“Chánh niệm là nhận thức từng khoảnh khắc ở hiện tại mà không phán xét.” – đây có thể xem là định nghĩa chính xác nhất để tham khảo nếu chúng ta muốn tìm hiểu để thực hành chánh niệm. Và, từ định nghĩa này, chúng ta có thể thấy rằng, chánh niệm là một trạng thái mà ai cũng có thể thực hiện chứ không phải là năng lực chỉ một vài người đạt được.
Vậy, những lợi ích thực tế mà chánh niệm đem lại cho cuộc sống của chúng ta là gì?
Dưới đây là phác họa ngắn gọn những lợi ích của việc thực hành chánh niệm, được chứng nghiệm bằng những nghiên cứu khoa học.
Trước nhất, chánh niệm giúp con người cải thiện trí nhớ và tăng khả năng chú ý.
Theo một nghiên cứu vào năm 2010, kết quả khi so sánh những quân nhân tham gia thực hành đào tạo thiền chánh niệm trong tám tuần với những người không thực hành đã cho thấy rằng việc rèn luyện chánh niệm giúp tăng khả năng ghi nhớ khi làm việc. Một nghiên cứu khác của Hodgins và Adair (2010) đã so sánh hiệu suất của nhóm người thực hành chánh niệm và nhóm không thực hành. Những người thực hành thiền chánh niệm cho thấy khả năng chú ý của họ cao hơn. Mà chúng ta đều biết rằng, hiệu quả công việc đến từ sự tập trung, chú ý có chọn lọc.
Tiếp đến, khoa học chứng minh rằng, thực hành chánh niệm giúp nâng cao sức khỏe tâm thần.
Thực hành chánh niệm có nghĩa chúng ta có thể tự quan sát cảm xúc và tiến trình tinh thần của chính mình – lùi lại quan sát chính mình và cảm nhận chúng như những sự kiện thoáng qua; chứ không cuốn theo những cảm xúc, suy nghĩ mà quên mất hiện tại xung quanh. Khả năng này được nghiên cứu trong quá trình tâm lý trị liệu giúp tránh tái phát trầm cảm. Liệu pháp giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm (MBSR) cho thấy các triệu chứng rối loạn lo âu đã giảm đáng kể trên những bệnh nhân thực hành chánh niệm.
Chánh niệm cũng là phương pháp hữu hiệu để giảm căng thẳng, điều hòa cảm xúc.
Kết quả nghiên cứu về chánh niệm và cảm xúc cho thấy những người có kinh nghiệm thực hành thiền chánh niệm có khả năng điều hòa cảm xúc tốt hơn. Họ tập trung nhiều hơn vào thực tại ngay cả khi có những tác nhân gây cảm xúc khó chịu; đó là cơ sở để họ có thể điều hòa và làm chủ cảm xúc của bản thân.
Thực hành chánh niệm giúp chúng ta tập trung vào trải nghiệm hiện tại với những suy nghĩ, cảm xúc cân bằng và mang tính chấp nhận nhiều hơn. Điều này giúp cân bằng hoạt động của não bộ; đồng nghĩa với việc chúng ta có thể cải thiện giấc ngủ, giảm bớt căng thẳng cuộc sống, hạn chế tình trạng kiệt quệ trong công việc.
Vậy chánh niệm có thể bị lạm dụng không và nó sẽ đem đến những nguy cơ nào?
Đây là một vấn đề mà chúng ta cần lưu tâm để tìm hiểu kỹ lưỡng. Chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận rằng, thực hành chánh niệm có một số điểm tương đồng với thể thao. Nghĩa là, ở mức độ phù hợp thì sẽ đem đến những thành tựu trong đời sống; tuy nhiên, việc lạm dụng chánh niệm cũng có thể đem lại một số nguy cơ. Ví dụ như, việc quan sát chính mình quá nhiều có nguy cơ gây giảm khả năng trải nghiệm thực tế của chúng ta. Sẽ có một số người sử dụng chánh niệm để tránh các nhiệm vụ khó khăn bằng cách lựa chọn rút vào trạng thái chánh niệm thay vì giải quyết vấn đề. Đây là một ví dụ điển hình cho việc lạm dụng chánh niệm khiến bản thân chúng ta trở nên thụ động, thiếu sáng tạo.
Và dù khá hiếm nhưng một số trường hợp lạm dụng chánh niệm quá mức gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần. Cụ thể là làm tăng nặng các triệu chứng tâm thần tiềm tàng như ảo giác, tri giác sai thực tại, giải thể nhân cách… Thế nên, vấn đề mà chúng ta cần lưu ý đó là tìm hiểu, nghiên cứu một cách nghiêm túc và thực hành chánh niệm có khoa học, phù hợp với bản thân mình.
Vậy, chúng ta nên bắt đầu thực hành chánh niệm như thế nào?
Như đã nói ở trên, chánh niệm là một trạng thái ai cũng có thể thực hiện được. Và mở rộng hơn thì chánh niệm là phương pháp mà chúng ta có thể thực tập mọi lúc, mọi nơi; chỉ cần bám sát những bước thực hành sau.
Dành một vài phút để nhận biết hơi thở của mình. Nhận thức được làm thế nào hơi thở của chúng ta đi vào và đi ra, làm thế nào bụng của ta tăng và giảm theo từng hơi thở.
Hãy lưu ý bất cứ điều gì ta đang làm – trong khi đang ngồi, ăn hoặc thư giãn. Lưu ý ở đây và bây giờ, hãy lưu ý cảm giác cơ thể chúng ta với từng chuyển động. Nếu đang ăn, hãy tập trung vào hương vị, màu sắc và chi tiết thực phẩm của mình.
Nếu đang đi đâu đó, hãy tập trung vào từng bước chân của mình. Chú ý nhiều hơn về những gì ta đang làm khi bước đi – thật cụ thể, thật chi tiết. Sau đó, chuyển tất cả sự chú ý vào cảm giác nơi bàn chân của ta.
Thực hành chánh niệm là ý thức rõ ràng rằng, chúng ta không cần phải làm việc, suy nghĩ mọi lúc; đôi khi, ta phải cho mình quyền được thư giãn một cách trọn vẹn – ở đây và ngay lúc này! Nếu nhận thấy bản thân không thể dừng lại với suy nghĩ, chỉ cần tập trung một lần nữa vào hơi thở của mình.
Nếu không phải trong thời gian nghỉ ngơi, thư giãn thì sao? Chúng ta vẫn hoàn toàn có thể thực hành chánh niệm. Hãy xem chánh niệm là một phần trong cuộc sống của mình. Thử lắng nghe theo cách hoàn toàn không phán xét – lắng nghe người khác nói, quan sát cảm xúc và suy nghĩ của bản thân. Đơn giản là đừng phán xét và đừng cố gắng thay đổi gì cả. Nếu nhận ra bản thân mình đang phán xét, chúng ta chỉ cần đưa ý thức trở về với hơi thở, cho mình một khoảng yên tĩnh hoàn hảo; và sau đó, chúng ta nhìn, nghe mọi thứ quanh mình bằng sự tỉnh thức mà chánh niệm đem đến.
TRƯƠNG THANH THÙY
Cùng thực hành Thiền định trên app ANSpace bằng cách vào mục Tìm kiếm (Nhập từ khóa) => Thiền định
Tải và trải nghiệm ngay app ANSpace:
– IOS: https://apple.co/3xoPaJN
– Android: https://bit.ly/3aPxRK8