“Mindfulness” hay chánh niệm là nội dung đang được quan tâm trong giai đoạn hiện nay, khi cuộc sống có quá nhiều khó khăn, áp lực tinh thần. Mindfulness có nghĩa là biết những gì mình đang làm và tập trung toàn bộ ý thức vào việc ấy. Đưa lối sống mindfulness vào đời sống gia đình sẽ giúp gắn kết tình cảm giữa các thành viên, cải thiện sức khỏe tinh thần cho mỗi người.
Đưa các thực hành chánh niệm “không chính thức” vào cuộc sống hàng ngày là một trong những phương pháp để các bậc phụ huynh có thể hướng dẫn con tập trung vào việc đang làm và biết tận hưởng giây phút hiện tại. Và từng bước như thế, cha mẹ có thể giúp con tiếp cận với phương pháp thực hành chánh niệm sâu hơn, như “thiền chánh niệm”; để con có thể phát triển bản thân một cách trọn vẹn.
Một số kinh nghiệm quý giá nhất của “chánh niệm không chính thức” đến từ việc đánh giá lịch hàng ngày của gia đình một cách đơn giản. Tức là, cha mẹ và con cái sẽ xem xét, bàn bạc và thống nhất một ngày duy nhất để tất cả các thành viên trong gia đình cùng thực hành việc quan sát, để ý những cảm giác trong cơ thể mình trước tất cả mọi hoạt động trong ngày.
Lưu ý rằng, gia đình chỉ nên chọn một ngày trong tháng; sau đó có thể tăng dần lên thành một ngày trong tuần. Cơ bản đừng quá vội vàng, đừng thể hiện sự thúc ép với trẻ, nhất là những trẻ trong độ tuổi dưới 10. Và, nếu một hoặc các thành viên không thể ghi nhớ việc để ý đến cảm giác của cơ thể, hãy bình tĩnh nhắc nhở. Hãy ghi nhận, cho dù các thành viên chỉ có thể thực hành ở một vài việc trong cả ngày.
Trong giai đoạn bắt đầu thực hành, cha mẹ nên để ý quan sát thật kỹ, lắng nghe chia sẻ của con một cách cẩn trọng. Nếu con gặp phải những vấn đề như nhận thấy cơ thể căng lên hoặc bụng thắt lại khi nghĩ về việc phải hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ nào trong ngày, cha mẹ cần có mặt kịp thời. Đó là lúc các bậc cha mẹ nên truyền thông lại với con, rằng thực hành chánh niệm không phải một nhiệm vụ. Đó là một cơ hội để con cảm nhận bản thân và việc con đang làm rõ ràng hơn mà thôi!
Tại sao chúng ta không nên đưa ra lịch biểu thực hành “chánh niệm không chính thức” quá dày à? Vì xây dựng lịch biểu cho mỗi ngày là một việc làm cần thiết mà bất kỳ ai cũng nên thực hành. Tuy nhiên, với trẻ con, đây là một trong những thói quen cần thời gian dài để làm quen và biến thành yếu tố cần phải có trong cuộc sống. Đặt ra lịch biểu nghĩa là phải cam đoan hoàn thành. Nếu trẻ chưa quen với lịch biểu, sẽ bỏ sót hoặc chống đối một vài phần việc nào đó. Vô hình trung, trẻ sẽ không thể xây dựng lịch biểu cho mình như một thói quen nhất định phải có. Thế nên, hãy đảm bảo rằng cha mẹ sẽ truyền thông cho con hiểu đúng giá trị của một lịch biểu. Và hãy đảm bảo cho con đủ thời gian để xây dựng thói quen này.
Ngoài ra, dựa trên lịch biểu này, cha mẹ cũng sẽ có cơ sở để hướng dẫn con cách phân chia công việc quan trọng. Đặt giả sử, vào giờ con làm bài tập, nếu một thành viên khác đưa ra yêu cầu hoặc một lời đề nghị giúp đỡ, con sẽ nói “không” như thế nào cho hợp lý. Đây là một bài thực hành không hề đơn giản. Vì cha mẹ cần giáo dục con hai vấn đề hoàn toàn không liên quan đến nhau. Thứ nhất là tính hỗ trợ khi người khác cần sự giúp đỡ. Thứ hai là con phải biết nói không một cách hợp lý – nghĩa là đúng thời điểm, đúng hoàn cảnh với thái độ tích cực.
Những câu hỏi gợi mở, những lời động viên, nhắc nhở kịp thời là rất quan trọng trong quá trình cùng nhau xây dựng lịch biểu gia đình. Cha mẹ hãy giúp con hiểu rằng, lịch biểu là phương thức để con tiếp cận với các hoạt động cần thiết trong ngày một cách khoa học. Giúp con trở nên chu đáo hơn, chính xác hơn khi đưa ra lựa chọn. Và cũng giúp con sử dụng thời gian hiệu quả nhất.
Những câu hỏi mang tính chia sẻ sẽ giúp con thoải mái hơn khi thực hành chánh niệm, giảm nguy cơ chống đối của trẻ. Cha mẹ có thể quan sát và trò chuyện; hoặc có thể thẳng thắn đặt câu hỏi với con và cùng nhau tìm ra giải pháp nếu nhận thấy con mình chưa thật sự thoải mái với phương pháp này. Và dưới đây là một số câu hỏi gợi ý mà cha mẹ có thể tham khảo để áp dụng vào việc thực hành chánh niệm trong mọi hoạt động của gia đình.
“Đây là hoạt động mà con thật sự muốn làm, hay chỉ là việc con cảm thấy bắt buộc phải làm?”
“Con cảm thấy có bao nhiêu hoạt động trong số này làm lãng phí thời gian của mình?”
“Thế, những hoạt động khác của con – như thể thao, ngoại khóa – có bị ảnh hưởng bởi hoạt động của gia đình mình không?”
“Con nghĩ con có thể đưa những gì con học được từ việc thực hành này vào cuộc sống của con chứ?”
Cứ thế, chậm rãi và kiên trì, quan sát và động viên kịp thời, cha mẹ sẽ có thể cùng con quan sát cảm giác cơ thể từ những việc rất đơn giản, như lau bàn ghế, gấp quần áo… rồi mở dần phạm vi trách nhiệm ra. Đến một lúc, trẻ sẽ nhận thấy việc thực hành chánh niệm là một việc thú vị và dễ dàng.
TRƯƠNG THANH THÙY
Cùng thực hành các bài tập “đồng hành cùng con” trên app ANSpace bằng cách vào mục Tìm kiếm (Nhập từ khóa) => Cha mẹ & trẻ em
Tải và trải nghiệm ngay app ANSpace:
– IOS: https://apple.co/3xoPaJN
– Android: https://bit.ly/3aPxRK8