Mạnh mẽ không phải là “gồng” lên để chứng tỏ mình, mà là can đảm đối diện với những tổn thương, nỗi đau, những góc khuất bên trong bạn. Tất cả chúng ta đều cần sống với sự thật để trưởng thành.
Có những người trong chúng ta dành cả cuộc đời để đè nén hay chống lại cảm xúc thật của mình. Chúng ta sợ bày tỏ sự giận dữ. Sợ mình trông yếu đuối trong mắt người khác. Ta thậm chí thấy mình ngớ ngẩn khi lỡ cười to. Ta cũng không dám thể hiện rằng ta cần người khác…
Tôi cũng từng như thế.
Khi còn nhỏ, tôi cũng từng bị “miệt thị ngoại hình” – body shaming. Vốn là đứa trẻ hơi quá nhạy cảm, tôi khóc ướt sũng cả thời thơ ấu vì những lý do rất đỗi trẻ con. Sau này biết rằng, mình có lẽ thuộc túyp người “nhạy cảm cao” – highly sensitive person (HSP). Một tâm hồn mỏng manh như thế mà bị đùa dai, đùa ác, đương nhiên là rất xấu hổ và đau khổ!
Và rồi tôi học được cách che dấu cảm xúc của mình. Tôi không muốn mọi người thấy rằng tôi yếu đuối thế nào, tôi mau nước mắt và dễ tổn thương ra sao. Đè nén và chạy trốn cảm xúc trở thành thói quen của tôi đến mãi sau này. Tôi trở thành một cô gái nhút nhát, tự ti, luôn bỏ rơi chính mình để chạy theo làm hài lòng người khác. Hệ quả của việc đó đem lại cho tôi biết bao rắc rối: căng thẳng, kiệt sức, bị hiểu nhầm, bị coi thường…
Sau này, khi đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống và tìm hiểu, nghiên cứu về những phương pháp chữa lành, tôi mới học được cách can đảm đối diện với cảm xúc của bản thân thay vì trốn tránh. Và tôi nhận ra rằng, biết bao nhiêu người cũng đang vật lộn với mớ hỗn độn bên trong họ – được tạo nên bởi những cảm xúc bị kìm nén lâu ngày.
Nhiều người tìm cách giải tỏa bằng các chất gây nghiện, bằng những cuộc vui, bằng cách lao vào công việc hoặc tìm kiếm sự bù đắp từ bên ngoài: tiền tài, danh vọng, sự công nhận của người khác…Nhưng sâu thẳm trong họ là sự trống rỗng và cô đơn.
Ngược lại với sự buông thả quá mức, nhiều người bị ám ảnh bởi sự kiểm soát. Luôn cố gắng kiểm soát mọi thứ trong cuộc sống, bao gồm cả cảm xúc của chính mình. Nhưng làm sao ta có thể nào đè nén cảm xúc mãi được. Chúng sẽ, bằng cách nào đó, tràn ra ngoài, đôi khi với một sự ồ ạt đáng sợ. Và khi đó, sự bùng nổ cảm xúc thường sẽ gây hại cho bạn hơn là có lợi.
Tôi học được rằng, để chữa lành những vết thương cảm xúc của mình, ta phải nhận diện, lắng nghe mà không phán xét. Cảm xúc chỉ là cảm xúc, chúng không đúng, cũng chẳng sai. Nếu ta nhận biết cơn giận đang có mặt trong mình với một thái độ khách quan, như nhìn vào một điều gì đó không – thuộc – về – ta, và ta không thể can thiệp, thì điều gì sẽ xảy ra? Cơn giận sẽ diễn biến theo chu trình tự nhiên của nó. Thường là sau khi bùng lên, nó sẽ đi đến cao trào, rồi sẽ dần dần giảm cường độ và biến mất.
Nếu bạn thường xuyên quan sát các cảm xúc của mình, bạn sẽ thấy rằng, cảm xúc biến đổi rất nhanh. Và rằng, bạn không thể kiểm soát cảm xúc bằng cách áp chế, trốn chạy, đè nén. Bạn sẽ học được nhiều điều từ việc quan sát ấy, sẽ thấu hiểu bản thân mình hơn. Từ đó, bạn cũng thấu hiểu người khác hơn.
Chúng ta thường được dạy rằng: yếu đuối, buồn bã là không tốt; rằng ta nên giữ cho tâm trạng của mình tích cực và cố gắng trở nên mạnh mẽ. Đó là một trong những lý do khiến ta luôn muốn che dấu và trốn tránh những cảm xúc tiêu cực. Nhưng mạnh mẽ không phải là “gồng” lên để chứng tỏ mình, mà là can đảm đối diện với những đau khổ, tổn thương, những góc khuất bên trong bạn.
Ta đang nói về việc không nên che dấu và kìm nén cảm xúc thái quá. Và đến đây, chắc hẳn nhiều bạn sẽ đặt câu hỏi: vậy phải chăng, ta nên bày tỏ hết, thể hiện ra mọi cảm xúc bên trong? Cũng không hẳn. Việc thể hiện phải linh hoạt, uyển chuyển, tùy thuộc hoàn cảnh. Khi cần mềm dẻo thì mềm dẻo, khi cần cứng rắn thì phải cứng rắn. Nhưng dù chọn cách nào, điều quan trọng là thái độ của bạn, là tâm của bạn lúc đó. Nếu động cơ của bạn xuất phát từ sự nhìn nhận sáng suốt, khách quan, từ niềm mong muốn đem lợi ích đến cho mình và cho người, thì bạn sẽ có cách thể hiện phù hợp.
Đôi khi việc bày tỏ cảm xúc của mình khiến bạn phải trả giá bằng sự mâu thuẫn trong mối quan hệ, bằng việc đánh mất cảm tình hoặc thậm chí là tình cảm của người khác. Nhưng nếu nó là điều cần thiết, bạn hãy dũng cảm chấp nhận những hậu quả như vậy. Làm thế là vì bạn, và cả vì người kia. Tất cả chúng ta đều cần sống với sự thật để trưởng thành!
Việc kìm nén cảm xúc có thể dẫn đến nhiều hệ lụy: Sự lo lắng, trầm cảm, mệt mỏi kinh niên, chứng đau nửa đầu… Và cuối cùng, điều đó nghĩa là giả vờ, là dối trá. Về lâu dài, ta sẽ căm ghét chính mình hoặc không tôn trọng mình nữa.
Và, dường như hầu hết mọi người sống trên trái đất này, ai cũng muốn được là chính mình mà vẫn được yêu thương.
Chúng ta thường lo sợ sự phán xét của người khác. Nhưng đôi khi, ta phải dũng cảm để tránh cái “bẫy” được mọi người chấp nhận và đánh giá tốt. Ta phải dũng cảm để cho người khác thấy cả mặt tốt đẹp, lần phần xấu xí của mình. Mà cũng có thể, ta nghĩ đó là “xấu xí”, nhưng trong mắt những người khác, chưa hẳn là như vậy.
Hãy ở lại với những cảm xúc của mình dù đó là niềm vui, sự hào hứng hay là nỗi buồn, sự lo lắng, cơn giận… Mọi cảm xúc trong ta đều là những thông điệp mà ta phải “đọc” chúng một cách cẩn thận, để hiểu điều mà chúng muốn nhắn nhủ. “Ở lại” nghĩa là lắng nghe với một trái tim cởi mở, một thái độ bình thản, khách quan. “Ở lại” không có nghĩa là đắm chìm trong những cảm xúc đó. Khi ta chọn ở lại, nghĩa là ta chọn sống với sự thật, dù đôi lúc có đau đớn, nhưng trong nỗi đau có cả sự bình an lẫn niềm hạnh phúc. Và bạn hãy tin rằng, sống với sự thật là cách sống tuyệt vời nhất, can đảm nhất, tự do nhất.
KIỀU GIANG
Cùng tìm hiểu những kiến thức hay, có tính khai sáng trên app ANSpace bằng cách vào mục Tìm kiếm (Nhập từ khóa) => Khai sáng
Tải và trải nghiệm ngay app ANSpace:
– IOS: https://apps.apple.com/app/an-space/id1619720997
– Android: https://bit.ly/3aPxRK8