Lòng biết ơn chính là liều thuốc diệu kỳ để giải độc cho những tổn thương, đau khổ của con người. Có thể nói rằng, đó là con đường nhanh nhất và đơn giản bậc nhất để chạm đến bình an và hạnh phúc.
1. Nhật ký biết ơn là gì?
Bạn biết không? Giống như rất nhiều kỹ năng khác, lòng biết ơn cũng cần được thực hành và nuôi dưỡng hàng ngày. Một trong những công cụ hữu hiệu nhất để phát triển bản thân là nhật ký biết ơn. Đó không hề là một việc vặt, mà là một cách luyện tập cần thiết cho sức khỏe, tâm trí và cuộc sống.
Viết nhật ký biết ơn là thói quen ghi lại và suy ngẫm về những (thường là ba) điều mà bạn thường xuyên cảm thấy biết ơn. Về bản chất, bạn đang điều chỉnh lại bộ não của mình để tập trung hơn vào những khía cạnh tích cực trong cuộc sống và xây dựng khả năng phục hồi trước những tình huống tiêu cực. Viết nhật ký về lòng biết ơn là một phương pháp phổ biến trong tâm lý học tích cực – nghiên cứu khoa học về hạnh phúc.
2. Cách viết nhật ký biết ơn mỗi ngày
Tôi nên biết ơn vì điều gì?
Khi tâm trạng bất an hoặc không vui, chúng ta có thể dễ dàng quên đi bao điều tuyệt vời trong cuộc sống mà ta cần biết ơn. Một bông hoa đang bừng nở tô điểm cho hiên nhà bạn, ánh nắng ban mai thật ấm áp và trong lành, tách trà thơm giúp bạn thêm thư thái để bắt đầu một ngày mới…
Buổi tối, sau một ngày làm việc vất vả, trở về bên cạnh những người thân, ngả lưng xuống chiếc giường ấm áp, nhớ lại những niềm vui nho nhỏ trong ngày… Bạn có thấy biết ơn không?
Đôi khi những bộn bề hàng ngày cuốn ta đi, bao cảm xúc tiêu cực: lo âu, buồn chán, bực tức…sẽ khiến bạn dần quên mất biết ơn những điều bình dị trong cuộc sống.
Nếu bạn không thể nghĩ ra bất cứ điều gì để biết ơn, hãy bắt đầu với những điều tưởng như nhỏ nhặt: Còn thở, còn sống, bạn có mái nhà che mưa che nắng; bạn có thức ăn để nuôi dưỡng thân mình hàng ngày; bạn có đủ các giác quan để nhìn, nghe, cảm nhận mọi cung bậc của cuộc sống… Và cứ thế, hãy viết hết thứ này đến thứ khác, cho đến khi bạn nhận ra rằng, thực sự có rất nhiều điều để chúng ta bày tỏ biết ơn với cuộc đời này.
Tôi nên thực hành lòng biết ơn khi nào?
- Buổi sáng
Mỗi sáng thức dậy, bạn có thể dành khoảng năm đến mười phút để viết ra những gì mình cảm thấy biết ơn: Một người lạ đã dắt xe hộ bạn trong bãi gửi xe chật cứng, nụ cười niềm nở của người hàng xóm khiến bạn vui lây, một lời chúc ngày mới tốt lành, lời khen ngợi chân thành của đồng nghiệp …
Bạn chỉ mất chừng năm, mười phút để viết nhật ký trước khi ra khỏi giường vào buổi sáng. Hãy để nhật ký cạnh giường và đó là việc đầu tiên bạn làm sau khi mở mắt. Đánh thức lòng biết ơn là cách tốt nhất để bạn bắt đầu ngày mới của mình.
Hãy xem như đó là một “nghi thức” quan trọng giúp bạn bước vào ngày mới với tâm trạng tích cực. Và đừng quên làm điều đó một cách nhẫn nại, dù có lúc bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc thấy nó có vẻ vô nghĩa.
Biết ơn là một sự cứu rỗi, làm tươi mát tâm hồn và cuộc sống của chúng ta. Bạn hẳn sẽ muốn mỉm cười, sẽ thấy tâm trạng phấn chấn hơn vì quá trình viết giúp bạn nhớ lại nhiều điều đã trải qua. Đừng ép bản thân phải viết quá nhiều, chỉ cần nhớ lại những điều nhỏ bé và viết ra…
- Buổi tối
Bạn cũng có thể viết nhật ký biết ơn vào buổi tối để trước khi đi ngủ, bạn sẽ hồi tưởng lại và trân trọng những gì đã xảy ra trong ngày hôm đó. Bạn hãy cứ viết ra mọi thứ ngay cả khi không thực sự cảm thấy biết ơn về chúng. Đây là một thủ thuật tâm lý: giả vờ (đang có điều gì đó) cho đến nó trở thành thực tế của chúng ta.
Hãy thực hành rồi bạn sẽ ngạc nhiên rằng tâm trạng của bạn có thể thay đổi theo chiều hướng tốt lên nhanh chóng như thế nào, từ khi bạn bắt đầu viết cho đến khi bạn viết xong.
Hãy duy trì thói quen đó hàng ngày. Ngay cả khi tâm trạng không vui, khi mệt mỏi hoặc chán chường, đừng từ bỏ mà cứ kiên trì tập luyện. Thậm chí nếu bạn không nhận thấy sự khác biệt trong tâm trạng của mình sau vài ngày hoặc vài tuần đầu tiên viết nhật ký biết ơn, thì cũng đừng vội bỏ cuộc bạn nhé. Bạn đang tích lũy lòng biết ơn, và đến khi đủ về lượng, nó sẽ tạo ra sự thay đổi về chất, đem lại năng lượng tích cực cho cuộc sống của bạn.
3. Tổng kết
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, việc chúng ta luôn ở trong trạng thái biết ơn có tác dụng giống như dùng thuốc giảm đau, giúp thúc đẩy quá trình tự chữa lành của cơ thể và của tâm hồn.
Ngoài việc viết nhật ký biết ơn, bạn cũng có thể nói thầm hoặc suy niệm. Ngồi yên lặng và nghĩ về những gì bạn nhận được, để cho điều đó ngấm dần cho đến khi tâm trí bạn tràn ngập lòng biết ơn cùng cảm giác bình an và hạnh phúc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói rằng: “Chừng nào ta còn biết ơn, chừng đó ta còn hạnh phúc”. Hãy để lòng biết ơn dâng trào từ trái tim và bạn sẽ cảm nhận điều tuyệt vời nhất mà vũ trụ đã trao tặng chúng ta: sự bình an, hạnh phúc thuần khiết, không lệ thuộc bất kỳ điều kiện nào cả.
KIỀU GIANG
Thực hành viết Nhật ký chánh niệm mỗi ngày bằng cách vào trang Nhật ký trên Ứng dụng AN Space ngay tại đây.