Cơ thể chúng ta cần ngủ đủ và nghỉ ngơi hợp lý để có thể phục hồi sau các hoạt động thể chất và trí óc, để duy trì trạng thái khỏe mạnh và cân bằng. Nếu không có một giấc ngủ ngon, cơ thể sẽ khó chống lại nhiễm trùng và phục hồi sau bệnh tật.
Giấc ngủ có tầm quan trọng là vậy, nhưng thật không may, nhiều người trong chúng ta rất khó đi vào giấc ngủ. Đôi khi, lý do mất ngủ là bạn đã uống một tách cà phê gần giờ đi ngủ hoặc có chuyện gì đó vừa xảy ra khiến bạn suy nghĩ quá mức. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, khó ngủ là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn như trầm cảm hoặc rối loạn giấc ngủ…
Nếu bạn hay người thân của bạn đang gặp vấn đề về giấc ngủ, hãy thử các cách sau:
1. Tắm bằng nước ấm giúp ngủ ngon hơn
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tắm nước ấm trong vòng hai giờ trước khi đi ngủ sẽ có chất lượng giấc ngủ tốt hơn. Đó là vì, nước ấm có thể kích hoạt sự thay đổi nhiệt độ cơ thể, thúc đẩy sự thư giãn và khiến bạn buồn ngủ.
2. Hoạt động thể chất thường xuyên
Hoạt động thể chất thường xuyên và đều đặn giúp bạn ngủ ngon hơn, thậm chí có thể giúp bạn phòng ngừa chứng mất ngủ.
Bạn có biết, hầu như tất cả các hình thức tập thể dục đều có khả năng cải thiện giấc ngủ, dù chỉ đơn giản là việc đi bộ 10 phút mỗi ngày? Đặc biệt, việc tập yoga trước khi ngủ không chỉ giúp bạn đi vào giấc ngủ nhanh hơn, mà còn cải thiện tâm trạng và sức khỏe tổng thể của bạn nữa đó.
Tuy nhiên, hãy nhớ không nên tập thể dục trong vòng hai tiếng trước khi đi ngủ, vì như vậy bạn sẽ càng khó ngủ hơn.
3. Tránh sử dụng đồ điện tử trước khi đi ngủ
Các thiết bị điện tử như TV, điện thoại thông minh, máy tính xách tay và máy tính bảng không chỉ gây mất tập trung mà còn phát ra ánh sáng xanh, có thể ảnh hưởng xấu đến chu kỳ giấc ngủ của bạn.
Tiếp xúc với ánh sáng chói hoặc ánh sáng xanh trong vòng hai giờ trước khi đi ngủ khiến chúng ta tỉnh táo và dễ thức khuya hơn.
4. Dùng thức uống có cồn quá gần giờ đi ngủ
Đôi khi, uống rượu có thể giúp bạn đi vào giấc ngủ nhanh hơn. Tuy nhiên, nó có thể sẽ khiến bạn ngủ ngắn và thức giấc vào nửa sau của đêm. Nói chung, rượu bia gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng giấc ngủ.
Bạn cũng nên tránh uống cà phê, trà đặc trước giờ đi ngủ. Caffeine là chất kích thích có tác dụng tạo nên sự tỉnh táo đầu óc trong một khoảng thời gian. Nghiên cứu cho thấy, caffeine có thể mất đến tám giờ để đào thải khỏi cơ thể. Vậy, bạn hãy hạn chế lượng caffein của bạn trong nửa đầu ngày hoặc tránh hoàn toàn nếu bạn nhạy cảm với nó.
5. Duy trì giờ đi ngủ cố định mỗi đêm
Hầu hết người trưởng thành cần ngủ khoảng bảy đến tám tiếng mỗi ngày. Đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ hàng ngày là một thói quen tốt tạo nên giấc ngủ lành mạnh.
Khi thức khuya hoặc ngủ nướng, bạn sẽ làm thay đổi chu kỳ giấc ngủ, và khiến bản thân khó đi vào giấc ngủ hơn vào những ngày hôm sau. Ngược lại, một lịch trình ngủ đều đặn giúp cơ thể dễ rơi vào giấc ngủ vào những thời điểm nhất định.
Nhiều bằng chứng cho thấy rằng, việc thiết lập thói quen thư giãn và nghỉ ngơi trước khi ngủ có thể giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn. Một, hai giờ trước khi đi ngủ, bạn có thể giảm đèn, thực hiện việc chăm sóc da, ngâm chân bằng nước ấm…Hoặc, bạn có thể nghe những bản nhạc giúp bản thân thư giãn và mang lại cho bạn cảm giác thoải mái, tích cực. Bạn cũng có thể đọc sách, viết nhật ký hoặc lập lịch trình về những việc cần làm trong ngày mai…Điều quan trọng là, hãy duy trình những thói quen này một cách đều đặn để giúp thiết lập đồng hồ bên trong cơ thể, giúp bạn dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn.
Trong rất nhiều yếu tố làm giảm chất lượng giấc ngủ của chúng ta, căng thẳng là một trong những thủ phạm chính. Căng thẳng gây ức chế giấc ngủ, ngăn cản các tế bào làm việc và tự điều chỉnh để cơ thể được thanh lọc và trẻ hóa.
6. Thực hành thiền trước khi đi ngủ
Thiền giúp chúng ta loại bỏ căng thẳng bằng cách làm dịu tâm trí và thúc đẩy cảm giác bình yên bên trong. Thiền cũng đã được chứng minh là giúp khắc phục tình trạng mất cân bằng hệ thần kinh.
Như bạn biết, hệ thần kinh tự chủ của chúng ta gồm 2 phần: Hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh đối giao cảm. Một phần giúp chúng ta tỉnh táo, phần còn lại giúp ngủ ngon. Chúng ta cần cả hai, nhưng lại thường bị mất cân bằng vì căng thẳng mãn tính.
Thông qua các kỹ thuật tập trung vào hơi thở và hướng tâm trí vào khoảnh khắc hiện tại, thiền gợi lên phản ứng thư giãn có lợi cho giấc ngủ. Các nghiên cứu cho thấy, thiền tạo ra các phản ứng sinh lý như giảm nhịp tim, kiểm soát nhịp thở và tăng cường mức melatonin – vốn là một hóc-môn có tác dụng gây buồn ngủ.
Và, khi thiền định trở thành thói quen hàng ngày của bạn trước giờ đi ngủ, bạn hãy yên tâm rằng, chất lượng giấc ngủ của bạn sẽ được cải thiện tâm trí và cơ thể của bạn được thư giãn và phục hồi, sẵn sàng cho một ngày mới dồi dào năng lượng và tràn ngập lòng biết ơn với cuộc sống.
KIỀU GIANG
Cùng thực hành nội dung để có giấc ngủ chất lượng trên app ANSpace bằng cách vào mục Tìm kiếm (Nhập từ khóa) => Giấc ngủ
Tải và trải nghiệm ngay app ANSpace:
– IOS: https://apple.co/3xoPaJN
– Android: https://bit.ly/3aPxRK8