Chúng ta ai cũng chỉ có 24 giờ mỗi ngày. Nhưng bằng cách nào đó, một số người dường như luôn có đủ thời gian để làm mọi thứ họ muốn. Trong khi những người khác thì vội vã, bận rộn và lúc nào cũng trong tình trạng“quá tải”. Kỹ năng quản lý thời gian chính là điều tạo nên sự khác biệt này.
Cuộc sống ngày nay luôn hối hả và bộn bề những lo toan cùng áp lực. Kỹ năng quản lý thời gian thực sự cần thiết bởi vì nếu không có nó, chúng ta sẽ hoặc là không đủ thời gian làm những việc quan trọng, hoặc ta sẽ luôn bận rộn đến mức bỏ quên bản thân.
Sử dụng thời gian một cách hiệu quả sẽ giúp ta cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Ta cần có thời gian chăm sóc bản thân, phục hồi năng lượng; ta cũng cần thời gian cho gia đình, bạn bè, cho những sở thích cá nhân lành mạnh…Ta cũng rất cần hoàn thành các phận sự của mình trong công việc. Vì thế, ta phải cân đối, sắp xếp thời gian biểu của mình một cách khoa học và hợp lý.
Đầu tiên, bạn cần lên danh sách những việc cần làm trong ngày, trong tuần, trong tháng… Sau đó là sắp xếp thứ tự ưu tiên của chúng. Những việc nào quan trọng và cần làm gấp thì hãy đưa lên đầu danh sách. Rồi đến các nhiệm vụ ít khẩn cấp hơn nhưng vẫn quan trọng. Với một số nhiệm vụ không quan trọng lắm, bạn có thể ủy quyền hoặc nhờ sự giúp đỡ của người khác. Thậm chí bạn có thể loại bỏ một số việc không cần thiết ra khỏi danh sách.
Ngày nay, nhiều người đã nhận ra rằng, để có cuộc sống hạnh phúc hơn, ta nên học cách loại bỏ những thứ thừa thãi. Bớt sắm sửa những đồ đạc không cần thiết; giảm những mối quan hệ kém chất lượng; hạn chế những “kết nối ảo” và việc lang thang trên mạng… Điều này cũng sẽ giúp ta hạn chế được việc sử dụng thời gian vào những việc không cần thiết.
Quản lý thời gian không chỉ có nghĩa là lập kế hoạch hợp lý, mà còn có nghĩa là cải thiện hiệu quả và năng suất làm việc. Một trong những “căn bệnh” trầm kha mà nhiều người dễ mắc phải là trì hoãn.
Sự trì hoãn dẫn đến lãng phí thời gian, làm dồn ứ công việc và là một trong những nguyên nhân chính tạo nên căng thẳng. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, lý do chủ yếu khiến con người ta muốn trì hoãn là do cảm xúc và tâm trạng. Khi phải giải quyết một công việc nào đó mà chúng ta dự cảm rằng nó gây ra sự mệt mỏi, chán nản hoặc căng thẳng, phản ứng của chúng ta là trốn chạy hoặc tìm kiếm điều gì đó tạo cảm giác vui vẻ, phấn chấn hơn. Kết cục là càng trì hoãn thì bạn lại càng cảm thấy stress nhiều hơn trước.
Để thoát khỏi bệnh trì hoãn, ta thường được khuyên là nên tập thói quen hành động ngay lập tức. Bởi vì càng chần chừ thì bạn càng có lý do để tiếp tục hoãn lại những gì bạn định làm hay cần làm. Tuy nhiên, có một giải pháp mang tính bền vững mà ta có thể luyện tập.
Giải pháp đó là học cách sống trong hiện tại, là chú tâm trọn vẹn trong từng giây phút. Đi lại, mở cửa, đóng cửa, rửa tay, nói năng, ăn uống hay giải quyết công việc…dù làm bất kỳ việc gì bạn cũng hãy để tâm mình vào đó, chú ý, quan sát cẩn thận.
Không chỉ quan sát các đối tượng mà bạn tiếp xúc, như sự vật, sự việc, con người… mà tâm ta cũng là một đối tượng để quan sát. Thậm chí đó là đối tượng phức tạp nhất, thú vị nhất và cũng quan trọng nhất. Một vị thiền sư từng nói rằng: “Chỉ có một cuốn sách nên đọc, đó là tâm của chính mình”.
Hãy lắng nghe cơn giận, nỗi buồn, niềm vui, sự lo lắng, sự khát khao…trong bạn. Lắng nghe khi tâm huyên thuyên những lời trách móc, đổ lỗi cho hoàn cảnh. Lắng nghe khi tâm tỏ ra nghi ngại, ngờ vực, sợ hãi… Hãy biết điều gì đang diễn ra bên trong, và nhắc mình trở về với hiện tại, đừng để tâm lang thang quá xa.
Hãy kiên trì thực hành liên tục, để việc quan sát, cảm nhận đó trở thành thói quen, thành lối sống của bạn.
Tại sao ta nên làm thế? Bởi vì lối sống đó giúp tâm trí bạn tĩnh lặng và sáng suốt hơn. Khi ta nhẫn nại lắng nghe và quan sát, các cảm xúc dần lắng xuống. Trí óc minh mẫn vì không bị cảm xúc chi phối, ta sẽ đưa ra những giải pháp hiệu quả. Ta cũng sẽ giảm thiểu được tâm trạng lo lắng, sợ hãi hoặc chán nản khi phải đối mặt với những nhiệm vụ của mình. Chứng trì hoãn, theo đó, sẽ được điều trị dễ dàng. Bởi vì như đã nói trên đây, phần lớn nguyên nhân của trì hoãn là do cảm xúc.
Nếu có thể, bạn hãy dành thời gian để thiền định mỗi ngày. Nếu bạn chưa quen ngồi lâu, ban đầu bạn có thể tập trong năm hoặc mười phút. Thậm chí bạn cũng không nhất thiết phải tuân thủ theo các tư thế ngồi bán già hoặc kiết già, bạn chỉ cần ngồi hoặc nằm thật thoải mái, buông thư, quan sát hơi thở hoặc các cảm giác trên cơ thể và thả trôi mọi thứ.
Những thực hành này cũng giúp ta cải thiện khả năng tập trung – là yếu tố quan trọng để học tập và làm việc hiệu quả. Tập trung sẽ giúp ta tiết kiệm được rất nhiều thời gian, giúp ta đạt được mục tiêu của mình. Có câu: “Sức mạnh của tâm trí giống như tia nắng mặt trời. Khi chúng tập trung, chúng sẽ chiếu sáng”.
Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ internet và mạng xã hội giúp tăng cường những “kết nối ảo”, nhưng lại làm giảm chất lượng của các mối quan hệ trong “đời thực” và khiến con người trở nên cô đơn hơn. Sự hiện diện – có mặt cho nhau đang trở nên hiếm hoi, bởi vì ta không đủ thời gian. Hoặc nếu có thời gian, ta cũng không tập trung, không chú ý, không hiện diện – thân ta ở đây nhưng tâm trí ta lại lang thang chỗ khác.
Vậy nên, quản lý thời gian không chỉ là vấn đề sắp xếp các nhiệm vụ để làm việc hiệu quả hơn và có nhiều thì giờ rảnh rỗi hơn, đó còn là vấn đề cải thiện chất lượng sống của bạn. Khi ta học được cách chú tâm trọn vẹn vào mỗi việc mình làm, ta dành sự chú ý trọn vẹn cho những người mình tiếp xúc, chất lượng cuộc sống của ta sẽ được nâng lên. Mỗi giây phút ta trải qua đều giá trị vì ta luôn hiện diện.
KIỀU GIANG
Cùng tìm hiểu những kiến thức hay, có tính khai sáng trên app ANSpace bằng cách vào mục Tìm kiếm (Nhập từ khóa) => Khai sáng
Tải và trải nghiệm ngay app ANSpace:
– IOS: https://apple.co/3xoPaJN
– Android: https://bit.ly/3aPxRK8