Hầu như tất cả chúng ta, những người trưởng thành, dù ít dù nhiều đều mang trong mình những “vết thương tâm hồn” và việc chữa lành chúng là điều cần thiết, để giúp bạn cân bằng cảm xúc, nuôi dưỡng năng lượng tích cực và biết yêu thương bản thân mình nhiều hơn.
Chúng ta dường như quá quen với việc chữa lành những vết thương trên thân thể – vốn là những cơn đau có tên gọi rõ ràng và được khắc chế bằng thuốc điều trị riêng. Trong khi đó, những bất ổn về tâm lý lại là vấn đề thường bị phớt lờ và bỏ mặc.
I. Vết thương tâm hồn là gì?
Vết thương tâm hồn là những tổn thương tâm lý bên mỗi người. Những tổn thương này bắt nguồn từ một vấn đề tiêu cực hoặc biến cố lớn nào đó đã từng xảy đến với bạn. Chúng có thể đến từ các tác động tâm lý từ thời thơ ấu như từng bị đối xử bất công, bị cô lập hay bị bạo hành thể xác hoặc tinh thần,… Hoặc cũng có thể là hệ quả của việc trải qua những thất bại liên tiếp, cú sốc mất mát người thân, hoặc cũng có thể đơn giản là cảm giác không có người cạnh bên sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ.
Những vết thương lòng này sẽ gieo vào chúng ta nỗi sợ, sự bất an và cảm giác thiếu an toàn. Tuy là những vết thương vô hình và không chạm tay đến được nhưng chúng có thể “cựa mình” thức dậy và ngăn cản chúng ta tìm đến hạnh phúc. Khi không được giãi bày kịp thời, chúng còn có thể tác động đến cảm xúc, khiến tâm hồn ta khô héo dần từ bên trong và ảnh hưởng đến việc hình thành tính cách, con người ta về sau.
Giữa guồng quay cuộc sống, bất kỳ ai cũng có thể trở thành người mang vết thương tâm hồn, dù nhiều hay ít. Bởi lẽ đó, điều quan trọng không phải là giữ cho tâm hồn mình như trang giấy trắng không một vết trầy xước, mà chính là cách bạn đối mặt và tự chữa lành những vết thương đó như thế nào để mỗi vết thương đều trở nên có ý nghĩa.
II. Các cách chữa lành vết thương tâm hồn
Nếu không có “vắc xin” phòng ngừa cho những vết thương tâm hồn, vậy thì bạn hãy tự mình nạp vào những kháng thể mang tên gọi an yên và hạnh phúc. Tuy đây là một hành trình dài và không mấy dễ dàng, song việc chữa lành những tổn thương sẽ giúp bạn sắp xếp và cân bằng lại cảm xúc, đưa bản thân về lại đúng quỹ đạo.
Hành trình này cần bạn bắt đầu từ những điều bé mọn và giản đơn nhất.
1. Dũng cảm đối mặt với những vết thương
Bạn không thể chữa lành những tổn thương nếu cứ cố tình né tránh chúng. Cơn đau từ những vết thương lòng có thể sẽ vẫn mãi âm ỉ từng chút nếu liên tục bị bạn phớt lờ. Nó sẽ vẫn ở đó, dai dẳng trong nỗi lòng, tạo thành một mảng mờ nơi tâm khảm của mỗi người.
Do đó, hãy dũng cảm nhìn nhận lại và lắng nghe chính mình, lắng nghe những thổn thức nơi trái tim của bạn. Đây là lúc để bạn đối diện một cách nghiêm túc với những vết thương hỗn độn bên trong, sắp xếp lại chúng và chuyển hóa thành nguồn năng lượng ý nghĩa cho bản thân.
Khi dũng cảm đối mặt, tức là bạn đã chấp nhận sự tồn tại của những vết thương. Khi đó, bạn sẽ hiểu ra mấu chốt của sự chữa lành. Đó không phải là điều làm bạn quên đi những vết xước tâm hồn kia, mà là giữ cho tâm trí bạn thư thái và an yên ngay giữa những chằng chịt vết thương, để biết cách yêu đời và yêu người hơn.
2. Hòa mình với thiên nhiên
Chữa lành vết thương tâm hồn nhờ liệu pháp thiên nhiên sẽ mang cho bạn cảm giác êm ái, dịu dàng. Thả mình vào thiên nhiên xanh mát, tưới tắm tâm hồn với vẻ đẹp thanh khiết của đất trời mang cho bạn những xúc cảm đặc biệt.
Nếu đang chất chứa nhiều lo âu phiền não, bạn hãy lắng lòng mình một chút. Hòa mình theo tiếng gió reo khẽ lay cành lá, lắng nghe tiếng chim ca ríu rít chuyền cành, hay khẽ chạm đôi chân trần lên mặt cỏ mịn êm. Mỗi sự kết nối nhẹ nhàng với thế giới tự nhiên đều sẽ giúp bạn cảm nhận hơi thở của sự sống đang lan tỏa. Nguồn năng lượng sống cũng nhờ thế mà ắt tự tràn đầy, và tâm hồn bạn cũng được sưởi ấm bằng những tia nắng sớm.
3. Nghe nhạc, đọc sách và viết để giải tỏa
Bạn có thể tự giúp mình vượt qua những cảm xúc tiêu cực, bước qua những tổn thương, đưa bản thân về lại quỹ đạo nhờ những việc đơn giản như: nghe một bài nhạc mình thích, đọc một cuốn sách ý nghĩa, hoặc đơn giản là viết ra giấy những vấn đề, những bận tâm mà mình đang gặp phải.
Cách này giúp bạn cân bằng và giải tỏa tâm trạng. Khi cảm xúc được vỗ về kịp thời, sẽ giúp tâm hồn ngăn được sự tích tụ những cảm giác khó chịu và bực dọc. Nhờ đó bảo vệ bạn khỏi những tổn thương không đáng có.
4. Tập thể dục, hoạt động nhẹ nhàng
Bạn không thể cứ hành hạ cảm xúc của mình và day dứt hoài với những mặc cảm chỉ vì một ai đó đã từng làm bạn tổn thương trong quá khứ. Hãy để những tổn thương của mình được chữa lành bằng việc yêu thương bản thân nhiều hơn.
Những hoạt động thể chất thích hợp để giữ cho tâm hồn luôn trẻ khỏe, vỗ về cảm xúc và tạo nên nguồn năng lượng tích cực. Bạn có thể chọn những bài tập thể dục, yoga nhẹ nhàng, đơn giản hơn là đi bộ thả lỏng, hoặc đôi khi, một cái vươn vai cũng có thể giúp bạn giải tỏa phần nào tâm trạng tiêu cực.
5. Thực hành thiền
Thiền định là một phương pháp hiệu quả để chữa lành những vết thương tâm hồn. Khi thực hành thiền đúng cách, bạn sẽ buông xuống mọi phiền não, đạt đến sự bình an.
Ngồi thiền còn là liệu pháp chữa lành, cân bằng cảm xúc bên trong, hướng tinh thần đến sự an nhiên tự tại và tạo ra năng lượng tích cực. Nhờ đó, bạn sẵn sàng đón nhận những điều bất như ý, những khó khăn, thách thức trong cuộc sống.
III. Tổng kết
Vết thương tâm hồn là những tổn thương bên trong mà ai cũng có thể từng hoặc đang phải gánh chịu. Tuy nhiên đừng để những vết xước này lớn dần và giày vò tinh thần bạn. Cũng đừng che giấu hay lảng tránh mà thay vào đó, hãy dũng cảm đối diện để chuyển hóa chúng thành nguồn năng lượng bình an và hạnh phúc. Bởi, nói như Trịnh Công Sơn là: “Mỗi vết thương lành, một nỗi vui”!
VƯƠNG TÂM NGUYÊN
Bạn có thể thực hành phương pháp giúp xoa dịu tinh thần với Ứng dụng AN Space. Click vào nút bên dưới để tải Ứng dụng và dùng thử hoàn toàn miễn phí.
AN mong chúc bạn luôn cảm thấy biết ơn và hạnh phúc từ những điều nhỏ bé xung quanh.