Thực tế, khi nền kinh tế phát triển, thu nhập bình quân tăng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người Việt đã sớm tăng trưởng từ nhiều năm trước. Tuy vậy sau đại dịch nhu cầu này càng trở lên rõ nét hơn sau Covid-19, không chỉ thể hiện qua việc cải thiện chế độ ăn uống theo hướng lành mạnh mà còn là nhu cầu chăm sóc toàn diện cho sức khỏe. Bởi lẽ theo Tổng Cục dân số đã thống kê, dù phụ nữ Việt có tuổi thọ trung bình 77,1 nhưng có đến 11 năm sống với bệnh tật. Với nam giới, dù có tuổi thọ trung bình 74,4 nhưng cũng có 8 năm mắc bệnh. Và hiện có 96% người Việt mang gánh nặng bệnh tật kép, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây.
Nắm bắt được nhu cầu của người Việt, gần đây nhiều startup đã phát triển các ứng dụng về chăm sóc sức khỏe trên nền tảng số. Đơn cử như cuối tháng 6/2022 AN Space đã ra mắt hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe toàn diện trên nền tảng số và người tiêu dùng có thể tải về từ Apple Store, Google Play. Ứng dụng này còn được công nhận là hội viên chính thức của Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam.
Đại diện của AN Space chia sẻ về việc ra mắt ứng dụng chăm sóc sức khỏe trong buổi ra mắt mới đây. |
Được biết, ứng dụng AN Space đã xây dựng chuỗi video, audio bài tập vận động, kiến thức dinh dưỡng, được hướng dẫn bởi những huấn luyện viên, những chuyên gia giàu kinh nghiệm, giúp mọi người có thể thực hành và rèn luyện nếp sống khỏe. Mặt khác, AN Space cũng chuẩn bị sẵn mọi thứ để có thể chăm sóc giấc ngủ giúp mọi người có giấc ngủ ngon hơn, giảm căng thẳng, lo âu, hạn chế nguy cơ trầm cảm.
Ông Đặng Trọng Ngôn, nhà sáng lập AN Space – chia sẻ: Chăm sóc cho thể chất – cảm xúc – tâm hồn – trí tuệ luôn là nền tảng hạnh phúc của mỗi con người trong cuộc sống. Để có được điều này mỗi chúng ta cần điều chỉnh thời gian để kiến tạo một nếp sống lành mạnh và cân bằng hơn.
Trước đó, thị trường cũng ghi nhận sự nở rộ của startup chăm sóc sức khỏe trên nền tảng số và thu hút mạnh dòng vốn đầu tư. Có thể kể đến là cuối quý I/2022 – Jio Health đã huy động được 20 triệu USD trong vòng tài trợ Series B. Trong chia sẻ tại vòng gọi vốn, đại diện đơn vị này cũng nhấn mạnh, khi nền kinh tế nói chung và thị trường đầu tư nói riêng chịu tác động tiêu cực bởi Covid-19, các startup công nghệ y tế vẫn có thể duy trì hy vọng, đặc biệt là những startup hỗ trợ các giải pháp ứng phó với đại dịch.
So với dữ liệu cùng kỳ năm ngoái, việc rót vốn cho các startup trong lĩnh vực y tế từ xa (telemedicine) và theo dõi sức khỏe bệnh nhân (patient monitoring) đã tăng trưởng bằng lần so với năm trước dịch là 2019. Sức khỏe tinh thần, một lĩnh vực thường không thu hút nhiều vốn đầu tư thì nay đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia cho thấy đại dịch Covid-19 đã giúp mang đến những tín hiệu tích cực của thị trường này.
Các chuyên gia đánh giá, trên bình diện chung, xu hướng dồn tiền, chọn ngành đầu tư vào startup y tế đã trở nên mạnh mẽ từ đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới. Số liệu mới nhất của báo cáo Startup Health Insights về thị trường vốn vào startup y tế ghi nhận quý I/2020 đã có mức rót vốn kỷ lục chưa từng có là 4,5 tỷ USD vào các startup y tế số, trước khi thị trường bắt đầu suy giảm do đại dịch Covid-19. Đây là mức cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua, và tăng đến 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Báo Công Thương