“Hạnh phúc là được là chính mình. Bạn không cần phải được thừa nhận bởi người khác. Chỉ cần chính bạn thừa nhận mình là được rồi.” (Thiền sư Thích Nhất Hạnh)
Từ ngàn năm nay, mối quan hệ giữa sống thật và hạnh phúc chủ quan đã là chủ đề mang tính triết học nhân sinh phổ biến từ Đông sang Tây. Trong Luận Ngữ, Khổng Tử từng đặt giả thuyết tạm dịch như sau: “Liệu một người có phải đang thật với chính mình khi luôn cảm thấy hạnh phúc dù mọi người không công nhận anh ta?”. Giả thuyết này nhấn mạnh mối tương quan chặt chẽ giữa tính chân thật và hạnh phúc chủ quan đồng thời nghi vấn về vai trò của sự công nhận từ người khác đối với hạnh phúc cá nhân. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đưa ra câu trả lời rất rõ ràng cho giả thuyết trên: “Hạnh phúc là được là chính mình. Bạn không cần phải được thừa nhận bởi người khác. Chỉ cần chính bạn thừa nhận mình là được rồi.” Liệu đây có phải là một sự thật hay chỉ là một ý tưởng triết lý mơ hồ? Hãy cùng tìm hiểu quan điểm của thiền sư dưới góc nhìn khoa học.
1. Mối tương quan giữa sống thật và hạnh phúc dưới góc nhìn khoa học
Trong những thập kỷ qua, nhiều học giả đã nghiên cứu để làm sáng tỏ mối quan hệ giữa lối sống thật và hạnh phúc chủ quan. Sống thật, hay tính xác thực với bản thể (authenticity), đề cập đến sự nhất quán giữa hành vi, biểu hiện bên ngoài, với các nhận thức, niềm tin, kinh nghiệm, và cảm xúc bên trong mỗi người; đồng thời hạn chế ảnh hưởng từ các mong đợi, quy chuẩn từ người khác và xã hội lên hành vi và nhận thức. Giáo sư Goldman và Kernis, hai học giả tâm lý học hàng đầu tại Mỹ, đã xác định sự tự nhận thức (self-awareness) và sự chấp nhận bản thân (self-acceptance) là hai yếu tố quan trọng để có thể thực hành lối sống chân thật.
Nhà tâm lý học người Mỹ, giáo sư Ed Diener, đã định nghĩa hạnh phúc theo hai hướng: hạnh phúc dựa trên cảm xúc và hạnh phúc dựa trên đánh giá. Hạnh phúc dựa trên cảm xúc liên quan đến việc trải nghiệm nhiều cảm xúc tích cực và ít cảm xúc tiêu cực. Hạnh phúc dựa trên đánh giá liên quan đến mức độ hài lòng tổng thể về cuộc sống và trong từng lĩnh vực khác nhau của cuộc sống, như công việc, mối quan hệ, và sức khỏe. Mức độ hạnh phúc chủ quan là một yếu tố quan trọng đối với sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần. Nghiên cứu đã chỉ ra người hạnh phúc thường có tuổi thọ cao hơn đáng kể so với những người không hạnh phúc.
Bằng cách sử dụng các thang đo tự đánh giá, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức độ xác thực với bản thể liên quan chặt chẽ tới mức độ hạnh phúc cá nhân. Một khảo sát từ 3 trường đại học Manchester, Leicester và Nottingham, Anh, trên hơn 200 đối tượng phát hiện ra khi mức độ xác thực với bản thể tăng lên thì các thước đo hạnh phúc chủ quan, bao gồm mức độ hài lòng trong cuộc sống (life-satisfaction) và lòng tự trọng (self-esteem) cũng tăng lên. Tương tự, Vào năm 2014, các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Louisiana, Mỹ đã công bố các dữ liệu được thu thập từ hơn 200 sinh viên về mức độ xác thực với bản thể và mức độ hài lòng trong cuộc sống của họ. Kết quả cho thấy những người sống thật hơn sẽ hài lòng hơn với cuộc sống của họ trong nhiều tháng sau đó. Những nghiên cứu trên đã cung cấp những bằng chứng thực tế chứng minh sống thật sẽ thực sự cải thiện hạnh phúc cá nhân như quan điểm của thiền sư Thích Nhất Hạnh.
2. Giải thích cơ chế tác động tích cực của việc sống thật lên hạnh phúc chủ quan
Năm 2008, các nhà khoa học từ đại học Georgia, Mỹ, đã thực hiện một nghiên cứu để tìm hiểu cơ chế tương tác giữa mức độ sống thật và hạnh phúc chủ quan. Họ phát hiện ra khả năng tự nhận thức (self-awareness) – một khía cạnh quan trọng của tính xác thực với bản thể, có thể tác động trực tiếp tới mức độ hạnh phúc cá nhân. Bằng cách tự nhận thức, chúng ta có thể tự đưa ra những quyết định phù hợp với bản chất của mình. Chính sự nhất quán giữa phản ứng bên ngoài và cảm xúc, suy nghĩ, nhận thức bên trong của một người làm giảm xung đột nội tâm (self-discrepancies) và bất đồng nhận thức cá nhân (cognitive dissonance), đây là hai yếu tố gây ra rối loạn cảm xúc, lo âu và trầm cảm; đồng thời thúc đẩy sự chấp nhận (self-acceptance) và bao dung (self-compassion) đối với bản thân và giúp người sống thật có tâm lý tích cực và cuộc sống cân bằng hơn.
Năm 2022, giáo sư Goldman và Kernis cũng đã chứng minh những người sống thật ít bị tác động bởi những áp lực xã hội hay ảnh hưởng từ người khác. Do đó họ dễ có được cảm giác thỏa mãn khi cho phép bản thân sống theo những niềm tin và giá trị mình đã lựa chọn. Cơ chế này phù hợp với học thuyết tự quyết (Self-determination theory), trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đáp ứng các nhu cầu tâm lý bẩm sinh bao gồm nhu cầu tự chủ khi thực hiện hành vi bất kỳ. Hành động chân thành là một biểu hiện đáp ứng quyền tự chủ, từ đó gợi ý con đường dẫn đến hạnh phúc thông qua sống thật.
Ngoài ra, một nghiên cứu công bố bởi đại học Oxford, Anh, năm 2002, cũng phát hiện khi mức độ sống thật càng tăng thì các mức độ triệu chứng các rối loạn tâm lý như trầm cảm, lo âu và căng thẳng càng giảm. Do đó, bằng cách sống chân thực hơn, chúng ta có khả năng giảm sự xuất hiện của những cảm giác tiêu cực, từ đó nâng cao hạnh phúc chủ quan.
Tương tự, một nghiên cứu khác chỉ ra các cá nhân với mức độ sống thật cao hơn thì ít có xu hướng tự lừa dối bản thân (self-deception), xu hướng bóp méo thực tế để duy trì hình ảnh tích cực về bản thân. Nhờ đó, các cá nhân đó có thể phát triển cái nhìn khách quan, chính xác hơn về bản thân và môi trường xung quanh, giúp họ có những phản ứng và chiến lược phù hợp với thực tế và năng lực, đem lại nhiều thành quả hơn và nâng cao mức độ hài lòng trong cuộc sống.
3. Chánh niệm giúp con người sống thật hơn
Với câu hỏi “liệu sống thật có giúp con người hạnh phúc hơn?”, những quan điểm triết học đã được bổ sung bằng những nghiên cứu khoa học vững chắc. Mối tương quan giữa sống thật và hạnh phúc đã được khẳng định thông qua nhiều nghiên cứu. Cụ thể, sống thật, hay xác thực với bản thể, giúp con người giảm bớt sự xung đột nội tâm và tạo ra cảm giác mãn nguyện khi được tự chủ cuộc sống. Ngược lại, không sống thật thường liên quan tới tăng các rối loạn tâm lý như trầm cảm, lo âu và căng thẳng.
Tóm lại, sống thật giúp giảm thiểu các cảm giác tiêu cực và mở ra cánh cửa cho hạnh phúc chủ quan, tự do và lòng tự trọng. Chính vì thế câu nói của thiền sư Thích Nhất Hạnh “Hạnh phúc là được là chính mình. Bạn không cần phải được thừa nhận bởi người khác. Chỉ cần chính bạn thừa nhận mình là được rồi.” đã không còn đơn thuần là một lời dạy của bậc hiền triết hay một nhà sư, mà đã trở thành một quy luật sống rất thực tế, một phương pháp sống rất khoa học.
Thiền chánh niệm đã thu hút được sự chú ý trong các nghiên cứu tâm lý học vì tiềm năng cải thiện mức độ sống thật của cá nhân. Khi thực hành chánh niệm, chúng ta được khuyến khích quan sát, và chấp nhận những suy nghĩ và cảm giác của mình ở thời điểm hiện tại với thái độ cởi mở, không phán xét, từ đó thúc đẩy sự tự nhận thức, một khía cạnh quan trọng của lối sống thật.
Năm 2007, Phó giáo sư Heppner và các cộng sự từ đại học bang Georgia, Mỹ, đã phát hiện những người thực hành thiền chánh niệm thường xuyên có mức độ xác thực với bản thể cao hơn hẳn những người không thực tập thiền.
Một nghiên cứu khác đã ủng hộ quan điểm thực hành chánh niệm có thể cải thiện mức độ sống thật với bản thân và nâng cao hạnh phúc chủ quan bằng cách giảm nhu cầu được xã hội chấp thuận và xu hướng đề cao bản thân. Những xu hướng này thường cản trở lối sống thật vì chúng thúc đẩy mọi người thể hiện bản thân theo những cách không đồng nhất với con người thật của họ nhằm tạo hình ảnh bên ngoài để hài lòng người khác. Những nghiên cứu này, chỉ là số nhỏ trong hàng chục nghìn nghiên cứu về tác dụng tích cực của thiền chánh niệm lên chất lượng cuộc sống.
DƯƠNG NGỌC VŨ
Cùng tìm hiểu những góc nhìn mới, kiến thức hữu ích trên Ứng dụng ANSpace tại Trang Khai sáng.