Cơ thể của chúng ta cần sắt để tạo ra hemoglobin – một loại protein trong các tế bào hồng cầu có nhiệm vụ vận chuyển oxy qua mạch máu. Nếu không có đủ hemoglobin, các mô và cơ của bạn sẽ không nhận đủ oxy để hoạt động hiệu quả. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu máu.
Dấu hiệu cho thấy bạn đang thiếu sắt
Các dấu hiệu và triệu chứng của thiếu sắt tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh thiếu máu, tốc độ phát triển bệnh, độ tuổi, tình trạng sức khỏe hiện tại của chúng ta. Một số trường hợp, mặc dù cơ thể vẫn trong tình trạng thiếu máu nhưng lại không có triệu chứng cụ thể nào cả; thế nên chúng ta cần quan sát, theo dõi cơ thể mình một cách kỹ lưỡng nhất. Và, dưới đây là 12 dấu hiệu của bệnh thiếu sắt.
-
Mệt mỏi bất thường
Cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh thiếu máu do thiếu sắt. Tình trạng mệt mỏi xảy ra do cơ thể không có đủ hemoglobin dẫn đến lượng oxy đến các mô và cơ sẽ ít hơn, làm mất đi năng lượng của chúng. Trái tim cũng phải làm việc nhiều hơn để vận chuyển nhiều máu cho toàn bộ cơ thể. Mệt mỏi do thiếu sắt có thể đi kèm với tình trạng suy nhược, cáu kỉnh hoặc khó tập trung.
-
Da nhợt nhạt
Da và màu phía trong của mí mắt dưới nhạt hơn bình thường là một triệu chứng phổ biến khác của thiếu sắt. Hemoglobin trong tế bào hồng cầu làm cho máu có màu đỏ, vì vậy khi nồng độ hemoglobin thấp sẽ làm cho máu ít có màu đỏ hơn. Đó là lý do tại sao những người bị thiếu sắt có làn da nhợt nhạt hơn.
Một nghiên cứu ở trẻ em từ 6 đến 11 tuổi cho thấy, da xanh xao do thiếu sắt có thể xuất hiện giới hạn ở một vùng như khuôn mặt, nướu răng, bên trong môi, mí mắt dưới hoặc móng tay.
Bạn có thể tự kiểm tra bằng cách soi gương và kéo mí mắt dưới xuống. Nếu nó có màu hồng nhạt hoặc vàng, có thể cơ thể bạn đang thiếu sắt. Ở những người có tông màu da sẫm hơn, mí mắt có thể là khu vực duy nhất để kiểm tra tình trạng này.
-
Khó thở
Hemoglobin cho phép các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Khi nồng độ hemoglobin thấp, kéo theo nồng độ oxy cũng thấp. Điều này có nghĩa là cơ bắp của bạn sẽ không nhận đủ oxy để thực hiện các hoạt động bình thường, chẳng hạn như đi bộ. Nhịp thở của bạn sẽ tăng lên khi cơ thể cố gắng lấy thêm oxy. Đây là lý do tại sao khó thở cũng là một triệu chứng khá phổ biến.
Nếu bạn cảm thấy khó thở khi thực hiện các công việc thường ngày mà trước đây bạn vẫn làm rất dễ dàng, chẳng hạn như đi bộ, leo cầu thang hoặc tập thể dục, thì nguyên nhân có thể là do thiếu sắt.
-
Nhức đầu
Thiếu sắt có thể gây đau đầu, đặc biệt ở những người đang trong thời kỳ kinh nguyệt. Tuy mối liên hệ giữa thiếu sắt và đau đầu vẫn đang được nghiên cứu thêm, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng, một số yếu tố giữa chức năng của dopamine và mức độ estrogen thay đổi có thể dẫn đến đau đầu. Những cơn đau đầu thường xuyên, tái phát nhiều lần có thể là triệu chứng của thiếu sắt.
-
Tim đập nhanh
Rối loạn nhịp tim, còn được gọi là tim đập nhanh, là một triệu chứng khác của bệnh thiếu máu do thiếu sắt. Khi thiếu sắt, lượng hemoglobin thấp, có nghĩa là trái tim phải làm việc nhiều hơn để vận chuyển oxy. Điều này có thể dẫn đến nhịp tim không đều hoặc đập nhanh bất thường. Do đó, thiếu sắt có thể làm trầm trọng thêm các tình trạng mà tim của bạn đang gặp phải, chẳng hạn như suy tim và bệnh tim mạch vành.
-
Da và tóc khô, hư tổn
Da và tóc khô hoặc hư tổn có thể là dấu hiệu của thiếu sắt. Nồng độ hemoglobin trong máu giảm dẫn đến giảm lượng oxy có sẵn để cung cấp cho các tế bào hỗ trợ việc phát triển tóc. Khi da và tóc bị thiếu oxy, chúng có thể trở nên khô và yếu.
Rụng tóc cũng là một biểu hiện của thiếu sắt. Một số nghiên cứu cho thấy, nữ giới đang trong độ tuổi sinh sản thiếu sắt có thể gây nên tình trạng rụng tóc. Một người khỏe mạnh sẽ rụng từ 50 đến 100 sợi tóc mỗi ngày; thế nên, nếu bạn rụng quá nhiều tóc, hãy chú ý đến việc bổ sung sắt cho cơ thể.
-
Lưỡi và miệng sưng, đau
Các dấu hiệu ở miệng cho thấy bạn đang thiếu máu do thiếu sắt bao gồm sưng, viêm, nhợt nhạt hoặc lưỡi trơn nhẵn lạ thường. Thiếu sắt cũng có thể gây ra các triệu chứng khác ở khu vực miệng như khô miệng, nhiệt miệng, đau, khô và có vết nứt đỏ ở khóe miệng, loét miệng.
-
Chân không yên
Thiếu sắt có liên quan đến hội chứng chân không yên. Tình trạng này thôi thúc bạn di chuyển chân ngay cả trong lúc đang nghỉ ngơi. Nó cũng có thể gây ra cảm giác ngứa ngáy khó chịu ở bàn chân và cẳng chân của bạn.
Tình trạng này thường tồi tệ hơn vào ban đêm khiến chúng ta trở nên khó ngủ. Nguyên nhân chính của hội chứng chân không yên nguyên phát chưa được tìm hiểu đầy đủ. Tuy nhiên, hội chứng này được biết là xảy ra thứ phát sau các tình trạng y tế khác nhau, bao gồm cả thiếu máu do thiếu sắt.
Những người thiếu sắt có nguy cơ mắc hội chứng chân không yên cao gấp 6 lần so với dân số chung.
-
Móng tay giòn hoặc hình thìa
Một triệu chứng ít phổ biến hơn của thiếu sắt là móng tay giòn hoặc có hình thìa. Tình trạng này được gọi là Koilonychia.
Thông thường, dấu hiệu đầu tiên là móng tay giòn, dễ gãy và nứt. Nếu không kịp thời bổ sung sắt, bạn có thể gặp tình trạng móng tay hình thìa, nghĩa là phần giữa móng tay lõm xuống và các cạnh nhô cao lên trông như một chiếc thìa.
Tuy nhiên, đây là một dấu hiệu hiếm gặp, chỉ có khoảng 5% những người bị thiếu sắt gặp phải tình trạng Koilonychia khi tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.
-
Dễ bị nhiễm trùng hơn
Khoáng chất sắt cần thiết cho một hệ thông miễn dịch khoẻ mạnh. Do vậy, việc thiếu sắt có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm trùng có thể là một dấu hiệu của bệnh khác ngoài thiếu sắt.
Nguyên nhân của thiếu sắt
Thiếu sắt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và gây ra bởi nhiều yếu tố khác nhau. Một số nguyên nhân phổ biến là: chế độ ăn uống không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của cơ thể; viêm ruột hoặc rối loạn tiêu hoá; mất máu trong kỳ kinh nguyệt; bệnh trĩ, mang thai hoặc gặp phải tình trạng xuất huyết. Để xác định rõ nguyên nhân, cách tốt nhất là bạn hãy đến gặp bác sĩ để được làm xét nghiệm.
Cách phòng ngừa thiếu sắt
-
Ăn các thực phẩm giàu chất sắt
Trong các thực phẩm, sắt tồn tại dưới hai dạng: heme và non-heme.
Cơ thể có thể hấp thụ tới 40% lượng sắt heme thường có trong các thực phẩm động vật chứa nhiều hemoglobin như: thịt bò, thịt heo, thịt gà, thịt bê; cá bơn, cá tuyết chấm đen, cá hồi, cá ngừ, các loại hải sản, gan.
Ước tính từ 85-90% lượng sắt cơ thể tiêu thụ đến từ dạng sắt non-heme. Sắt non – heme chủ yếu có trong các loài thực vật, ngũ cốc. Sắt non – heme có trong: Các loại đậu; rau lá xanh đậm như rau bina, cải xoăn; ngũ cốc nguyên cám, gạo, lúa mình, yến mạch và trái cây khô.
-
Tăng cường khả năng hấp thụ sắt của cơ thể
Vitamin C trong nước trái cây thuộc họ cam quýt giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn từ các thực phẩm trong bữa ăn. Bạn có thể tăng cường khả năng hấp thụ sắt của cơ thể bằng cách uống nước cam, quýt, chanh hoặc bổ sung thêm các thực phẩm giàu vitamin C như: Bông cải xanh, bưởi, kiwi, dưa lưới, dâu tây, ớt, cà chua…
-
Uống bổ sung sắt theo chỉ định của bác sĩ
Bạn chỉ nên sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung sắt khi đã được bác sĩ chỉ định thiếu sắt hoặc có nguy cơ gặp phải mà chế độ ăn uống của bạn không thể đáp ứng.
Bạn cần biết rằng, việc bổ sung sắt có thể gây ra các tác dụng phụ như: đau bụng, táo bón, tiêu chảy, ợ nóng, buồn nôn… Hãy đến các cơ sở y tế để thăm khám khi bạn gặp phải những tác dụng phụ khi sử dụng viên uống bổ sung sắt.
Theo Healthline – Huyền Trang lược dịch
Tìm hiểu các phương pháp chăm sóc sức kh trên app ANSpace bằng cách vào mục Tìm kiếm (Nhập từ khóa) => Vận động
Tải và trải nghiệm ngay app ANSpace:
– IOS: https://apple.co/3xoPaJN
– Android: https://bit.ly/3aPxRK8
gắn link bài lợi ích đi bộ