Sherpa là một dân tộc ở phía đông Nepal, trên vùng cao của Himalaya. Vì là người bản địa, quen với khí hậu khắc nghiệt nơi này, người Sherpa là nhóm có đủ kinh nghiệm để đồng hành với những vận động viên chinh phục đỉnh Everest.
Có một nhân vật được mệnh danh là “Sherpa Việt Nam” – người Việt Nam trẻ tuổi nhất và cũng là người Việt Nam hai lần đặt chân lên đỉnh Everest – Phan Thanh Nhiên. Lần thứ nhất là vậy, lần thứ hai cũng vậy, với Phan Thanh Nhiên, đỉnh núi Everest không phải là đích đến để anh muốn chinh phục cho bằng được; mà chính hành trình vượt ngưỡng bản thân mới khiến Nhiên muốn lao vào và đi cho bằng cùng.
Đặt chân lên đỉnh núi cao nhất thế giới khi chỉ mới 23 tuổi có viển vông không? Với đa phần chúng ta thì câu trả lời sẽ là “có”; nhưng với Phan Thanh Nhiên thì “không”! Vì sao lại như vậy? Không phải vì Phan Thanh Nhiên đã làm được rồi nên anh coi chuyện đó là đơn giản, mà phải biết rõ về thể trạng vốn có của Nhiên. Từ khi còn nhỏ, Nhiên bị còi xương, hai lần bị gãy tay và cần nhiều thời gian để hồi phục hơn một người bình thường do thể chất không đảm bảo.
Tận đến khi vào đại học, tức là gần với khoảng thời gian đăng ký tham gia chinh phục đỉnh Everest, Nhiên vẫn là một thanh niên đen nhẻm, gầy còm. Và, thêm một chi tiết nữa rất đáng lưu ý, trước khi đăng ký tham gia hành trình chinh phục Everest lần đầu, Phan Thanh Nhiên chưa từng thử qua bộ môn leo núi. Với một người không phải vận động viên chuyên nghiệp, thời gian luyện tập trước khi chính thức tham gia hành trình chinh phục Everest thường là hai năm. Đặc biệt, chúng ta cũng phải nhấn mạnh thêm một chút là mọi người phải trả chi phí rất lớn để mời những chuyên gia về huấn luyện kỹ thuật, cũng như chuẩn bị sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần rất kỹ lưỡng cho hành trình này. Phan Thanh Nhiên thì không được như vậy, anh chỉ có bảy tháng và không có đồng nào trong tay.
Quay trở lại câu hỏi ban đầu – chinh phục Everest khi mới 23 tuổi có phải là điều viển vông không? “Có” hay “không” phụ thuộc vào việc liệu chúng ta có biết cách đặt ra một mục tiêu cho mình và nhất tâm theo đuổi mục tiêu ấy. Ở thời điểm lần đầu chinh phục “nóc nhà thế giới”, Phan Thanh Nhiên không hề đặt ra mục tiêu chinh phục đỉnh Everest; anh đặt mục tiêu tự chinh phục bản thân mình.
Khi bắt đầu, Phan Thanh Nhiên cần phải vượt qua một vài “định nghĩa” đã gắn bó với chính mình quá lâu, rằng anh không phải là người có sức khỏe tốt, và rằng anh không được trang bị đầy đủ; nhưng không có nghĩa Nhiên chấp nhận chúng như khó khăn của bản thân so với những người cùng tham gia hành trình. Với anh, đó là những ngưỡng mà anh cần phải vượt qua để biết mình có khả năng làm được. Đó là ngưỡng mở ra lòng quyết tâm vượt 40km chạy vào ngày kiểm tra thể chất đầu tiên; cũng là ngưỡng thêm 40km chạy nữa vào ngày hôm sau, cho dù không bất kỳ ai yêu cầu Nhiên làm điều đó. Anh làm, vì biết đó là cơ hội để tự mình hiểu mình hơn. Anh làm vì biết bản thân mình có thể, chỉ cần tự mình tin mình.
Sau khi trở về, mang theo danh hiệu “Người Việt Nam trẻ tuổi nhất chinh phục đỉnh Everest”, Phan Thanh Nhiên tâm sự rằng, “Tôi thật sự đã cố gắng. Nhưng tôi không chỉ cố bước để đến được đỉnh Everest. Tôi bước từng bước trên hành trình nhìn thấu và tự ghi nhận bản thân mình!”.
Sau gần mười lăm năm, Phan Thanh Nhiên lần nữa đặt chân lên “nóc nhà của thế giới”. Lần này, lý do chỉ đơn giản là anh muốn một lần nữa được nhìn lại chính mình, xem thử, sau một thập kỷ rưỡi, bản thân đã thay đổi thế nào. Nhiên đem theo cho mình dự định đưa Việt Nam thành quốc gia có người lên đỉnh sớm nhất năm nay. Nhưng đáng tiếc, dự định ấy không thành.
“Do gặp thời tiết bất lợi nên chuyến hành trình này của tôi không được suôn sẻ như lần trước. Đã có thời điểm tôi cảm thấy chỉ còn 10% sức lực. Nhưng cuối cùng, tôi không từ bỏ, quyết tâm mang lá cờ Việt Nam lên đỉnh Everest, vượt qua những giới hạn của bản thân mình.” – những chia sẻ đầu tiên khi Phan Thanh Nhiên trở về nước sau lần thứ hai tham gia hành trình chinh phục Everest.
Nhận thấy có đủ thể lực, Phan Thanh Nhiên quyết định đi một mạch từ chân núi lên trạm 2, trạm 4 – bỏ qua việc nghỉ chân ở trạm 1 và 3. Tuy nhiên, khi từ trạm 2 lên trạm 4, anh gặp thời tiết xấu, không thể tiếp tục hành trình, đành phải quay lại trạm 2. Dự định chinh phục Everest sớm thất bại. Khi trở về trạm 2, anh vô cùng mệt mỏi, hụt hẫng, nản chí vì dự định ban đầu không thể thực hiện. Anh thậm chí đã bỏ ăn và có những suy nghĩ tiêu cực. Tuy nhiên, sau gần một ngày nghỉ ngơi, anh quyết định tiếp tục hành trình.
Mong muốn là người đầu tiên chinh phục Everest trong năm này thất bại; nhưng đổi lại, Phan Thanh Nhiên được chính phủ Nepal chọn làm trưởng nhóm cho đoàn 8 thành viên đến từ 6 quốc gia. Bằng kinh nghiệm của mình, anh đã hỗ trợ thành công 6 thành viên trong nhóm lên được đến đỉnh. Khoảnh khắc lần thứ hai giương cao cờ Tổ quốc trên đỉnh núi cao nhất thế giới là khoảnh khắc Phan Thanh Nhiên đã chứng minh được rằng, với đam mê và quyết tâm, con người có thể vượt qua những ngưỡng mà chính bản thân mình cũng không dám hình dung tới. Everest không còn đơn giản chỉ là một đỉnh núi, mà đã trở thành cột mốc để cậu bé còi xương năm nào giờ được nhắc tới như một người bản địa Sherpa.
Cùng thực hành các bài nói truyền cảm hứng trên Ứng dụng AN Space bằng cách truy cập mục Khai sáng
Tải và trải nghiệm ngay app ANSpace:
– IOS: https://apple.co/3xoPaJN
– Android: https://bit.ly/3aPxRK8
T.T.T