Có lẽ, không ít người trong chúng ta sống hết mình, làm việc chăm chỉ, nhưng lại không cảm nhận được giá trị hạnh phúc mà lẽ ra bản thân mình xứng đáng được nhận. Chúng ta loay hoay với những câu hỏi, “sẽ thế nào nếu mình nghỉ việc?”, “sẽ thế nào nếu mình không đi con đường này?”… Và rồi, chúng ta lại cố tránh né những câu hỏi ấy. Ta cố giả vờ mình thấy ổn và biết ơn với tất cả mọi thứ. Nhưng thực tế, ta vẫn không hạnh phúc, không cảm thấy hài lòng.

sống hòa hợp với giá trị cốt lõi của bản thân

Chúng ta chọn làm việc, đôi khi vì sợ ánh mắt phán xét, rằng bản thân chỉ là một kẻ “ăn bám”. Và chúng ta để mình cuốn theo công việc đó, một công việc với mức lương tháng ổn định, hàng ngày diện những bộ cánh ra dáng “công sở” và thi thoảng “hãnh diện” trả lời “bận lắm” khi trò chuyện với người khác… Chúng ta lầm tưởng rằng, có một công việc sẽ khiến bản thân “có giá” hơn trong mắt mọi người. Và ta lại loay hoay trong câu hỏi, “mình có hạnh phúc không?”…

Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề tương tự như trên, hãy thử gác lại mọi việc, ngồi xuống, thả lỏng và quay về với chính mình, lắng nghe tiếng nói sâu thẳm bên trong mình. Khi ngồi lại với chính mình, nhìn lại những gì đã trải qua, bạn có thể sẽ nhận ra đâu điều quan trọng trong cuộc sống mà bạn muốn hướng tới. Lúc này, những câu hỏi bắt đầu bằng cụm “sẽ ra sao…” lại mở ra theo một hướng hoàn toàn khác; ví như “sẽ ra sao nếu tôi bước ra khỏi vùng an toàn?”, hay “sẽ ra sao nếu tôi là chính mình, bộc lộ tất cả những gì là mình mà không sợ phán xét?”, hoặc “sẽ ra sao nếu ngày mai là tận thế, tôi sẽ tận hưởng ngày cuối cùng như thế nào, với ai…?”.

Cứ thế, khoảng thời gian tĩnh lặng mỗi ngày mà bạn tự tặng cho mình, để thấu hiểu bản thân hơn sẽ là hành trình ghi chép lại những điều rất giá trị với chính bạn. Có thể, bạn sẽ nhận ra một sự thật đáng buồn, rằng bấy lâu nay, bạn đã luôn sống với những giấc mơ và kỳ vọng của người khác; rằng bạn chỉ sống sao để mọi người hài lòng; rằng, bạn cố gắng để nhận về những lời khen ngợi cho con người thực chất không phải là bạn…

Nhưng chính sự thật đáng buồn ấy sẽ tạo ra những giá trị đáng quý. Bạn hiểu bản thân hơn, bạn biết mình là ai và muốn trở thành như thế nào trong cuộc đời này. Khi hiểu thấu bản thân, mọi thứ trở nên rõ ràng đến bất ngờ. Bạn nhận ra rằng, mỗi con người khi đến với thế giới này đều chỉ có một quỹ thời gian giới hạn. Dù giàu hay nghèo, tài sản “thời gian” chúng ta có gần như là bằng nhau. Nửa cuộc đời chúng ta đã phải dành cho việc ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân và khoảng thời gian thơ ấu. Sẽ ra sao nếu một nửa còn lại, ta vẫn tiếp tục mơ hồ về bản thân và không biết đâu là người mình thực sự muốn trở thành?

Đó chính là khoảnh khắc mà sự tĩnh lặng trong chánh niệm dẫn bạn đến với một lối đi hoàn toàn mới, để tìm lại và hiện thực hóa những giấc mơ đã từng bị bỏ quên. Hay, có thể nói, đó là khoảnh khắc mà bạn tìm thấy được giá trị cốt lõi của bản thân mình. Cho dù, khái niệm “giá trị cốt lõi” có vẻ trừu tượng, khá mơ hồ; nhưng nếu bạn tìm hiểu đủ và lại dành thêm thời gian soi chiếu vào chính mình, bạn sẽ hiểu được tầm quan trọng của giá trị cốt lõi đối với cuộc sống của chính bạn.

Khi ấy, bạn sẽ tạo ra hệ giá trị cho bản thân. Có nghĩa, bạn sẽ sống có mục đích, biết định hướng khi khó khăn, dám đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc đời. Bởi vì, khi hiểu về giá trị cốt lõi bên trong mình nghĩa là bạn có thể thức cao độ về bản thân, biết thiết lập những ranh giới lành mạnh để tập trung vào những thứ quan trọng và loại bỏ xao nhãng trong cuộc sống. Và chỉ như thế bạn mới có thể kiến tạo sự nghiệp phù hợp với hệ giá trị bằng sự tự tin, bằng lòng tự trọng. Đến cuối cùng, bạn sẽ được quyền tận hưởng cuộc sống hạnh phúc, viên mãn.

Và để có thể sống hài hòa với giá trị cốt lõi, bạn có thể thực hành theo 7 bước sau đây: 

Bước 1: Viết ra danh sách các giá trị cốt lõi của bạn. 

Bước 2: Chọn một giá trị cốt lõi để thực hành. 

Bước 3: Đặt mục tiêu phù hợp với giá trị cốt lõi đó. Ví dụ, nếu chọn giá trị tự do, bạn có thể đặt ra những mục tiêu như xây dựng sự nghiệp tự do, làm công việc mình yêu thích, ở bất kỳ nơi đâu bạn muốn, tự do khám phá, thử nghiệm mọi điều mới mẻ trong cuộc sống, làm chủ bản thân và làm chủ thời gian, thể hiện bản thân như vốn có, sống thật với những giá trị của mình..

Bước 4: Hành động hướng đến mục tiêu. Lúc này, bạn cần nghiêm túc nghĩ về những hành động cụ thể và xây dựng kế hoạch để biến mục tiêu thành hiện thực.

Bước 5: Trải nghiệm những lợi ích về thể chất và tinh thần mà giá trị đó mang lại cho bạn. Ghi chép, tự phản biện, nhìn nhận, đánh giá là những phương pháp liền kề và mang lại giá trị thiết thực trong bước thực hành này. Nếu giá trị mang lại những lợi ích cho bạn, chắc chắn chúng sẽ tạo ra động lực to lớn để bạn tiếp tục sống với những giá trị của mình. Ngược lại, bạn có thể loại bỏ giá trị đó ra khỏi cuộc sống của bạn nếu nó không phù hợp. Sau một tuần, một tháng, hãy dành 10-15 phút để đánh giá việc thực hành giá trị của bạn.

Bước 6: Tiến hành cập nhật danh sách giá trị cốt lõi của bạn khi đã đánh giá xong. 

Bước 7: Lựa chọn giá trị tiếp theo và tiếp tục các bước phía trên. 

Những bước này nghe có vẻ đơn giản nhưng thực chất không dễ dàng. Bạn có thể phải bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, làm những việc bạn chưa từng làm trước đó. Thậm chí, có thể phải từ bỏ cả sự nghiệp mà bạn đã dành cả tuổi thanh xuân để gầy dựng. Nhưng nếu không làm những việc đó, sẽ không có cách nào để bạn có thể sống là chính mình, với những giấc mơ và hoài bão của mình. Ngược lại, nếu đủ can đảm chấp nhận thử thách, bạn có thể phát hiện ra những điều đẹp đẽ bấy lâu nay bản thân chưa từng trải nghiệm. Bạn sẽ thấy nhẹ nhõm, an yên, hạnh phúc trong trải nghiệm mới mà bạn vừa có được.

TRƯƠNG THANH THÙY

Cùng tìm hiểu những kiến thức hay, có tính khai sáng trên app ANSpace bằng cách vào trang Khai sáng

Tải và trải nghiệm ngay app ANSpace:

– IOS: https://apple.co/3xoPaJN 

– Android: https://bit.ly/3aPxRK8