Nhà tâm lý học, tác giả Daniel Goleman từng nói rằng: “Một người lãnh đạo thành công chiếm 80% đến 100% là EQ”.
Và Gardmer, cha đẻ của “Thuyết trí thông minh đa dạng” từng nhấn mạnh về trí tuệ cảm xúc thế này:
“Nhiều người có IQ 160 làm việc không bằng những người IQ không vượt quá 100, do những người trên có trí thông minh quan hệ cá nhân yếu hơn những người dưới. Và trong đời sống hàng ngày, không một hình thức trí tuệ nào quan trọng hơn hình thức ấy cả. Nếu bạn không có nó, bạn sẽ lựa chọn không đúng người bạn đời, nghề nghiệp của bạn… Nhà trường nhất thiết phải giáo dục cho trẻ em hình thức trí tuệ đó!”.
II. Trí tuệ cảm xúc là gì?
Trí tuệ cảm xúc, hay còn được gọi là EQ, là khái niệm đề cập đến khả năng nhận thức, kiểm soát và đánh giá cảm xúc. Chúng ta đều biết, việc thể hiện đúng và kiểm soát được cảm xúc của bản thân là điều cần thiết, đặc biệt là trong giao tiếp với người khác. Bên cạnh đó, khả năng hiểu, diễn giải và phản ứng với cảm xúc của người khác cũng quan trọng không kém.
II. Vai trò của trí tuệ cảm xúc
Bạn có thể tưởng tượng được vấn đề gì sẽ xảy ra nếu bạn không thể hiểu được khi một người bạn cảm thấy buồn, hoặc khi một đồng nghiệp tức giận? Rõ ràng, chúng ta đều có thể hình dung được mức độ vấn đề tiếp theo. Mà cơ bản nhất, để tóm tắt đúng cho mọi hoàn cảnh khi ta không hiểu cảm xúc của người đang đối thoại với mình, là căng thẳng sẽ leo thang và mối quan hệ đó có nguy cơ tan vỡ. Đó là lý do mà chỉ số nhận biết cảm xúc được các nhà tâm lý học gọi là trí thông minh cảm xúc. Và một số chuyên gia cho rằng, EQ còn quan trọng hơn chỉ số IQ trong thành công chung của con người.
III. Cách rèn luyện trí tuệ cảm xúc
Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng có 4 cấp độ khác nhau của trí tuệ cảm xúc, bao gồm nhận thức cảm xúc, khả năng lý luận bằng cách sử dụng cảm xúc, khả năng hiểu cảm xúc và khả năng quản lý cảm xúc.
1. Nhận thức cảm xúc
Nhận thức cảm xúc được xem là bước đầu tiên để hiểu cảm xúc của bản thân và của người khác. Muốn hiểu đúng thì bạn cần nhận thức chúng một cách chính xác. Trong nhiều trường hợp, nhận thức cảm xúc có thể liên quan đến việc hiểu các tín hiệu phi ngôn ngữ – như ngôn ngữ cơ thể và nét mặt; đây cũng là yếu tố giúp phát triển trí tuệ cảm xúc.
2. Lý luận bằng cảm xúc
Lý luận bằng cảm xúc liên quan đến việc sử dụng cảm xúc để thúc đẩy hoạt động tư duy và nhận thức tạo sức mạnh trí tuệ cảm xúc. Cảm xúc giúp xác định được quyền ưu tiên cho chúng ta chú ý và phản ứng. Và thực tế đã chứng minh là chúng ta phản ứng một cách cảm xúc với những thứ thu hút sự chú ý của chúng ta.
3. Hiểu về cảm xúc
Hiểu về cảm xúc là phần dành cho việc nhận thức nhiều ý nghĩa khác nhau của một cảm xúc. Ví dụ, khi một ai đó biểu lộ cảm xúc tức giận, người có chỉ số EQ cao có thể quan sát để giải thích nguyên nhân gây ra sự tức giận của người đó và ý nghĩa của nó.
4. Quản lý cảm xúc
Quản lý cảm xúc là phần đóng vai trò quan trọng nhất của trí thông minh cảm xúc. Khi bạn thực hiện điều tiết cảm xúc và phản ứng một cách thích hợp cũng như đáp lại cảm xúc của người khác thì có nghĩa bạn đã quản lý cảm xúc của bản thân và cả của người kia tốt hơn. Việc này giúp cho cuộc đối thoại có thể tiếp tục diễn ra một cách tốt đẹp và đạt kết quả tốt nhất, dễ chịu nhất cho cả hai bên.
4 nhánh của mô hình này được sắp xếp theo độ phức tạp với các quy trình cơ bản ở cấp thấp và quy trình nâng cao ở cấp cao hơn. Ví dụ, các cấp độ thấp nhất liên quan đến nhận thức và thể hiện cảm xúc, trong khi các cấp độ cao hơn đòi hỏi sự tham gia có ý thức nhiều hơn và liên quan đến việc điều chỉnh cảm xúc.
IV. Dấu hiệu của người có chỉ số trí tuệ cảm xúc cao
1. Sự hiểu biết về cảm xúc: Họ thường hiểu rõ cảm xúc của họ và của người khác. Họ có khả năng phân biệt và diễn đạt những cảm xúc này một cách rõ ràng.
2. Khả năng quản lý cảm xúc: Người có EQ cao có khả năng kiểm soát cảm xúc của mình một cách hiệu quả, không để chúng kiểm soát cuộc sống và quyết định của họ.
3. Đồng cảm: Họ có khả năng đồng cảm với người khác và thể hiện sự quan tâm và chia sẻ với họ khi cần.
4. Kỹ năng giao tiếp tốt: Người có EQ cao thường là người giao tiếp giỏi, có khả năng lắng nghe và diễn đạt ý kiến một cách rõ ràng và tử tế.
5. Khả năng giải quyết xung đột: Họ thường giải quyết xung đột một cách tốt bằng cách tìm kiếm giải pháp win-win và tránh gây thêm căng thẳng.
6. Phối hợp làm việc nhóm hiệu quả: Người có EQ cao thường làm việc tốt trong nhóm, họ hiểu cách tương tác và hỗ trợ đồng đội.
V. Tổng kết
Một số đánh giá khác nhau đã xuất hiện để đo lường mức độ trí tuệ cảm xúc. Các bài kiểm tra như vậy thường là bài kiểm tra tự đánh giá và bài kiểm tra khả năng.
1. Bài kiểm tra tự đánh giá
Các bài kiểm tra tự đánh giá là phổ biến nhất vì chúng dễ quản lý và cho điểm nhất. Trong các bài kiểm tra như vậy, người tham gia khảo sát sẽ trả lời các câu hỏi hoặc tuyên bố bằng cách đánh giá các hành vi của chính họ. Ví dụ, đối với một tuyên bố như “tôi thường cảm thấy rằng tôi hiểu người khác đang cảm thấy thế nào”, người tham gia khảo sát có thể mô tả câu đó là không đồng ý, hơi không đồng ý, đồng ý hoặc hoàn toàn đồng ý.
2. Bài kiểm tra khả năng
Mặt khác, các bài kiểm tra khả năng liên quan đến việc mọi người phản ứng với các tình huống và sau đó đánh giá kỹ năng của họ. Những bài kiểm tra như vậy thường yêu cầu mọi người chứng minh khả năng của họ, sau đó sẽ được đánh giá bởi một bên thứ ba để xem chỉ số EQ cao hay không.
Một số bài kiểm tra trí thông minh cảm xúc được biết đến nhiều trên thế giới, như “Bài kiểm tra trí tuệ cảm xúc Mayer-Salovey-Caruso – MSCEIT”, là một bài kiểm tra dựa trên khả năng đo lường 4 nhánh của mô hình EI của Mayer và Salovey. Người tham gia khảo sát sẽ thực hiện các nhiệm vụ được thiết kế để đánh giá khả năng nhận thức, xác định, hiểu và quản lý cảm xúc của họ. Hoặc “Bảng kiểm kê năng lực xã hội và cảm xúc – ESCI” dựa trên một công cụ cũ hơn được gọi là “Bảng câu hỏi tự đánh giá”. Bài kiểm tra này được thiết kế để đánh giá khả năng xã hội và cảm xúc, giúp phân biệt những người là nhà lãnh đạo mạnh mẽ.
Trí tuệ cảm xúc có thể được phát triển và cải thiện thông qua việc tự giáo dục và thực hành. Điều quan trọng là không ngừng phát triển khả năng này để cải thiện sự tự tin và quan hệ xã hội.
TRƯƠNG THANH THÙY
Cùng tìm hiểu và phát triển thông minh cảm xúc thông qua trang Khai sáng tại app ANSpace.