I. Lắng nghe chính mình là gì?
Lắng nghe chính mình là một trong những tiền đề để chúng ta luyện tập “lắng nghe” người khác bằng tâm, chứ không phải bằng kỹ năng giao tiếp đơn thuần. Tuy nhiên, lắng nghe chính mình không đơn giản như việc ta soi mình trong gương để thấy thần sắc hôm nay có rạng rỡ không, bộ trang phục này có phù hợp cho những hoạt động trong ngày không? Lắng nghe chính mình cần nhiều sự suy tư và lắng đọng, để có thể thấu hiểu, thấu cảm và giao hòa với phần tâm thức sâu kín. Và đó là cả một kỹ thuật, thậm chí là nghệ thuật, mà chúng ta luôn cần phải tự nhắc nhở bản thân rèn luyện mỗi ngày.
II. Ý nghĩa của việc lắng nghe chính mình
Hiểu một cách đơn giản, lắng nghe chính mình là khoảnh khắc khi chúng ta sống chậm lại, tạm gác mọi bận rộn để “chìm đắm” trong sự tĩnh lặng của tâm hồn, tự mình đối diện với những câu hỏi về bản ngã, về những ước mong, cảm xúc… và chân thành lắng nghe câu trả lời của bản thân, để từ đó hiểu hơn về những điều ý nghĩa và quan trọng trong cuộc sống.
III. Hướng dẫn thực hành lắng nghe chính mình
1. Hình thành thói quen tự tạo lập những khoảnh khắc và không gian riêng cho mình.
Hãy dành cho mình một khoảng thời gian nhỏ mỗi ngày, tạm tránh xa những thiết bị điện tử, những phương tiện, kỹ thuật có thể sẽ thu hút bạn hướng tâm trí ra ngoài thế giới. Thay vào đó, hãy thử tập yoga, ngồi thiền, đi bộ trong công viên hay tự mình thưởng thức một tách trà, nghe một bản nhạc… Những điều đơn giản này sẽ cho ta sự tĩnh lặng để kết nối với những suy nghĩ chân thật của chính mình.
Đặc biệt, hãy nghĩ đến việc ngồi thiền mỗi ngày. Đây là khoảng thời gian lắng đọng để tinh thần của ta trở nên dịu nhẹ, an hòa. Ban đầu, có thể chúng ta sẽ cảm thấy rất khó để loại bỏ các ý nghĩ hỗn tạp quanh quẩn trong đầu. Nhưng nếu có thể bình thản với điều ấy, ta có thể phân loại những ý niệm tốt và xấu đang xuất phát từ bản thân mình, từ đó loại bỏ dần các suy nghĩ xấu và nhanh chóng tập trung được khi thiền định.
Khi tâm trí bình hòa, ta sẽ gột rửa được những áp lực và căng thẳng trong cuộc sống và trở nên biết lắng nghe, thấu hiểu chính mình hơn. Thiền cũng sẽ trang bị cho chúng ta những kỹ năng, suy nghĩ cần thiết trước khi hành động và giúp ta có những quyết định đúng đắn, thiết thực. Vấn đề lúc này là ta thấy không hòa hợp với đồng nghiệp? Hoặc khó chịu về cách thức làm việc của sếp? Hay cảm thấy năng lượng tích cực của mình bị tiêu hao mỗi ngày vì công việc không đem lại hứng thú? Chúng ta muốn tìm một môi trường khác tốt hơn, nơi mà có thể đốt cháy đam mê?… Hãy dừng suy nghĩ lại và bắt đầu ngồi thiền. Thời gian lắng đọng này sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về những gì đang xảy ra trong tâm trí mình và từ đó ta có thể xác định rõ con đường cần đi, thay vì chỉ biết thuận theo cảm xúc khó chịu và phản ứng nhất thời trước các tình huống bất lợi hiện tại.
Thực hành thiền chính là một trong những cách kết nối thể xác với tâm trí hiệu quả nhất. Nó giúp chúng ta cải thiện năng suất làm việc, thúc đẩy sức khỏe tinh thần, loại bỏ cảm giác bất an và thư giãn tâm trí. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi tâm trí cũng giống như mầm cây, cần phải nuôi dưỡng. Nếu nuôi dưỡng tốt, nó sẽ cho ta hưởng trái ngọt; nếu không biết cách chăm sóc, nó sẽ trở nên cằn cỗi, khô héo – khi ấy, ta sẽ chỉ cảm thấy tâm thức của mình mòn mỏi mỗi ngày.
2. Rèn luyện khả năng tập trung cao độ.
Trong thời đại công nghệ 4.0, đa số chúng ta thường lãng phí quá nhiều thời gian chìm đắm trong thế giới ảo. Điểm tích cực là nhờ đó, mọi khoảng cách địa lý được xóa nhòa, sự giao tiếp, nắm bắt thông tin diễn ra nhanh nhạy hơn. Tuy nhiên, ở một phương diện khác, chúng ta dễ bị cuốn vào những cảm xúc tiêu cực, những suy nghĩ và giá trị ảo tưởng. Nhiều người trú ngụ trong thế giới ảo để né tránh những cảm xúc tổn thương chưa thể lãng quên trong quá khứ. Nhiều người mượn thế giới ảo để thêu dệt những viễn cảnh tương lai… Một khảo sát gần đây cho thấy, người dân Mỹ sử dụng tới 49,6% thời gian thức dậy buổi sáng chỉ để suy nghĩ về những điều không liên quan trực tiếp đến công việc của họ; và việc suy nghĩ mông lung không thật sự khiến họ được vui vẻ, hạnh phúc.
Điều đáng nói là, chúng ta sẽ không bao giờ có thời gian dành cho chính mình nếu như vẫn tiếp tục để những suy nghĩ miên man chạy nhảy trong đầu. Duy trì khả năng tập trung chính là chìa khóa để giải quyết mọi công việc nhanh chóng và hiệu quả. Đặc biệt, khi tập trung cao độ, ta sẽ không bị tạp niệm kiểm soát. Lúc này, chúng ta mới có thể nhận diện được đâu mới là suy nghĩ của chính mình, không bị những ý niệm lan man, không đầu không cuối lôi kéo. Học được cách tập trung từ những việc nhỏ nhặt nhất, ta sẽ nhận được thành công lớn mà ngay cả chính bản thân cũng không ngờ đến.
3. Trò chuyện với chính mình mỗi ngày.
Hãy hỏi bất kỳ câu nào mà bản thân đang quan tâm hay mong đợi hoặc bất cứ điều gì quan trọng với ta ngay lúc này. Hãy hít thở thật sâu, cảm nhận mọi cảm xúc và suy nghĩ của mình. Hãy lắng nghe câu trả lời chân chính sâu trong trái tim mình. Việc này sẽ giúp chúng ta kết nối, bày tỏ, lắng nghe cơ thể, hơi thở, cảm xúc, suy nghĩ của chính mình. Chỉ cần vài phút như thế mỗi ngày, ta sẽ cảm nhận được sự khác biệt trong cách suy nghĩ và hành động. Ta sẽ không chỉ thấu hiểu bản thân hơn mà còn nắm bắt trực giác một cách nhạy bén hơn. Đó sẽ là nền tảng cho những thay đổi và nỗ lực để từng bước trưởng thành một cách chân thật hơn.
Không phải ngẫu nhiên mà 80% trong số những nhân vật thành công nổi tiếng được phỏng vấn bởi Ferriss – tác giả cuốn sách Tuần làm việc 4 giờ – đều trả lời rằng, mỗi ngày, họ đều dành thời gian để trò chuyện với chính mình. Đó chính là bí quyết để họ loại bỏ thành công tạp niệm và tập trung vào suy nghĩ của mình, bất kể họ có là doanh nhân thành đạt, diễn giả nổi tiếng hay diễn viên đình đám.
4. Tôn trọng cảm xúc của bản thân.
Và sau khi đã thiền định, tập trung cao độ để trò chuyện, thấu hiểu mình, điều cuối cùng chúng ta cần phải ghi nhớ chính là hãy tôn trọng cảm xúc của bản thân. Bởi lẽ, cảm xúc là yếu tố mấu chốt thể hiện mức độ “thấu hiểu chính mình” của một cá nhân. Khi thành thật với cảm xúc cá nhân, ta sẽ dễ dàng hiểu rõ nội tâm bên trong, biết cách điều khiển cảm xúc phù hợp với từng hoàn cảnh.
Chúng ta cần đặt mình vào vị trí của người khác để lắng nghe, cảm nhận và thấu hiểu. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là ta quên mình đi. Hiểu cho người khác để có sự cảm thông và những cách cư xử đúng mực. Nhưng khi sự cảm thông đó không xuất hiện một cách tự nhiên mà phải dùng lý trí điều khiển, dần dà, ta sẽ thấy mệt mỏi, nặng nề. Sự kìm nén tích tụ sẽ trở thành độc dược, đầu độc chúng ta, tước đi tình cảm tự nhiên, sự nhiệt thành và những cảm nhận tích cực về cuộc sống.
Vì vậy, hãy lắng nghe trái tim mình và tôn trọng cảm xúc thật của mình, buông lỏng mọi xét đoán để trả cho cảm xúc quyền được tự bộc lộ. Nói cách khác, thay vì cố gắng kiểm soát hay che giấu cảm xúc cá nhân, hãy quan sát diễn biến tâm trạng của mình một cách điềm tĩnh và thẳng thắn, để có thể hóa giải mọi lo âu, căng thẳng và sợ hãi. Khi thấu tỏ được bản thân, cũng là lúc ta rèn luyện được kỹ năng buông bỏ những điều không quan trọng, từ đó, tập trung từng bước để khám phá tiềm năng vô hạn của chính mình, tiếp thêm niềm tin và sức mạnh để bạn sống thật tự tin, hạnh phúc.
IV. Tổng kết
Con đường dẫn đến sự thấu tỏ bản thân dễ dàng hay gian nan, tùy thuộc vào mức độ kiên trì và sự đầu tư nghiêm túc của mỗi người. Nhưng đây là một hành trình của riêng mỗi chúng ta, chỉ có bản thân mình mới có thể tìm hiểu, khám phá và phát huy tối đa sức mạnh nội tâm của chính mình. Và, chỉ khi thật sự biết cách lắng nghe chính mình, sống hòa bình với chính mình thì chúng ta mới có thể làm điều đó với những người khác.
TRƯƠNG THANH THÙY
Cùng tìm hiểu và thực hành Thiền định bằng cách vào trang Thiền định trên Ứng dụng AN Space ngay tại đây.