí nín thở một cách vô thức
- Hyperpnea: là thuật ngữ chỉ việc hít thở nhiều không khí hơn so với bình thường. Đó là phản ứng của cơ thể khi bạn cần nhiều oxy hơn. Việc hít vào và thở ra đều là chủ động chứ không phải thụ động do các cơ co thắt.
Hít thở sâu có thể giúp bạn cải thiện những vấn đề gì?
- Sự lo lắng
- Trầm cảm
- Quản lý căng thẳng tốt hơn
- Cải thiện sự tập trung
- Cải thiện giấc ngủ
- Phục hồi nhanh hơn sau khi tập thể dục hoặc gắng sức
Tại sao hít thở sâu lại có thể giúp ích?
Có thể bạn đã tự hỏi tại sao “chỉ” việc thở thôi lại có tác dụng mạnh mẽ như vậy. Thở chậm kích hoạt hệ thần kinh phó giao cảm (PNS) còn được gọi là hệ thống “nghỉ ngơi và tiêu hóa”. Công việc chính của PNS là bảo tồn năng lượng và điều chỉnh các chức năng của cơ thể như tiêu hóa và tiểu tiện.
Hít thở sâu cũng kích hoạt dây thần kinh phế vị. Dây thần kinh phế vị đại diện cho thành phần chính của hệ thần kinh phó giao cảm, có chức năng giám sát một loạt các chức năng quan trọng của cơ thể, bao gồm kiểm soát tâm trạng, phản ứng miễn dịch, tiêu hóa và nhịp tim. Dây thần kinh phế vị thiết lập kết nối giữa não và đường tiêu hóa và gửi thông tin về trạng thái của các cơ quan bên trong đến não.
Các mẹo và thủ thuật
Dưới đây là một số mẹo và thủ thuật nên thử khi bạn thực hành kỹ thuật thở sâu.
- Dành thời gian để hít thở sâu
Đặt báo thức hoặc hẹn giờ để thở nghe có vẻ ngớ ngẩn nhưng điều đó sẽ giúp bạn nhớ hít thở sâu thường xuyên. Thay vì lăn qua và mở điện thoại khi chuông báo thức reo lên, bạn hãy thử dừng lại vào hít thở sâu một vài lần để cảm nhận rõ hơn về cơ thể và gửi năng lượng thương yêu đến cho chính mình.
- Thực hiện trước và trong các tình huống căng thẳng cao độ
Trong cuộc sống sẽ có những tác động ngoại cảnh khiến chúng ta trở nên căng thẳng, chẳng hạn như xếp hàng ở siêu thị hoặc kẹt xe giờ tan tầm. Điều tuyệ vời là bạn có thể hít thở sâu bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu. Hãy dành một phút để cung cấp cho bộ não của bạn lượng không khí ngọt ngào trước khi tình hình khiến căng thẳng trong bạn leo thang.
Hít thở sâu có thể mang lại lợi ích cho nhiều người, nhưng đây chỉ là một trong những phương tiện để chăm sóc sức khỏe tâm thần của bạn. Nếu bạn không nhận được những lợi ích của việc hít thở sâu như đã mong đợi, đừng nản lòng! Nếu những lo lắng, căng thẳng của bạn vẫn nghiêm trọng hoặc trở nên tồi tệ hơn, hãy gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần để cải thiện tình trạng nhé!
Hy vọng rằng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về những tác dụng tuyệt vời của hơi thở sâu. Bạn có thể theo dõi những thông tin bổ ích được AN cung cấp mỗi ngày fanpage AN Space
Bây giờ, mời bạn lắng nghe, thư giãn và thở sâu qua bài hướng dẫn “Hơi thở nuôi dưỡng” của AN Space.